Ngày nay, đối với nhiều người, việc sở hữu một chiếc điện thoại đắt tiền, đi xe xịn hay đi ăn uống, mua sắm tại những địa điểm "có tiếng" giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Nhưng, chàng trai trong câu chuyện dưới đây vẫn gắn bó với chiếc điện thoại "cục gạch", lí do là gì?
"Một bác thợ hàn 60
tuổi được mời sang nhà chàng trai gần 30 tuổi để sửa nhà mới và ở lại ăn cơm tối.
Sau khi uống 4 lon bia chàng trai mời, bác thợ hàn chếnh choáng hơi men lên tiếng giảng dạy chàng trai. Sau khi nhìn khắp nhà, bác thợ hàn nói:
- Cả căn nhà của cháu bác thấy không vừa ý nhất mấy cái quạt. Bây giờ các nhà giàu, bác đến cả rồi, họ không còn dùng mấy cái quạt điện vài trăm nghìn này nữa đâu. Quạt phải tiền triệu chứ loại này có cho bác cũng vứt đi.
Chàng trai chỉ mỉm cười rồi tiếp tục mời bia bác thợ hàn. Uống xong cốc bia, bác thợ hàn lại nhìn quanh căn nhà và nói tiếp:
- Cái tivi này cũng nên vứt đi. Bây giờ không ai người ta dùng loại tivi này nữa. Đây là hãng rẻ mạt nhất, xem kém nhất. Đi sửa chữa cho nhiều nhà rồi bác biết.
Chàng trai cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục rót bia mời bác thợ hàn. Uống xong cốc bia, bác thợ hàn tiếp lời:
- Cuộc đời muốn khá lên thì phải liên tục phấn đấu cháu à. Đi ra ngoài, bạn bè nó cũng như mình, thấy chúng nó có cái đồng hồ sang đeo tay mà mình không có thì cũng phải gom góp tiết kiệm mà mua.
Thấy bạn có cái xe đẹp mình cũng quyết mua bằng được. Không thể để thua kém chúng nó.
Bác kể cháu nghe, ngày trước khi nuôi con trai bác, bây giờ đã gần 40, thấy bạn chúng nó có xe đạp mà con mình chưa có, bác phải tiết kiệm 2 tháng lương liền mua cho nó đi để bằng bạn bằng bè đấy.
Lần này, chàng trai mỉm cười trả lời bác thợ hàn:
- Bác à. Suy nghĩ của cháu lại không giống bác. Bác thấy không, bây giờ cháu vẫn dùng cái điện thoại "cục gạch" chỉ đáng giá vài trăm nghìn, dùng con xe vài triệu đồng để đi làm hằng ngày.
Cháu không có điện thoại thông minh, không có xe đẹp như các bạn nhưng cháu đã có nhà để ở, không phải thuê trọ như nhiều người bạn bằng tuổi cháu bây giờ.
Với cháu bài toán chi tiêu cũng giống như kế hoạch cuộc đời, nếu không biết nhìn xa trông rộng thì mãi vẫn chỉ dậm chân tại chỗ thôi.
Nếu cháu bỏ tiền mua những thứ như bác nói chỉ vì thể diện và đua đòi với bạn bè thì cháu không thể có nhà để ở như bây giờ.
Theo bác, một cái điện thoại xịn, một cái xe đẹp để trong căn nhà không phải của mình thì có bằng xe xấu, điện thoại xấu trong một căn nhà do chính sức lao động mình mua được không?
Bác thợ hàn sau khi nghe chàng trai nói liền châm điếu thuốc ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Đúng là cháu ít hơn bác gần nửa đời người nhưng suy nghĩ sâu xa hơn bác. Con trai bác có nhà ở, được bác nuôi không thua kém gì con nhà giàu từ bé nhưng đến bây giờ vẫn chưa có gì, không nghề nghiệp và vẫn ăn chơi lêu lổng chờ từng đồng bác kiếm về."
Có tiền tậu được nhà riêng nhưng chàng trai trẻ vẫn trung thành với chiếc điện thoại "cục gạch" vài trăm nghìn. (Ảnh minh họa)
Bài học rút ra từ câu chuyện trên
Thực tế hiện nay, con người ta đang có xu hướng chạy theo lối sống trọng hình thức, đặc biệt là ở những người trẻ.
Với sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của mạng xã hội và các
phương tiện kết nối khác, việc chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện xung quanh
những món đồ, những bữa ăn, những kì nghỉ… có "giá trị" trở nên dễ dàng hơn bao
giờ hết.
Lối sống này đã trở nên phổ biến đến mức nhiều bạn trẻ nếu không có điều kiện đáp ứng được các nhu cầu này sẽ cảm thấy "thiếu tự tin".
Nhìn rộng ra, quan niệm dùng vật chất để khẳng định, thể hiện bản thân không chỉ giới hạn ở chiếc điện thoại iPhone, một chiếc SH đời mới hay đồng hồ Rolex.
Bằng vật này hay vật khác, nhiều người dường như cần chúng như một loại trang sức với hy vọng nâng tầm bản thân. Mong muốn đó, xét cho cùng, cũng không quá khó hiểu, bởi khẳng định bản thân cũng là một nhu cầu của con người.
Nó sẽ là vấn đề nếu người ta tìm mọi cách có được vật chất để nâng tầm bản thân, trong khi phải ‘thắt lưng buộc bụng" những yêu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày.
Cũng giống như bác thợ rèn trong câu chuyện kể trên, người đàn ông ấy cho rằng "phấn đấu trong cuộc sống" tức là: "thấy bạn bè có cái đồng hồ sang đeo tay mà mình không có thì cũng phải gom góp tiết kiệm mà mua.
Thấy bạn có cái xe đẹp mình cũng quyết mua bằng được. Không thể để thua kém chúng nó"
Đối với người con trai, bác thợ rèn cũng nuông chiều con mình những nhu cầu vật chất dù phải vất vả làm lụng, "thắt lưng buộc bụng" chỉ để mua xe cho con đi cho bằng bạn bằng bè.
Và hậu quả là, chỉ vì nuông chiều theo lối sống trọng
hình thức của con, bác thợ rèn đã vô tình biến con trai mình thành một người
chỉ biết sống ỷ lại, dựa dẫm vào đồng tiền của bố mẹ mà không có ý chí phấn
đấu, tự lập.
Bác thợ rèn và người con trai của ông chỉ là một ví dụ điển hình cho lối sống nô lệ vật chất, sĩ diện ăn sâu vào tâm trí nhiều người. Đáng nói là trong số đó, nhiều người có đời sống khiêm tốn, khó khăn.
Họ thích tạo cho mình cái giả tạo bên ngoài, che giấu cái thiếu thốn thật sự chỉ nhằm mục đích... góp mặt với đời, tạo đẳng cấp phù phiếm.
Sai lầm đó không chỉ từ bản thân mà một phần bị dẫn dắt từ cuộc sống, xã hội vốn còn quá ưu ái, đề cao lối sống thụ hưởng vật chất.
Người Việt tập trung trước một điểm bán ở Singapore để mua iPhone 6 vào năm ngoái (Ảnh: Zing.vn)
Tuy nhiên, xã hội ngày càng văn minh, do đó lối sống xem trọng hình thức bên ngoài, sính ngoại, đua đòi, sĩ diện đã quá lỗi thời với thời đại tiến bộ này. Chàng trai trẻ khá giả trong câu chuyện trên chính là minh chứng.
Mặc dù có đủ điều kiện để mua sắm những món đồ hiện đại, đắt tiền, nhưng chàng trai ấy vẫn trung thành với chiếc điện thoại "cục gạch", với chiếc quạt máy, tivi cũ.
Bởi theo chàng trai thì: "Bài toán chi tiêu cũng giống như kế hoạch cuộc đời, nếu không biết nhìn xa trông rộng thì mãi vẫn chỉ dậm chân tại chỗ"
Với món đồ không thật sự cần thiết, anh chàng này quyết tâm không chi tiền, tiết kiệm cho những kế hoạch lớn, quan trọng hơn. Và quan trọng hơn cả, việc đánh giá một người qua vẻ bề ngoài là một suy nghĩ lệch lạc, lỗi thời.
Tư duy nhìn xa trông rộng giúp bạn đi những nước cờ
đúng đắn, bạn
phải nghĩ về những việc lớn khi bạn làm những việc nhỏ, vì như thế sẽ giúp cho
tất cả những việc nhỏ đi đúng hướng, bắt đầu từ việc tiết kiệm
những khoản tiền nhỏ nhất.