Mới đây, thông tin uống an cung ngưu hoàng hoàn chặn đứng đột quỵ ngay khi người bệnh có dấu hiệu sắp bị, gây xôn xao mạng xã hội. Trong một bài đăng của một bác sĩ trên mạng, thấy có dấu hiệu đột quỵ thì dùng máy sấy tóc, ho thật mạnh khi tay đau, tê, chích máu để giải tỏa áp lực máu... chữa đột quỵ. Ngay phần bên dưới comment, nhiều "bác sĩ online" cũng góp ý những cách chữa đột quỵ siêu đơn giản và hiệu quả như uống an cung ngưu hoàng hoàn .
Mặc dù vậy, BS Dương Minh Tuấn (Khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai) phản bác những cách trên đều sai lầm khi sơ cứu người bị đột quỵ.
Uống an cung ngưu hoàng hoàn khi có dấu hiệu đột quỵ cũng không phải việc bạn nên làm lúc này. An cung ngưu hoàng hoàn là bài thuốc y học cổ truyền có từ lâu của Trung Quốc. Trong các tài liệu đông y của Trung Quốc, An cung ngưu hoàng hoàn được ghi lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt cao, co giật, khu đờm, các triệu chứng của nhiệt nhập tâm bào, nói sảng, lưỡi đỏ, trẻ em sốt cao, co giật...
Vậy, tại sao không uống an cung ngưu hoàng hoàn khi có dấu hiệu đột quỵ?
BS Dương Minh Tuấn chia sẻ, khi có dấu hiệu đột quỵ, người bệnh chưa rõ bị tắc mạch máu não hay xuất huyết não, uống vào nhiều khi làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Khi bệnh nhân bị nhồi máu não có kích thước nhỏ, an cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng làm tan cục máu đông, giúp mạch máu thuyên tắc lưu thông trở lại, bệnh nhân thoát khỏi các triệu chứng gây ra do nhồi máu não.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị đột quỵ não do xuất huyết hoặc nhồi máu não diện rộng tuyệt đối không được dùng sản phẩm này do có thể khiến bệnh nặng thêm, vì mạch máu não tiếp tục bị tổn thương nghiêm trọng.
Ngoài ra, an cung ngưu hoàng hoàn cũng chứa 3 chất cấu thành thuốc mang độc tính nằm trong danh sách 19 vị thuốc có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Đó là chu sa - một loại khoáng vật với thành phần chính là thủy ngân; hùng hoàng cũng là một loại khoáng vật có thành phần chính asen và xạ hương có độc tính cao. Những chất này khi vào cơ thể sẽ gây ra những tổn thương nặng nề ở thận, gan, dễ đưa người dùng đến tình trạng suy đa phủ tạng.
Đó là lý do vị bác sĩ khuyên người dân, nếu có dấu hiệu đột quỵ thì cần nhanh chóng gọi cấp cứu, không dùng gì cả. Đó mới là việc cần làm ngay khi 1 người có dấu hiệu đột quỵ.
FAST - Chữ duy nhất cần nhớ khi bị đột quỵ
BS Dương Minh Tuấn khẳng định, với đột quỵ cứ nhớ chữ FAST (nghĩa là "nhanh"), bao gồm:
- F là FACE (Khuôn mặt): Đột ngột cười méo miệng, rối loạn thị lực…
- A là ARM (Cánh tay): Đột ngột thấy tay chân yếu liệt, mệt khó cử động.
- S là SPEECH (Nói): Đột ngột thấy nói ngọng, líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
- T là TIME (Thời gian): Gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Tóm lại, thấy người bệnh có biểu hiện đột quỵ thì việc đầu tiên là nhận biết các dấu hiệu như trên, tiếp đó gọi cấp cứu thật nhanh, di chuyển người bệnh đến viện sớm nhất có thể.