Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử lâu đời. Trong quá trình phát triển lâu dài đó, những người thợ lành nghề đã sử dụng trí tuệ và kinh nghiệm của mình để tạo ra nhiều bảo vật quý giá. Theo thời gian, chúng trở thành những món cổ vật với giá trị khó có thể đong đếm. Khoác trên mình dấu vết của thời gian, chúng giống với những đồ vật cũ kỹ khiến nhiều người khó có thể phân biệt được giá trị “thật”, “giả”. Vì thế nên nhiều người dân đất nước tỷ dân đã đem món đồ cổ mình có được đến chương trình Hoa Sơn luận giám (chương trình chuyên thẩm định báu vật, đồ cổ của Trung Quốc) để kiểm định.
Theo Sohu, trong một số phát sóng, một người đàn ông đã đem một đồ vật gia truyền, được đựng trong chiếc hộp bí mật, để nhờ các chuyên gia xác định lai lịch của bảo vật. Nhiều người tò mò không biết món đồ quý giá mà người đàn ông này mang tới là gì cho đến khi chiếc hộp được mở ra. Khi thấy đó là một chiếc bát vừa mẻ vừa nứt màu đen, nhiều khán giả ở trường quay đã cười phá lên.
Ảnh: Sohu
Có người còn đùa rằng, chiếc bát đen cũ kỹ của chàng trai trông giống như “đồ nghề” của một người ăn xin. Có người cười cho rằng nếu như món đồ này cũng là bảo vật, thì nhà họ cũng đã sớm giàu có rồi. Đối mặt với sự cười nhạo này, người đàn ông có vẻ thờ ơ lạ thường.
Nói về nguồn gốc của chiếc bát đen này, anh cho biết rằng nó là một món đồ cũ được tổ tiên để lại, truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, để nói về lai lịch thực sự có nó thì anh không rõ. Theo anh, chiếc bát gia truyền này nhìn bề ngoài quả là không có giá trị, bị người khác chê cười là chuyện rất bình thường. Cũng bởi vậy nên anh mới mang nó tới chương trình để nhờ các chuyên gia giúp mình chứng thực giá trị của nó. Người đàn ông cho biết dù chiếc bát này không phải là đồ cổ, anh vẫn sẽ giữ gìn thật cẩn thận.
Nghe thấy vậy, các chuyên gia trong chương trình yêu cầu chàng trai mang chiếc bát đen tới để thẩm định cận cảnh. Sau khi xem xét kỹ càng, gương mặt của vị chuyên gia bỗng trở nên đăm chiêu. Ông cho biết miệng bát bị nứt, mẻ nhưng hoa văn bên trong bát dường như là cố ý tạo nên. Tuy nhiên, dù cầm chiếc bát nhìn đi nhìn lại nhiều lần nhưng vị chuyên gia này vẫn không đưa ra kết luận khiến chàng trai tỏ vẻ bất an.
Ngay sau đó, chuyên gia trịnh trọng nói cho biết chiếc bát này trông giống như một báu vật. Theo ông, những chiếc lá dưới đáy bát được làm rất tinh xảo và ông đã nhìn thấy một chiếc bát tương tự ở trong bảo tàng. Nếu chiếc bát đen này là thật, nó là bảo vật quốc gia và giá trị của nó vượt xa sức tưởng tượng của người bình thường.
Để tăng thêm tính xác thực cho những lời nói của mình, vị chuyên gia này cho biết chỉ cần đổ một ít nước vào chiếc bát là có thể xác minh được giá trị thật của chiếc bát. Người đàn ông cân nhắc một lúc rồi đồng ý với yêu cầu của vị chuyên gia. Sau khi ê kíp chương trình mang tới 1 cốc nước, vị chuyên gia cẩn thận rót một ít nước vào bát. Sự việc sau đó khiến mọi người có mặt tại trường quay đều vô cùng bất ngờ.
Theo đó, một hiện tượng kỳ diệu đã xảy ra với chiếc bát này. Lúc đầu, những chiếc lá dưới đáy bát thoạt nhìn rất bình thường, nhưng sau khi được đổ đầy nước, họa tiết này bỗng trở nên sắc nét và sống động lạ kỳ. Nhìn thấy cảnh này, chuyên gia phấn khích nói rằng đây nhất định là cổ vật quý giá và hiệu ứng cho họa tiết chiếc lá kia không thể bị sao chép bằng công nghệ hiện đại.
Sau đó, chuyên gia rất nghiêm túc giải thích với mọi người rằng chiếc bát màu đen có hình lá này là loại bát rất nổi tiếng thuộc triều đại nhà Tống. Đừng nhìn vẻ ngoài mà xem thường bởi nó là một món đồ cổ rất có giá trị. Tuy nhiên, ông cũng dùng vẻ mặt nghiêm túc nói với chàng trai này rằng loại bát này rất hiếm về số lượng, có giá trị sưu tầm và giá trị nghiên cứu rất đặc biệt. Ông khuyên chủ nhân của chiếc bát này nên giao nộp nó cho chính quyền hoặc bảo tàng để món đồ được bảo quản một cách tốt và an toàn nhất.
Người đàn ông sau khi nghe chuyên gia nói xong, hiển nhiên có chút không vui, nhưng cũng không từ chối trực tiếp lời đề nghị của chuyên gia, mà đáp lại: “Đây là bảo vật gia truyền nên cần cùng người nhà bàn bạc thêm rồi mới quyết định làm gì với nó sau.”
Sau khi chương trình được phát sóng, nhiều người dành lời chúc mừng tới chủ nhân của chiếc bát cổ vì “giàu sau 1 đêm”. Tuy nhiên, một số khác cũng cho rằng thẩm định của các chuyên gia đồ cổ cũng có lúc đúng lúc sai. Do đó, muốn kiểm định cổ vật nên sử dụng các phương pháp khoa học sẽ cho kết quả khách quan và chính xác hơn.
Theo Sohu