Nguyễn Thị Thanh Dung
Đây là tạp chí nằm trong top 4% các tạp chí hàng đầu về kỹ thuật môi trường trên thế giới.
Bài báo đánh dấu chặng đường ba năm miệt mài nghiên cứu về sinh thái vi sinh, một lĩnh vực nghiên cứu mà theo Dung là đang rất phát triển và hứa hẹn với nhiều ứng dụng trong y tế cũng như môi trường.
Về y tế, các nhà khoa học có thể dựa vào các vi khuẩn đường ruột để chẩn đoán bệnh, giúp bệnh nhân có chế độ ăn tốt hơn.
Về môi trường, nếu có thể tìm ra loài sống bám trên rác thải nhựa trong cộng đồng vi khuẩn sống trong môi trường đại dương, chúng ta có thể tìm ra vi khuẩn có gene phân hủy nhựa, giúp giải quyết thách thức về rác thải nhựa đại dương nhức nhối hiện nay.
Đam mê sinh học, vi khuẩn, di truyền học từ khi còn là học sinh chuyên sinh ở Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Dung lựa chọn hướng nghiên cứu ứng dụng vi sinh về môi trường, tập trung vào môi trường biển - lĩnh vực đang cần thêm nhiều cơ sở dữ liệu để tăng sự hiểu biết của con người để từ đó tạo tiền đề cho các sáng kiến giải quyết các thách thức mà đại dương đang đối mặt hiện nay, đặc biệt là về rác thải nhựa.
Tại vùng sa mạc Negev ở miền nam Israel, Dung đang tham gia dự án nghiên cứu về ứng dụng của vi sinh trong xử lý nước thải của các trại nuôi cá biển.
Trong bể cá tráp và cá đối phục vụ nghiên cứu, nước thải từ bể cá (có chứa nhiều amoniac và phân cá vốn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển) được đi vào bể lọc.
Tại đây, cô và các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu tiến hành nuôi cấy vi sinh sử dụng các màng lọc sinh học được cấu thành từ vi khuẩn, vi rút, nấm, rong, tảo...
Ngoài ra, trong giai đoạn hai của dự án, nhóm đã nghiên cứu và chứng minh được rằng nước thải từ bể nuôi cá sau khi được xử lý bằng vi sinh trong bể lọc có thể đưa trở lại hồ nuôi, tạo thành một hệ thống khép kín, vừa giúp hạn chế lượng nước thải ra môi trường vừa giúp tiết kiệm nguồn nước biển bơm vào từ tự nhiên.
Ở Israel, nơi đất chật người đông, diện tích chỉ bằng tỉnh Nghệ An với dân số bằng khoảng 1/10 của Việt Nam, các nhà nghiên cứu chú trọng các sáng kiến nhằm tiêu tốn ít tài nguyên như đất, nước… nhưng lại tạo ra nhiều nông sản chất lượng trên thị trường nội địa.
Hiện nay chính sách tại Israel quy định chi phí cho việc xả thải ra môi trường ngày càng cao. Do đó việc có thể tái sử dụng đến 75% nước thải mang lại lợi ích kép cho nhà nông cũng như cho môi trường.
Dung cho biết cơ duyên trở thành nghiên cứu sinh của mình đến khá bất ngờ. Cô chọn con đường nghiên cứu vì thấy đề tài nghiên cứu thú vị, nhiều tiềm năng ứng dụng ở Việt Nam. "Nhiều người nghĩ công nghệ Israel rất cao siêu, nhưng thực ra họ chú trọng sự đơn giản và các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao", Dung nói.
Dung cho biết mặc dù vẫn còn dự định tiếp tục nghiên cứu ở Israel trong những năm tới, trong cô luôn có khát vọng đóng góp cho quê hương. Cô có thể là cầu nối để các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham khảo hoặc được chuyển giao công nghệ từ các công ty Israel.
Liên quan đến đề tài nghiên cứu hiện tại, Dung cho biết mình có liên hệ để chia sẻ thông tin với một số nông dân nuôi tôm và sẵn sàng kết nối cũng như đóng góp để ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam phát triển hơn.