Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật" diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 18/8. Trọng tâm của buổi hội thảo là việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam.
Sự ra đời của công nghệ 4G đã tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật (Internet of things) của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác.
Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA). Tại Việt Nam, theo nhận định từ Bộ Thông tin và Truyền thông thì 2016 là thời điểm thích hợp cho Việt Nam triển khai thành công 4G LTE.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ rằng: “Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho 4G LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ”.
Đây cũng là nhận định của ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi khẳng định rằng năm 2016 là thời điểm “chín muồi” để triển khai mạng 4G LTE và không thể chậm trễ hơn.
Ông Lê Nam Thắng cho biết công nghệ 4G LTE không chỉ mang tới người dùng dịch vụ mạng di động với tốc độ cao hơn nhiều lần so với công nghệ 3G mà còn đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo của World Bank cho thấy khi tỷ lệ người dân của một quốc gia sử dụng băng thông rộng tăng 10%, GDP của quốc gia đó sẽ tăng thêm khoảng 1%.
Do đó, trong thời gian tới, việc thúc đẩy nhanh chóng mạng 4G là điều cần thiết, không thể chậm trễ hơn nữa, ông cho hay.
Hiện tại, theo Thứ trưởng Phan Tâm, từ năm 2015, mạng 4G đã được một số nhà mạng triển khai theo lộ trình. Và dựa vào những trải nghiệm đã có của các nhà mạng, Bộ đang xem xét để tháng 9, tháng 10 có thể cấp phép khai thác chính thức.
Khi được hỏi về giới hạn đơn vị được cấp phép, Thứ trưởng cho biết trong cung cấp số lượng nhà khai thác phụ thuộc vào băng tần số và nhà khai thác. Bộ sẽ cân nhắc để cân đối giữa các yếu tố kỹ thuật và yếu tố cạnh tranh.
Mục tiêu của quy hoạch tần số là hài hoà giữa hai yếu tố trên, nếu có quá nhiều nhà mạng khai thác thì cạnh tranh sẽ tốt nhưng sẽ vấp phải vấn đề là hạn chế về mặt chất lượng băng tần số, Thứ trưởng lý giải. Do đó, Bộ đang tính toán cẩn thận để tối ưu hoá người khái thác với nguồn tài nguyên được sử dụng dịch vụ.