Nga đi trước một bước
Vào tháng 3/2018, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai xác nhận việc sở hữu tên lửa siêu thanh. Khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin đã buộc phải thừa nhận: "Lĩnh vực này (tức việc sản xuất vũ khí siêu thanh –PV) thì Nga đã vượt qua Mỹ!".
Không âm thầm cũng không phô trương, các lực lượng chế tạo vũ khí siêu thanh của quân đội Nga đã có một bước tiến dài chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm. Các thông tin quân sự từ Moscow cho thấy: Trong tháng 1/2020 đã triển khai đơn vị đầu tiên được trang bị tổ hợp phương tiện siêu thanh Avangard, một loại vũ khí có khả năng bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
Đây là vũ khí với khả năng cơ động và dễ dàng qua mắt mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh Kinzhal cũng đã được Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sử dụng và các phi công quân sự thường xuyên tiến hành huấn luyện tác chiến bằng vũ khí mới.
Điều này đã khiến Nga tự tin khi cân bằng chiến lược quốc phòng với Mỹ, nhất là các vũ khí mới. Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức cấp cao quân đội, ông Putin nhận định đây là lần đầu tiên trong lịch sử khi nước Nga dẫn đầu thế giới trong việc phát triển thế hệ vũ khí mới, thay vì phải đuổi theo Mỹ như trong quá khứ ở nhiều lĩnh vực như bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
"Giờ chúng ta đang ở vị trí chưa từng có trong lịch sử hiện đại, khi họ đang phải bám đuổi chúng ta. Chưa có nước nào sở hữu vũ khí siêu thanh, chứ đừng nói là loại vũ khí siêu thanh có tầm bắn xuyên lục địa"- AP trích lời ông Putin nói.
"Đây là vũ khí của tương lai, có khả năng vượt qua tất cả những hệ thống tên lửa phòng thủ của hiện tại, cũng như tương lai"- ông Putin nói thêm.
Chạy đua hay đàm phán?
Trong khi Nga đã tiến một bước dài, Mỹ mới bước vào những thử nghiệm đầu tiên về vũ khí siêu thanh.
Phải đến đầu tháng 3 năm nay, Hãng tin Sputnik dẫn lời Phó Giám đốc Chương trình Vũ khí siêu thanh của Bộ Quốc phòng Mỹ Mike White khẳng định: Mỹ trong năm nay sẽ thực hiện các vụ thử vũ khí siêu thanh. Theo ông White, Mỹ sẽ tiến hành phóng thử loại vũ khí được chế tạo cho Hải quân và lực lượng bộ binh từ chương trình tấn công nhanh phi hạt nhân.
Đến cuối tháng 3 vừa qua, Lục quân và Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một hệ thống vũ khí mà Lầu Năm Góc mô tả là thành công.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành vào ngày 19/3 tại Trung tâm tên lửa Thái Bình Dương Barking Sands, trên đảo Kauai. Phương tiện siêu thanh này, gọi tắt là C-HGB (common hypersonic glide body), đã được phóng từ một địa điểm thử nghiệm ở Hawaii và tấn công mục tiêu được chỉ định- theo thông tin từ USNIS News.
Lầu Năm Góc có kế hoạch trang bị các hệ thống siêu thanh không chỉ trên Virginia, mà cho cả các tàu khu trục lớp Zumwalt trong tương lai. Các tên lửa siêu thanh mới đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình"Tấn công nhanh truyền thống" (CPS) và Hải quân Mỹ dự định chi hơn 1 tỷ USD vào năm 2021.
Các kế hoạch dồn dập của Lầu Năm Góc đối với thử nghiệm và áp dụng vũ khí mới không làm Nga lo lắng dẫn đến một cuộc chạy đua hay đối đầu.
"Mỹ vốn chiếm thế thượng phong, độc tôn trên thế giới về phát triển vũ khí siêu thanh, nhưng nhiều dự án chế tạo đã thất bại và sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục lại vị thế dẫn đầu đã mất"-Tướng John Heiten, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thừa nhận.
Các nhận định của chuyên gia cho thấy sự vượt trội của Nga về vũ khí siêu thanh còn nhằm vào một mục đích khác là kéo Mỹ vào bàn đàm phán khi tháng 8/2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận các vấn đề về kiểm soát vũ khí cũng như tên lửa siêu thanh với Mỹ như một phần của các cuộc thảo luận rộng lớn hơn về sự ổn định chiến lược.
Vũ khí siêu thanh hay còn gọi là vũ khí siêu vượt âm là một loại vũ khí khác với tên lửa đạn đạo và đầu đạn của chúng, di chuyển với tốc độ lên tới Mach 24 (Mach, tức tốc độ âm thanh, tương đương 1.235km/h) và vũ khí siêu thanh vẫn chỉ bay trong bầu khí quyển của Trái đất.