Bên cạnh Đấu trường có nơi nuôi thú bị bỏ đói và khi dắt qua hầm ngầm lên đấu trường với 50-60 ngàn người hò hét cổ vũ thì chúng trở nên hung dữ lạ thường.
Cuộc đấu nhằm mua vui cho người xem. Người thua phải giơ tay lên khán đài, nếu khán giả đưa ngón tay cái lên (thumb up) thì được tha tội chết, nếu ngón cái hạ xuống thì người thắng phải giết luôn kẻ thua trước sự chứng kiến của đám đông điên dại hét lên "giết, giết…".
Các kiếm sỹ trên Facebook
Không hiểu anh Zuckerberg, chủ Facebook, có học được gì từ người La Mã cổ đại mà tạo ra sân chơi trên mạng ảo đôi lúc không khác gì đấu trường sinh tử. Với 3,6 tỷ người dùng internet tương đương một nửa dân số thế giới, 1,6 tỷ tài khoản Facebook, mạng xã hội đang làm thay đổi thế giới.
Không có cái chết thật như trên sân Colloseo, nhưng việc các còm sỹ "chém ảo" bằng bàn phím hay smartphone vào một đối tượng đôi lúc làm tiêu tan sự nghiệp, gia đình ly tán, vợ chồng ly hôn, công ty đang làm ăn phát đạt bỗng rơi tự do, thì có khác chi kiểu hành xử thời Trung cổ.
Hồi tháng 2-2013, một cha cố đi ăn ở cửa hàng Applebee thấy hóa đơn ghi gồm 18% tiền típ, ông điên và xóa phần típ, không quên ghi bên cạnh "Tôi đã trả cho Chúa 10%, tại sao các anh lại được 18%".
Người hầu bàn liền chụp cái hóa đơn có ghi chú của cha cố và đưa lên mạng. Người này bị đuổi việc ngay lập tức vì đã vi phạm quyền riêng tư của khách hàng. Tuy nhiên, hai tuần trước đó, Applebee từng đưa một hóa đơn tương tự lên mạng.
Thế là bão mạng nổi lên, Applebee tiếp tục chống đỡ kiểu chai nước có con ruồi. Ngày hôm sau, hơn 10 ngàn comment hầu hết là lên án nhà hàng đã dùng chuẩn đúp, lạm dụng tiền típ.
Thay vì xin lỗi, Applebee thanh minh thanh nha, ngày hôm sau thêm gần 10 ngàn comment nữa. Sợ quá họ đóng bài viết lại càng bị chửi nhiều hơn.
Bài học ở đây là nên tránh đương đầu với các còm sỹ - đấu sỹ có kiếm là cái bàn phím, iPad, smartphone trên mạng ảo. Đó là cuộc chiến với cối xay gió mà phần thua luôn thuộc về kẻ đã khơi mào.
Hồi tháng 3-2015, hãng American Airlines (AA) bị rắc rối nghiêm trọng với mạng xã hội. Một gia đình ở tiểu bang Illinois có kế hoạch đi nghỉ, vé đã mua, nhưng vào phút chót, cô con gái 9 tuổi bị chết do bị cơn hen đột ngột.
Tác giả Hiệu Minh
Gia đình gửi thư tới hãng và xin hoàn tiền vé do hoàn cảnh đặc biệt. Người duyệt đơn đã không xem xét kỹ và trả lời bằng email với sự vô cảm, hãng AA không hoàn tiền vé trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bà mẹ của cô bé tung cái thư trả lời lên facebook và hàng ngàn comment lên án hãng máy bay về sự vô cảm. Có người còn tìm ra chính sách của hãng AA là trả lại tiền vé trong trường hợp bất khả kháng như trên là một trong những người trong gia đình bị chết.
Cảm thấy nóng ghế, chủ hãng phải gọi điện cho gia đình, xin lỗi và hứa sẽ hoàn trả tiền. Dùng một chút tiền để mua sự yên ổn tốt hơn là để các đấu sỹ - còm sỹ phải vung kiếm, vừa mất tiền, vừa mang tiếng. Sự hung hăng của đám đông rất khó đoán định hậu quả sẽ ra sao.
>>>Xem bài cùng tác giả TẠI ĐÂY
Gậy tầm vông của các còm sỹ xứ Việt
Với gần 50 triệu người dùng internet, 40 triệu tài khoản Facebook, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có nền IT phát triển nhanh nhất thế giới.
Từ năm 2000 đến nay (2016), tăng trưởng internet của Việt Nam lên tới 24.000%, đứng thứ 3 thế giới, sau Bangladesh (52.000%) và Nigeria (48.000%).
Tính đến tháng 1/2016, lượng người dùng internet tại Việt Nam đã gần 50 triệu.
Người Việt không có kiếm như các đấu sỹ La Mã nhưng có một vũ khí là gậy tầm vông. Mang thứ thô sơ đó vào mạng ảo, họ sẵn sàng tham chiến và phạt đầu bất kỳ kẻ nào định cản mũi kỳ đà.
Xu hướng thiết bị cầm tay sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thập kỷ tới. Với giá 50$/smartphone, từ người bán hàng rong trên phố đến chú bé chăn trâu trên Mù Cang Chải cũng mua được để tham gia với 3,5 tỷ người khác trên thế giới.
Dường như tuần nào cũng có một cơn bão mạng nào đó. Năm trước một nàng ngủ hớ hênh trên máy bay. Mấy tháng trước là hoa hậu hút thuốc lá. Tuần trước là xe máy đèo người bệnh chết trên Sơn La. Tuần này có mấy tin đồn không bằng chứng lãnh đạo đang dính bồ nhí hay cả họ làm quan.
Và mới hôm qua thôi, một cô gái lấy áo lót che mũi để thoát ra khỏi vụ cháy quán karaoke bị tung ảnh lên mạng để cộng đồng phán xử theo luật mà mỗi người nghĩ theo một cách.
Vụ việc cô gái lấy áo lót che mũi để thoát ra khỏi vụ cháy quán karaoke xôn xao mạng xã hội thời gian qua.
Có một thời cái gì cũng bị coi là nhạy cảm, từ chuyện thâm cung bí sử tới sex hay ngoại tình. Từ khi internet vào Việt Nam năm 1997 mọi thứ đều được "chiếu rọi" dưới sự phán xử của cư dân mạng.
Internet giúp chính phủ minh bạch và dân chúng tin vào chính quyền hơn nếu biết sử dụng ưu điểm của công nghệ hiện đại này.
Tuy nhiên, dân trí đang trên đường hội nhập, văn hóa tranh luận còn nhiều hạn chế, do vô tình hay hữu ý, nhiều vấn đề bị mang ra mổ xẻ, đôi lúc gây những cơn bão dư luận làm cho người đọc không biết tin ai.
Vĩ thanh
Anh hùng bàn phím xét đoán đạo đức và tự đặt ra lề thói bắt người khác phải theo trong khi anh/chị ta chưa hiểu thế nào là tấn công cá nhân, vi phạm đời tư, thế nào là dân chủ, nhân quyền.
Tại các nước phát triển, sai sót bị xử theo pháp luật. Việc tấn công trên mạng ảo ít hơn vì mỗi cá nhân phải hành xử theo luật.
Ở các nước đang phát triển, mạng ảo không khác Đấu trường La Mã, đôi lúc có người hành xử như bị bỏ đói lâu ngày, dù có bao nhiêu ngón tay cái giơ lên thì cũng không cứu nổi "sinh mạng tinh thần" của một con người.
Dùng mạng xã hội thông thạo chưa đủ, mà biết cách hành xử online trong từng hoàn cảnh cụ thể, hiểu luật lệ và có đạo đức, dùng gậy tầm vông cho hợp với thời hội nhâp, mới mong giúp cho sự phát triển.