Bài viết này được Gary Neville - hậu vệ phải vĩ đại của Man United viết cho The Player Tribune với ngập tràn cảm xúc. Có những điều đã nằm lại với quá khứ, nhưng cũng có những câu chuyện, những cảm xúc sẽ còn nối dài mãi đến mai sau...
Suốt 89 phút của trận đấu ấy, cổ động viên Liverpool hát những bài hát với câu từ không tiện nói ra đây về tôi và mẹ mình. Tỷ số cho đến lúc đó vẫn là 0-0. Và chúng tôi được hưởng quả đá phạt ngoài vòng cấm. Ryan Giggs đứng trước bóng. Đám đông trên Old Trafford hò hét quá to đến nỗi tôi còn chẳng nghe được mình nghĩ gì nữa.
Trong khoảnh khắc đó, tâm trí tôi, cơ thể tôi, sự tập trung của tôi được đẩy lên một mức khác. Nó khác khi đối đầu với Arsenal. Khác khi đối đầu với Chelsea. Và cũng chẳng giống khi đối đầu với Man City, ít nhất là đối với tôi. Nó là một trải nghiệm đẩy cơ thể lên lên một sức chịu đựng mới. Sự căng thẳng nằm ở mức cực đại.
Đấy là trận đấu ám ảnh tôi hai tuần trước khi nó diễn ra, lởn vởn trong tâm trí suốt một tuần trước đó và là một cú đấm thẳng vào mũi khi chỉ còn 3 ngày nữa là bóng lăn.
Nếu chúng tôi đánh bại Liverpool, đó sẽ là ngày tuyệt vời nhất của mùa giải.
Nếu thua, đấy sẽ là điều tồi tệ nhất.
Quay lại với phút 90 của trận đấu, Ryan Giggs đứng trước bóng, và tôi nhớ như in cú câu bóng vào vòng cấm địa, Rio Ferdinand bật cao và quả bóng nằm gọn trong lưới. Old Trafford nổ tung. Phần còn lại là những hành động hoàn toàn thuộc về bản năng.
Tôi quay lại, nhìn về phía những cổ động viên Liverpool ở góc xa sân và nghĩ, mình sẽ chạy đến đó.
Tôi bứt tốc, chạy suốt 55m dọc sân, mọi thứ vuột ra khỏi suy nghĩ. Cuối cùng tôi cũng đến chỗ họ. Tốt rồi...
FA phạt tôi 5.000 bảng vì hành động của mình. Tôi sẵn sàng trả khoản phạt đó hàng trăm lần mà không phải mảy may suy nghĩ.
Sau đó, tôi nhớ có một số người nhận xét một cách nghiêm túc: "Đó không phải là hành vi của một người đàn ông 30 tuổi".
Họ nói đúng. Nhưng chẳng phải chính điều đó là cho bóng đá trở nên huyền diệu đấy sao? Suốt 90 phút trên sân, bạn được trở lại làm một đứa trẻ. Đó chẳng phải là những gì chúng ta hằng ao ước?
Trong trí nhớ của mình, tôi vẫn nhớ rõ hồi lên năm, lên sáu gì đó, bố lái xe đưa tôi theo xa lộ M60. Hồi đấy tôi thậm chí còn chưa biết đường. Tôi vẫn nhớ mình nhìn qua cửa xe, háo hức chờ đợi và suy nghĩ xem gần đến nơi chưa, khi nào thì sẽ đến.
Xe đi qua cầu Barton, đó là lúc tôi biết hai bố con chỉ còn cách Old Trafford 10 phút. Đây là lộ trình của cha con tôi ngày ấy, vào mỗi thứ Bảy và nó không bao giờ thay đổi. Ngay khi Nhà hát của những giấc mơ hiện ra trước mắt, trái tim tôi bắt đầu đập loạn nhịp. Cha đậu xe vào bãi, chúng tôi đến quầy Marina's Grill để mua bánh và khoai tây chiên.
Tôi không phải là kiểu người hoài niệm, nhưng tôi luôn ước mình có thể trở lại những ngày ấy, xếp hàng với những người hâm mộ Man United khác để đi vào sân. Có một luồng điện chạy trong người ngay khoảnh khắc này, nhất là với những đứa trẻ. Cái cảm giác ấy chẳng thể mô tả bằng lời. Đó là tình yêu bóng đá chảy trong người, nó chảy trong tâm hồn.
Bố tôi vốn thích nhấm nháp dăm cốc bia và buôn đôi ba câu chuyện trước khi vào sân, vì thế khi lớn hơn một chút, ông sẽ thả tôi xuống cạnh đường, để tôi tự đi vào sân, bước trên những bậc thang lạnh giá để đến với khu của mình ở tít trên đầu khu khán đài K cũ.
Đến cuối cầu thang, tôi quay người là và "Whow!", toàn cảnh Old
Trafford tuyệt vời đập vào mắt. Những dãy ghế đỏ và trắng nối tiếp nhau. Dưới kia là sân cỏ màu xanh rực rỡ. Tôi sẽ ngồi đấy suốt một giờ liền để chứng kiến khán giả từ từ lấp đầy các hàng ghế. Tràn ngập mùi xúc xích và đồ rán. Những khuôn mặt cũ quen thuộc. Đó như một phép màu.
Những ký ức này sẽ còn sống mãi cùng tôi.
Nếu bố tôi là fan của Man City hoặc Bolton, tôi sẽ đến đó mỗi tuần, hát vang bài hát của CLB. Nhưng cảm ơn Chúa vì ông là fan của Man United.
Nhưng thật không may, những ngày cũ đó không phải là những ngày tháng vinh quang của Man United. Tôi lớn lên trong thập niên 80, khi Liverpool đang thống trị bóng đá Anh. Hầu hết lũ bạn học của tôi ở Bury đều là cổ động viên của Liverpool, và tôi luôn phải nhận những lời châm chọc không dứt từ chúng.
Chỗ tôi ở gần Manchester hơn Merseyside, nhưng hồi đấy chúng tôi còn trẻ con và hâm mộ nhà vô địch là chuyện đương nhiên. Bây giờ, trên tận phía bắc Anh, trẻ em vẫn mặc đồng phục của Chelsea đấy thôi.
Trong sân trường tiểu học Chantlers vào năm 1985, bạn cũng sẽ nghĩ mình đang ở Liverpool thôi. Ngày nào tôi cũng tranh cãi với đám bạn học của mình.
Tôi gân cổ: "Chúng tao có sân vận động to hơn".
Bọn chúng sẽ đáp trả: "Nhưng Man United của mày xếp thứ 11".
Tôi lại cãi: "Nhưng chúng tao có Robson".
Bọn chúng sẽ đáp: "Nhưng chúng tao vô địch".
Màn đấu khẩu diễn ra hàng giờ đồng hồ mỗi ngày. Tôi từng tưởng tượng rằng khi mình lớn lên, màn đấu khẩu này sẽ chấm dứt. Nhưng than ôi, giờ đến lượt tôi "chiến đấu" với Jamie Carragher trong phòng thu truyền hình.
Tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên đến Anfield với tư cách một cầu thủ Man United. Chúng tôi theo đường M62 đến Merseyside, sau khi đi hết xa lộ và rẽ vào đường nhánh thì bị tấn công. Chúng tôi đã ở trên đất đối phương. Thật đấy. HLV khôn khéo điều xe chạy theo những con phố hẹp, hai bên đường là những dãy nhà sơn hay màu đỏ và vàng. Đấy là lúc tôi bắt đầu biết đến sự sợ hãi.
Khi tôi đặt chân lên mặt cỏ, cảm giác sợ hãi lại một lần nữa dâng lên. Cả một sân vận động được lèn chặt cứng người. Những người hâm mộ Liverpool ngay trên đầu, liên tục hò hét những câu tục tĩu suốt 40 phút trước khi trận đấu bắt đầu.
Đó là những khoảnh khắc tôi thực sự nhớ khi phải giải nghệ.
Tôi từng nói rằng mình ghét Liverpool. Điều đó được giảm bớt trong khoảng vài năm trở lại đây. Và bây giờ, tôi nói rằng nó phức tạp hơn cả sự thù ghét.
Bóng đá là trò chơi của cảm xúc. Hài lòng, thất vọng, lo lắng, vỡ òa niềm vui hay tràn ngập nỗi buồn. Đó là những cảm xúc sẽ được trải nghiệm suốt cả một tuần dài, để rồi kẹt lại ở 90 phút trên sân cỏ. Với tôi, đấy là vẻ đẹp tuyệt đối của bóng đá. Rất ít điều trong cuộc sống có thể đem lại cho ta cảm giác tương tự.
Để tôi nói cho bạn nghe trải nghiệm của mình nhé!
Tôi vẫn nhớ sau khi chúng tôi đoạt "cú ăn ba" hồi 1999, tôi đã chứng kiến một điều mà không thể thấy được lần thứ hai trong đời. Trên đường diễu hành theo đường Deansgate xuống trung tâm Manchester trên chiếc xe bus mui trần, tôi nhận thấy một người đàn ông trong đám đông, với đôi mắt ướt đẫm nước mắt.
Anh ấy hét to đến mức tôi thấy những tĩnh mạch ở cổ hằn đậm, như muốn vỡ tung ra. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những mạch máu trên cổ ấy.
Người đàn ông ấy trạc tuổi tôi. Có lẽ anh ấy đã từng là một đứa trẻ phải sống suốt tuổi thơ trong sự ghen tỵ với đám bạn ủng hộ Liverpool như tôi, phải nghe ra rả về Kenny Dalglish và căn phòng chứa cúp của Liverpool, và cuối cùng, cái ngày anh ấy chờ đợi suốt bao năm ròng đã đến. Những nỗi đau, những lời châm chọc ngày nào khiến niềm vui này trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết.
Giữa đám đông hỗn loạn, tôi cảm thấy tóc gáy mình dựng đứng lên với ý nghĩ chắc chắn không có bất cứ điều gì có thể làm cho người đàn ông ấy có được cái cảm giác này, trong suốt cuộc đời mình.
Một khoảnh khắc như vậy có thể khiến bạn đánh đổi cả cuộc đời.
Man United và Liverpool đã gặp nhau từ năm 1894. Và sắp tới sẽ là lần thứ 199 chúng tôi gặp nhau. Tôi hi vọng những dòng điện vẫn sẽ chạy dọc người những cổ động viên trên khán đài, cùng đó là một vài pha chơi xấu dưới sân.
Nếu cầu thủ Liverpool ghi bàn thắng ở Anfield, tôi hi vọng cậu ấy sẽ nhảy vào vòng tay của 10 đồng đội còn lại, và Jurgen Klopp sẽ lại chạy dọc đường biên như một gã điên. Nếu pha ăn mừng ít cảm xúc hơn thế, thì tôi sẽ cực kỳ thất vọng.
Sự điên rồ và cảm xúc như thế mới là bản chất thực sự của bóng đá.
Liverpool và Manchester rất khác nhau, nhưng cũng rất giống nhau. Con người ở đây thật thà, chăm chỉ, và trên tất cả là tình yêu bóng đá bỏng cháy.
Nhưng giữa họ lại là sự phức tạp hơn cả thù ghét.
Liverpool cũng đã trút sự trả thù lên tôi không ít lần suốt nhiều năm qua, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. "Binh đoàn đỏ" đã loại chúng tôi khỏi cúp FA chỉ 4 tuần sau màn nhảy nhót ăn mừng trước mặt các cổ động viên của họ. Ô tô của tôi từng suýt nữa thì bị lật khi một số fan trung thành của Liverpool nhận ra tôi khi tắc đường, chỉ cách Old Trafford có 1 dặm.
Điều tệ nhất là tôi vẫn phải chịu đựng Carragher hàng tuần, dù đã giải nghệ.
Nhưng có duy nhất một điều tôi không thể chấp nhận được.
Có một câu chuyện được lan truyền về hai anh em fan Liverpool đã từng tham gia sửa nhà tôi vài năm về trước. Người ta kể rằng họ đã chôn một chiếc khăn của Liverpool dưới lớp gạch lát đáy bể bơi. Câu chuyện này chưa bao giờ được kiểm chứng, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ được kiểm chứng.
Biết gì không? Thậm chí nếu sau này tôi không sống ở ngôi nhà này nữa, tôi vẫn sẽ viết trong di chúc của mình rằng nếu ai đó, một ngày nào đó tìm thấy chiếc khăn đẫm màu máu này, thậm chí là 100 năm sau đi nữa, họ phải tôn trọng mong muốn cuối cùng của tôi...
ĐỐT NÓ ĐI.