Cuộc sống vô thường như thế nào thì bóng đá vô thường như thế đó. Đơn giản vì bóng đá chính là ánh xạ của cuộc sống, cũng ganh đua, cũng tiểu xảo, cũng tranh cãi, cũng va đập.
Và bóng đá đưa các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố đi tới tột cùng. Liệu có môn thể thao nào đẹp tới nỗi ở thời điểm tưởng chừng tuyệt vọng nhất vẫn có thể tìm ra lối thoát và ở thời điểm tưởng chừng đã thấy lối thoát thì bỗng dưng phát hiện ra dưới chân là vực thẳm.
Phút 90+3, tỷ số đang là 2-2, Man City được hưởng quả phạt góc bên cánh phải. Bóng được treo vào vòng cấm, bóng khẽ chạm người Laporte và tìm đến vị trí Gabriel Jesus.
Gabriel Jesus bị từ chối bàn thắng trước Tottenham
Tiền đạo người Brazil khống chế bóng và tung ra cú "smash" quyết đoán vào góc xa làm tung lưới Tottenham. Cầu trường Etihad nổ tung. Món nợ 4 tháng trước tại tứ kết Champions League đã được thanh toán.
Hóa ra không, Tottenham đâu nợ nần gì với Man City. VAR mới là kẻ thủ ác kết liễu niềm hạnh phúc của thầy trò Pep Guardiola. Cũng vào những phút bù giờ, Sterling sút tung lưới Tottenham, bàn thắng sẽ đưa Man City vào bán kết.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng VAR, trọng tài không công nhận bàn thắng vì trước đó, Sergio Aguero, cầu thủ kiến tạo đã rơi vào thế việt vị. Pep Guardiola ôm đầu ngỡ ngàng. Bóng đá đúng là địa ngục đẫm máu.
Và đêm qua, VAR lại thêm một lần khiến Man City ôm hận. Bàn thắng của Gabriel Jesus không được công nhận vì ở tình huống trước, Laporte đã để bóng chạm tay. VAR dĩ nhiên không sai ở tình huống này.
Thậm chí từ mùa 2019/20, BTC Premier League còn làm rõ luật bóng chạm tay là bất kể tình huống như thế nào, cứ bóng có chạm tay đội tấn công trước khi vào lưới là bàn thắng không được công nhận.
Nếu không có VAR, Man City đã thắng Tottenham
Thật trớ trêu cho thầy trò Pep Guardiola, mùa trước quy định bổ sung về luật bóng chạm tay này lại chưa được áp dụng cho Champions League. Bởi cũng ở trận tứ kết lượt về định mệnh ấy, trước khi Sterling ghi bàn, Llorente đã rút ngắn tỷ số xuống còn 3-4 cho Tottenham và băng ghi hình cho thấy bóng cũng chạm tay tiền đạo người Tây Ban Nha. Không có bàn thắng đó, Man City cũng đi tiếp. Thật xúi quẩy cho Pep!
Tất nhiên, như đã đề cập, bóng đá là vô thường, dù có áp dụng công nghệ tối tân tới đâu đi chăng nữa thì cũng không thể phân tách hết các yếu tố thắng thua trong một trận đấu. Một đội sẽ có hàng ngàn lý do để thắng và cũng có chừng ấy lý do để thua.
Điều duy nhất để kiểm soát cơ hội thắng thua là củng cố thực lực. Thực lực càng mạnh, tập thể càng đồng đều, ăn ý, biến hóa thì cơ hội chiến thắng càng cao.
Pep đã làm được việc đó không chỉ ở Man City mà cả Bayern hay Barca trước đây. Nhờ vị chiến lược gia người Tây Ban Nha này, định nghĩa về một trận đấu bóng đá đã thay đổi.
Các đội dần phải thay đổi cách nghĩ để chú trọng hơn về phối hợp tấn công cho đến pressing. Thậm chí, Pep thay đổi cả quan niệm. Barca thành công với những cầu thủ bé tí hon, Bayern vẫn có thể chơi bật nhả và Man City không cần những cầu thủ đô con để thống trị bóng đá Anh.
Chẳng cần dẫn chứng đâu xa, ngay chính cuộc tiếp đón Tottenham, bất kỳ ai theo dõi trận đấu đều phải thừa nhận Man City là đội áp đảo và xứng đáng giành chiến thắng.
Còn nếu thích thống kê, Man City tung ra 30 cú dứt điểm, 10 đi trúng đích và Tổng Bàn thắng kỳ vọng (xG) là 3,23 bàn. Trong khi đó, Tottenham dứt điểm tổng cộng 3 lần, 2 trúng đích và Tổng xG là… 0,11. Những thông số vô cùng chênh lệch.
Pep Guardiola luôn mong muốn sự hoàn hảo, và VAR sẽ là một thử thách cho sự hoàn hảo đó
Thế nên, sự trùng lặp của việc VAR khước từ chiến thắng của Man City suy cho cùng chỉ là sự vô thường của đời sống bóng đá. Man City có thể thua, có thể không vô địch nhưng đó vẫn là một đội bóng xuất sắc nhất thế giới hiện nay.
Và đã xuất sắc như thế, điều thầy trò Pep cần là giữ vững niềm tin. Cho dù trăng tàn nguyệt tận thì Man City cũng đừng nên tuyệt vọng. Cứ vững tin rồi thành công sẽ đến, nếu có thực lực thực sự.