Mang chiến thắng Syria-Ukraine trở về, ông Putin vẫn không khỏi "toát mồ hôi"?

Trương Mạnh Kiên |

Ra về với tâm thế người chiến thắng, bên trong Nga cũng trút đi gánh nặng khi hiểu rằng bản thân không thể chạy đua vũ trang với Mỹ trong hoàn cảnh này.

Nga đã có sân khấu để thể hiện lập trường của mình trong hội nghị Geneva.

Nga đã có sân khấu để thể hiện lập trường của mình trong hội nghị Geneva.

Mỹ trong nhiều năm qua đã chỉ trích Nga vì nhiều lý do khác nhau, từ cách hành xử cho đến cáo buộc tấn công mạng và hậu thuẫn cho Syria, Belarus. Washington cũng quy kết Moscow chịu trách nhiệm cho việc leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột Ukraine.

Nhưng trong cuộc gặp mới đây, nhà lãnh đạo hai nước dường như đã gạt đi những ngôn từ nặng nề trong quá khứ để cùng nhau bước sang một trang mới.

Đối với nhiều chuyên gia đối ngoại, Nga có màn trình diễn nổi bật hơn trong cuộc họp, bảo vệ thành công lập trường chính trị của mình trên các điểm nóng toàn cầu - từ Ukraine đến Syria và Belarus - trước Mỹ.

“Có cảm giác ông Biden không lấy được những gì mình muốn từ ông Putin. Ngay sau cuộc gặp, không phải ông Putin mà ông Biden mới là nhà lãnh đạo tỏ ra lo lắng và bồn chồn hơn”, Esref Yalinkilicli, nhà phân tích chính trị tại Moscow, nói với TRT World.

Mặt khác, ông Putin tỏ ra tự tin về diễn biến cuộc họp, khi phát biểu như một triết gia: "Không có hạnh phúc trong cuộc đời. Chỉ có một ảo ảnh ở phía chân trời, vì vậy chúng tôi sẽ trân trọng điều đó".

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh cả hai vẫn hy vọng về tương lai, ca ngợi kinh nghiệm lẫn nhau, mô tả cuộc họp là “mang tính xây dựng” và “cụ thể”.

Người Nga muốn gì?

Hội nghị thượng đỉnh Geneva là cơ hội tốt để Nga thể hiện với cả Mỹ và cộng đồng toàn cầu rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trên trường quốc tế cần được công chúng công nhận.

Với việc không đưa ra bất kỳ lập luận phản bác nghiêm túc nào liên quan đến các động thái của Nga về vấn đề Ukraine và Syria, ông Biden dường như cũng thừa nhận tầm nhìn của người đồng cấp Putin.

“Nga dường như là bên chiến thắng tại hội nghị thượng đỉnh. Nga cần một nền tảng lớn để giải thích lập trường chính trị của mình và cuộc gặp ở Geneva đã mang lại cơ hội đó cho ông Putin”, chuyên gia Yalinkilicli nói.

Geneva cũng là một địa điểm có ý nghĩa đối với cả Nga và Mỹ. Gần 40 năm trước, một hội nghị cấp cao khác giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và nhà lãnh đạo Mỹ Ronald Reagan đã được tổ chức tại đây.

Thụy Sĩ vẫn là một quốc gia trung lập trong và sau Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Putin gửi thông điệp chính trị của mình từ một vùng đệm, nhắc nhở thế giới rằng Nga vẫn là một siêu cường.

Một thực tế thú vị khác là không phải Moscow mà chính Washington là bên đề xuất cuộc gặp​, điều này khẳng định cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đều có địa vị chính trị bình đẳng như những ngày Chiến tranh Lạnh.

Nga không muốn “lên gân” với Mỹ?

Mang chiến thắng Syria-Ukraine trở về, ông Putin vẫn không khỏi toát mồ hôi? - Ảnh 3.

Sẽ tốt cho Nga khi giảm căng thẳng với Mỹ.


Bất chấp gợi nhớ lịch sử về thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở Geneva, cả hai bên đều không muốn hồi sinh một thời kỳ căng thẳng mới. Theo chuyên gia Yalinkilicli, tuyên bố của cả hai nước đều cho thấy Mỹ và Nga không muốn xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới và một cuộc cạnh tranh nguy hiểm khác về vũ khí hạt nhân.

“Họ không muốn rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh mới”, nhà phân tích nói.

Do đó, hai bên đã đồng ý phát triển một khuôn khổ an ninh mới để kiểm soát vũ khí, đây cũng là điểm khởi đầu để hai siêu cường cũ giảm bớt căng thẳng quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Điều này có thể có lợi hơn cho Nga so với Mỹ”, nhà phân tích nhấn mạnh thêm.

Ngoại trừ Hiệp ước START mới, Nga và Mỹ đã để lại nhiều thỏa thuận khác nhau liên quan đến cắt giảm vũ khí.

Moscow đã tìm kiếm một thỏa thuận an ninh mới trên quy mô toàn cầu bằng việc “không đặt mình vào một tình huống giống như Chiến tranh Lạnh, khi nền kinh tế của Nga hiện nay không thể cạnh tranh với Mỹ trong một cuộc chạy đua vũ trang khác”, Yalinkilicli nói.

Dù hiện đại hóa cao độ quân đội và cơ sở hạ tầng quân sự nhưng trước sự bất ổn của giá năng lượng trong thời kỳ dịch bệnh, Nga không muốn trở thành mục tiêu của Washington.

“Người Nga muốn có một mùa hè giảm căng thẳng với Mỹ và các đồng minh. Kỳ vọng đó đã được đáp ứng tại hội nghị thượng đỉnh Geneva”, Yalinkilicli nói.

Về lâu dài, giống như người Mỹ, người Nga biết rằng những bất đồng nghiêm trọng sẽ tiếp tục tồn tại và họ đang thận trọng chờ đợi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại