Trong bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp lần thứ 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm thứ Ba (22/9), ông Trump tuyên bố, các quốc gia trên thế giới một lần nữa đang rơi vào một cuộc chiến toàn cầu và lần này là "chống lại một kẻ thù hữu hình – virus Trung Quốc". Người đứng đầu nước Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã "làm đại dịch này lan rộng ra khắp thế giới".
"Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới – rõ ràng là do Trung Quốc kiểm soát từng nhận định sai lầm rằng, không có bằng chứng về sự lây nhiễm từ người sang người", ông Trump nói về đại dịch COVID-19 đã cướp đi gần 1 triệu sinh mạng trên toàn cầu. "Sau đó, họ cũng sai khi khẳng định những người không có triệu chứng sẽ không gây ra lây nhiễm".
"LHQ phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm vì những hành động của mình", ông tuyên bố.
Tổng thống Mỹ cho rằng, các thành viên LHQ đã "hùa theo" Trung Quốc trong khi phê phán Mỹ. Ông còn ca ngợi Mỹ hiện đang lãnh đạo thế giới trong các lĩnh vực y tế, nhân quyền, bảo vệ hòa bình và sức mạnh quân sự.
Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ ngày 22/9 (ảnh: Newsweek)
Về phần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mặc dù không đề cập trực tiếp tới Mỹ trong bài phát biểu của mình, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc lại nhấn mạnh nguyên tắc "tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng giữa tất các các quốc gia" – cho dù lớn hay nhỏ.
"Không nước nào có quyền thống trị các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của nước khác hoặc chiếm giữ mọi lợi thế phát triển cho riêng mình", ông Tập nói. "… Chủ nghĩa đơn phương là một cái chết".
Mặc dù nhận được sự ủng hộ to lớn từ Trung Quốc nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kiên quyết phủ nhận việc bị Bắc Kinh chi phối. "WHO tuân thủ các nguyên tắc trung lập và vô tư khi làm việc với các thành viên", phát ngôn viên Andrei Muchnik nói với tờ Newsweek. "Các chuyên gia của WHO đã nghi ngờ khả năng lây nhiễm COVID-19 từ người sang người ngay từ những báo cáo đầu tiên mà họ nhận được vào ngày 31/12. WHO đã có hành động nhanh chóng và cảnh báo toàn thế giới chuẩn bị sẵn sàng ngay từ đầu tháng Một".
Cho dù vậy Nhà Trắng vẫn đưa ra một quyết định chưa từng có trong tiền lệ là rút khỏi WHO. Không lâu sau động thái này, Bắc Kinh đã cam kết gia tăng khoản đóng góp cho tổ chức y tế quốc tế.
Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đang để lại những tác động đáng kể tới quan hệ quốc tế. Chính quyền Trump liên tục kêu gọi các nước dừng hợp tác với Bắc Kinh. Cả hai nước cũng rơi vào một cuộc chạy đua áp thuế lên hàng hóa song phương cũng như lần lượt trục xuất nhà ngoại giao và phóng viên của nhau.
Tình hình nghiêm trọng tới mức Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải lên tiếng kêu gọi các nước không để một cuộc Chiến tranh lạnh nữa bùng phát, đồng thời hướng tới một "chủ nghĩa đa phương thế kỷ 21".
Chủ tịch Tập cũng khẳng định sự cần thiết của hợp tác đa phương và đề cao vai trò của LHQ trong các vấn đề quốc tế. "Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương", ông Tập nói. "Chúng tôi sẽ gìn giữ hệ thống quốc tế với LHQ là trung tâm và trật tự thế giới được xác định bằng luật lệ quốc tế cũng như bảo vệ vai trò của LHQ trong các vấn đề toàn cầu", nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố.
Lập trường của Bắc Kinh nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong những năm gần đây, Moscow và Bắc Kinh ngày càng củng cố quan hệ đối tác chiến lược và cùng "sát cánh" đối phó với ảnh hưởng của Mỹ.
Ông Putin kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ cân nhắc lợi ích của tất các nước mỗi khi đưa ra quyết định.
"Sau tất cả, giống như mọi tổ chức quốc tế hoặc thực thể khu vực khác, LHQ không nên phát triển một cách cứng nhắc", người đứng đầu Điện Kremlin nói, "mà nên thay đổi theo các xu thế của thế kỷ 21 và liên tục thích ứng với thế giới hiện đại đang ngày càng trở nên phức tạp, đa cực và đa diện".
Thời gian gần đây, vai trò của Mỹ tại LHQ thường xuyên rơi vào tình trạng "thế yếu". Mới đây nhất, Washington gần như đứng một mình so với phần còn lại của thế giới sau khi từ chối một nghị quyết trong đó kêu gọi "tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm kiềm chế, giảm bớt và vượt qua đại dịch cũng như các hậu quả liên quan".
Chỉ có Israel bày tỏ sự đồng tình với quyết định của Mỹ. Hai đồng minh này cũng đứng cạnh nhau nhau trong chiến dịch kêu gọi tái áp dụng các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Iran.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng gửi lời cám ơn tới Hội đồng Bảo an vì đã không chấp nhận sự phản đối của Mỹ.
"Đây là một chiến thắng không chỉ cho Iran mà cho cả cộng đồng toàn cầu – trong trật tự quốc tế quá độ của thế giới hậu phương Tây – khi mà khao khát bá quyền phải hổ thẹn vì bị cô lập như vậy", ông Rouhani nói.