Cứ mỗi dịp Tết đến là hội chị em lại bắt đầu với “cuộc chiến” xoay sở với những mâm cỗ cúng. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, cái gì khó cũng đều có các dịch vụ giúp gỡ rối, kể cả chuyện làm hộ những mâm cỗ cúng chỉn chu.
Ngày ông Táo vào giữa tuần, chị em tìm tới dịch vụ "gỡ rối"
Ngày Ông Công Ông Táo, tức 23 tháng Chạp năm nay sẽ rơi vào ngày giữa tuần, vì vậy việc chuẩn bị cho một mâm cỗ cúng đầy đủ, thịnh soạn là khó khăn với nhiều chị em. Khi cuối năm, công việc phải hoàn thành rất nhiều để đón năm mới. Bởi đó, nhiều chị em dân văn phòng lựa chọn đặt mâm cúng giao tận nhà. Chị Ly Đặng cho biết: “Năm nào dịp Ông Công Ông Táo chị cũng đặt một mâm cỗ cúng vì muốn tươm tất nhất có thể để tiễn các ông lên trời. Cùng với đó, mình có nhiều thời gian làm những việc khác”.
Những ngày này, trên các hội nhóm, khu chợ không khó để tìm thấy bài đăng nhận làm mâm cúng online phục vụ cho Tết với mức giá với các loại sản phẩm khác nhau.
Ảnh chụp màn hình
Theo tìm hiểu, năm nay từ gần rằm tháng Chạp các cá nhân bắt đầu nhận đặt làm mâm cỗ cúng phục vụ cho những ngày Tết. Với đa dạng các mức giá với các loại sản phẩm từ mâm cỗ chay đến mâm cỗ cúng mặn, có giá dao động từ 550.000 - 2.500.000 đồng/mâm.
Một mâm cúng mặn có giá khoảng hơn 1 triệu đồng gồm 8-9 món và bao gồm đồ cúng lễ (tùy từng quán): gà luộc, canh măng móng mọc sườn, tôm hấp, nem thịt, thịt đông, xôi hoặc bánh chưng, bò sốt tiêu đen, giò lụa…
Đến các nhà hàng cũng không bỏ qua, tưởng dễ mà nhọc không kém người bán lẻ
Và không nằm ngoài khi nhu cầu ngày càng tăng cao, các nhà hàng đặc biệt là các cửa hàng chay cũng không bỏ qua cơ hội này. Các mâm cỗ ở đây có giá thành cao hơn và làm theo nhu cầu của khách hàng, có giá dao động từ hơn 1 triệu - 3 triệu đồng.
Cách khoảng 2 tháng trước khi vào vụ Tết, chị Lê Vân (CEO một nhà hàng tại TP.HCM) cho biết đã phải chuẩn bị chốt hợp đồng với các nhà cung ứng, một phần để đảm bảo nguồn cung phục vụ cho khách, một phần tránh việc thực phẩm tăng dịp cận Tết.
Mâm cỗ cúng mang về là thứ mà nhiều chị em săn lùng vì tiện lợi.
Chị Vân đã kinh doanh mâm cỗ cúng lễ giao tận nhà năm nay là năm thứ hai. “Theo xu thế chung của mọi nhà cuộc sống bận rộn, với mong muốn hỗ trợ các chị em bớt vất vả trong căn bếp, mình đã nghiên cứu ra nhiều set mâm cúng để phù hợp với những ngày trọng đại, mùng 1 ngày rằm, hay giỗ chạp, dịp lễ Tết…”, chị Vân nói.
Chia sẻ về tình hình nhu cầu đặt Tết năm nay chị Vân cho biết: “Bên mình phải tuyển thêm người trực page để nhận đơn. Chị và toàn bộ nhân sự phải liên tục tăng ca để hoàn thành đơn cho khách. Năm ngoái, những ngày cận Tết cả team phải làm đồ đến hơn 12h giờ đêm để kịp giao cho khách.
Thời gian để làm mâm cỗ cúng lễ cho ngày 23, 30 Tết mất khoảng 1 tiếng/mâm lẻ. Nhưng cũng chỉ dồn vào những ngày nhất định đó, còn các ngày khác thì lẻ hơn. Vậy nên mình sẽ chuẩn bị theo số lượng nhiều, rút ngắn được thời gian nấu vì sản xuất hàng loạt”.
Như mùa Tết năm ngoái, cơ sở của chị Vân đã vấp phải tình trạng quá tải và không thể nhận thêm khách khi đặt cận ngày, giao hàng chậm so với giờ dự kiến. Chị Vân cho biết năm nay bên chị hoàn thiện quy trình hơn để phục vụ khách được tối đa.
Khác với quy mô to của chị Vân, bạn Thu Uyên (25 tuổi, Hà Nội) đã nghỉ công việc của bản thân theo đuổi công việc nấu nướng bằng việc làm đồ ăn sẵn và dịp lễ lớn cũng làm mâm cúng giao tận nhà.
Uyên cho biết: “Mình chỉ nhận khoảng 4-5 mâm cúng một ngày, kèm thêm đó là bày hoa quả, đồ lễ nữa. Những ngày cao điểm mình phải huy động cả gia đình hỗ trợ. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên thời gian mình làm cũng hơi lâu điều này ảnh hưởng đôi chút đến năng suất. Thêm nữa, việc tính toán nguyên liệu do quy mô nhỏ nên mình sẽ gom đơn như dịp Ông Công Ông Táo năm nay mình sẽ bắt đầu gom từ rằm và trả đơn dần dần.”
Uyên tâm sự: “Có đợt rằm tháng 7 do tính toán không hợp lí mà mình dường như chỉ hòa vốn, thậm chí còn suýt âm. Nhưng mình coi đó là kinh nghiệm cho đợt Tết này”.