Điển hình trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật là ông Nguyễn Như Hào, nông dân phường Phú Hữu, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM)
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, cùng với sự nhạy bén về thị trường và sự vận động của Hội Nông dân phường, ông Hào quyết định chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi heo rừng sang mô hình trồng nấm công nghệ cao trong nhà lưới từ năm 2017 trên diện tích 2.000m2 đất của gia đình, nhằm giảm tác động đến môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, để trồng được nấm chất lượng cao đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật, đầu tư công nghệ và hiểu biết về quy trình canh tác nên thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù con của ông có học ở viện sinh học về ngành nấm nhưng do kiến thức trong giáo trình khác xa với thực tế nên khi áp dụng không phù hợp, gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật. Hơn nữa việc tìm đầu ra cho nấm cũng là một trở ngại lớn do chưa có mối.
"Trước đó mình nuôi heo rừng nên có mối quen rồi dễ bán, các nhà hàng rất ưa chuộng thịt heo rừng. Nhưng khi chuyển qua trồng nấm thì khó khăn rất nhiều, ngoài khâu kỹ thuật trồng còn đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu trồng thua lỗ nhiều nên phải vay mượn đầu này đầu kia để cứu vãn, nhờ kiên trì, luôn đổi mới cải tiến nên tôi mới có được ngày hôm nay. Nói chứ phải mất 5 năm mới ổn định, có mối bao tiêu sản phẩm cho mình", ông Hào chia sẻ với tạp chí Du lịch Tp.HCM.
Mặc dù lớn tuổi nhưng với đôi tay khéo léo và khối óc nhạy bén, hầu hết máy móc kỹ thuật tại nông trại nấm của ông Hào đều do chính ông tự chế. Vật dụng nào hiện đại ông mới đi mua rồi về chế tạo theo cách riêng của mình để áp dụng cho phù hợp quá trình trồng nấm.
Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ông Hào đã tạo ra một môi trường nuôi trồng nấm lý tưởng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt bên ngoài. Hệ thống tự động giúp giảm thiểu tối đa sức lao động, đồng thời tăng năng suất và chất lượng nấm.
Sau khi trải qua 5 năm với nhiều thất bại, mô hình trồng nấm của ông bắt đầu có những thành công ban đầu. Sản phẩm nấm bào ngư của ông đạt chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Đầu ra bao tiêu sản phẩm là các đầu mối mua về bán lại tại các chợ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, giá bán theo giá sỉ.
Ông Hào cho biết, hiện trại của ông có hơn 50.000 phôi nấm bào ngư, nấm linh tử, với sản lượng bình quân khoảng 1 tấn/tháng, thu hoạch đến đâu đều bán hết trong ngày. Với giá thành khoảng 60.000đồng/kg, trừ hết chi phí, khấu hao tài sản ước tính lợi nhuận khoảng gần 400 triệu đồng/năm.
Ông Hào khẳng định, quy trình sản xuất tại trại nấm hoàn toàn trong môi trường hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Nấm được trồng trong nhà lưới để chống côn trùng, dịch bệnh, phôi nấm trước khi đưa vào nhà trồng được hấp sôi tiệt trùng trong thời gian 12 tiếng ở nhiệt độ 100 độ C nên tương đối an toàn.
"Trong tình hình đổi mới hiện nay, nông dân chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận với những tiến bộ khoa học mới. Bên cạnh đó, còn được Nhà nước chăm chút, khen thưởng, động viên. Tôi và nhiều nông dân tiêu biểu năm 2024 vừa được Hội Nông dân Tp.HCM cho đi tham quan, học tập các mô hình ở Đài Loan (Trung Quốc) hơn 1 tuần.
Phải nói là "đi một ngày đàng học một sàng khôn", mình có thể tiếp thu, lĩnh hội những cái hay, những tiến bộ về ứng dụng khoa học công nghệ của nước bạn, nhất là trong làm nông nghiệp đô thị để nhìn lại những khó khăn của mình và điều chỉnh phù hợp thời đại", ông Hào nói và khẳng định, nếu biết chắt chiu kinh nghiệm, đầu tư bài bản sẽ tạo được những sản phẩm có thể cạnh tranh được với những nước tiên tiến hơn.
Ông Hào cho biết, trong thời gian tới, ông dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích và cải tiến thêm một số công nghệ để tạo năng suất cao hơn, ổn định hơn.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hào còn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trồng nấm cho những người nông dân nào muốn thử nghiệm. Bên cạnh đó, ông thường trích lại một khoản lợi nhuận từ việc bán nấm để hỗ trợ cho những người hoàn cảnh khó khăn trong Hội nông dân địa phương.
Câu chuyện của ông Hào là minh chứng rõ nét cho sự dám nghĩ dám làm, mạnh dạn thay đổi và bắt kịp xu hướng thị trường. Từ một người nuôi heo rừng truyền thống, ông đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và thành công nhờ trồng nấm công nghệ cao.
Qua câu chuyện của ông Hào, có thể thấy rằng sự đổi mới trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững hơn. Trong thời đại hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao và nắm bắt thị trường là chìa khóa giúp người nông dân không chỉ trụ vững mà còn phát triển mạnh mẽ hơn.