Đa chiều (Mỹ) dẫn nguồn tin cho biết, tại phiên khai mạc Hội nghị trung ương III khóa XIX đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra hôm 28/2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có màn xuất hiện khác biệt so với các hội nghị trước đây.
Theo đó, các đại biểu tham dự đồng loạt đứng dậy vỗ tay khi ông Tập một mình bước vào khán phòng. Màn vỗ tay chỉ dứt khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngồi xuống, lúc này Thủ tướng Lý Khắc Cường mới dẫn đầu 5 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị còn lại bước vào và ngồi lần lượt hai bên ông Tập theo thứ tự sắp xếp thường thấy.
Giới phân tích nhận định, động thái này chứng tỏ vị thế ngày càng được nâng cao trong đảng của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cũng tại hội nghị này, "Kiến nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số nội dung sửa đổi Hiến pháp", bao gồm đề xuất bãi bỏ quy định Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ liên tiếp được trình lên Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Nếu dự thảo sửa đổi hiến pháp được thông qua, ông Tập có khả năng sẽ tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023.
Trước đó, vào tháng 10/2016, Bắc Kinh lần đầu tiên xác lập vị thế hạt nhân lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình khi cụm từ "trung ương đảng lấy đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân" xuất hiện trong thông cáo của hội nghị trung ương VI khóa XVIII của ĐCSTQ.
Một năm sau, vào tháng 10/2017, Đại hội XIX đã thông qua nghị quyết về Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc (bản sửa đổi) và tuyên bố học thuyết chính trị mang tên ông Tập đã được đưa vào điều lệ lần này.
Quyết định trên đánh dấu ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo đầu tiên, kể từ sau lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, có học thuyết chính trị được ghi vào Điều lệ đảng khi đang đương chức, đồng thời cũng đưa ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông.
Hội nghị trung ương III khóa XIX ĐCSTQ đã diễn ra từ ngày 26-28/2 tại Bắc Kinh, do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.
Đáng chú ý, Hội nghị trung ương III được tổ chức chỉ cách Hội nghị trung ương II (18-19/1) khoảng hơn 1 tháng. Nghị trình trọng tâm của Hội nghị trung ương II chính là thảo luận về vấn đề sửa đổi hiến pháp.
Theo Nhân dân nhật báo (bản quốc tế), trong vòng hai tháng triển khai hai hội nghị là một sự việc "bất bình thường", bởi từ năm 1978 đến nay, Hội nghị trung ương III thường được tổ chức vào những tháng cuối năm (khoảng tháng 9-tháng 12).
Báo đảng Trung Quốc cho hay, năm 1978 được coi là thời điểm bước ngoặt của lịch sử Trung Quốc khi Hội nghị trung ương III khóa XI mở ra truyền thống "thảo luận đường lối cải cách" nên từ đó Hội nghị trung ương III các khóa về sau đều được dồn trọng tâm vào việc tìm kiếm đường lối cải cách.
Do đó, nhân kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa và sau khi Hội nghị trung ương II đề cập sửa đổi hiến pháp thì Hội nghị trung ương III khóa XIX đã diễn ra sớm hơn thông lệ.
Ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông