Mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập

Vũ Phong |

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, TPHCM nên mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho các giáo viên, giảng viên nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy.

Mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận buổi làm việc - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã có buổi làm việc với TPHCM giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham gia đoàn giám sát.

Về phía TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ dự buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là nâng cao trình độ học vấn, trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Đối với TPHCM, ngành giáo dục Thành phố đã có những bước tiên phong, đổi mới so với cả nước, như đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, chủ động triển khai trường học không tiền mặt, thành lập trung tâm điều hành giáo dục thông minh.

Trưởng Đoàn giám sát cũng ghi nhận và đánh giá TPHCM đã chủ động, linh hoạt trong công tác chuẩn bị các điều kiện cho giáo viên và học sinh về dạy và học, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận, Thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đội ngũ giáo viên thiếu ở nhiều địa phương, quận, huyện, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như Ngoại ngữ, Tin học, trong khi nguồn tuyển hạn chế.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho việc đổi mới giáo dục phổ thông còn thấp so với nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số nơi còn chậm được mua sắm, bổ sung. Nội dung một số môn học chưa thực sự giảm tải; giá sách giáo khoa tăng cao; tình trạng lãng phí do không sử dụng lại được sách giáo khoa gây bức xúc cho người dân tại một số nơi.

Nhận định đó là những thách thức đặt ra đối với Thành phố trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị TPHCM rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu của người học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục; đổi mới quản trị nhà trường theo hướng minh bạch, tinh gọn.

Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, Thành phố nên mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho các giáo viên, giảng viên nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy. Có cơ chế xã hội hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập và có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn, đồng thuận, chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục hiện nay. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và học tập.

Mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ Thành phố thí điểm các cơ chế trong lĩnh vực giáo dục, làm cơ sở nhân rộng ra cả nước - Ảnh: VGP/Vũ Phong

TPHCM sẵn sàng thí điểm các chính sách trong giáo dục

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, đổi mới trong giáo dục cần chú ý tới yếu tố tăng dân số. Mỗi năm, TPHCM tăng thêm 200.000 dân và trên 40.000 học sinh. Khi dân số tăng thì sẽ là áp lực cho đội ngũ giáo viên, vậy nên cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ giáo viên.

Theo Bí thư Thành ủy, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất. Phải có chính sách thu hút nguồn lực theo yêu cầu, theo vị trí, việc làm; phải tính đến việc bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên bám nghề, phát triển nghề.

Người đứng đầu Thành ủy cũng thừa nhận, TPHCM còn nhiều trường, nhiều cơ sở giáo dục với phương tiện, thiết bị rất cũ kỹ, chưa đáp ứng việc dạy và học. Ông đề xuất ngành giáo dục phải đổi mới và đa dạng sách giáo khoa; làm sao để giảm giá, giảm áp lực cho học sinh nghèo.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 cho phép TPHCM thí điểm các chính sách, cơ chế vượt trội, vì vậy, ông Nên bày tỏ mong Quốc hội ủng hộ Thành phố thí điểm các cơ chế này trong lĩnh vực giáo dục để phát triển ngành giáo dục căn bản và toàn diện hơn, làm cơ sở nhân rộng ra cả nước.

Mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập - Ảnh 3.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, Thành phố sẽ đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung của Thành phố - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch chung TPHCM

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi bày tỏ, đối với mảng văn hóa-giáo dục, TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Dân số của Thành phố trên hệ thống quản lý là 10 triệu người nhưng thực tế có tới hơn 13 triệu người.

Ông Mãi cho hay, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành GD&ĐT thì TPHCM thiếu khoảng 5.000 phòng học và chiếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI với 300 phòng học/1 vạn dân thì Thành phố thiếu 6.000 phòng học. Ông lấy ví dụ, huyện như Bình Chánh từng có thời điểm có những trường trên 90 lớp, học đến 3 ca và có những lớp sĩ số trên 50 học sinh.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết thêm, TPHCM đã chỉ đạo xây dựng đề án tự chủ trong y tế, giáo dục, văn hóa. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra thì nhiệm vụ này có khả năng thực hiện được nhưng sau đại dịch thì các đơn vị gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, khó thực hiện tự chủ.

Ngoài ra, Thành phố đã yêu cầu ngành giáo dục chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát lại quy hoạch phát triển giáo dục Thành phố. Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT đã cơ bản xong phần rà soát và đang lấy ý kiến các sở, ngành. Sau đó, sẽ đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung của Thành phố, từ đó bố trí lại đất đai, nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất và bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố. Trong quý II năm nay, Thành phố cũng sẽ thảo luận để thông qua Đề án về tự chủ văn hóa, giáo dục, thể thao, từ đó huy động thêm nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại