Rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên tiêu (đêm trăng tròn đầu tiên của một năm mới), lễ hội đèn hoa... Phật giáo gọi lễ Thượng nguyên cầu thiên quan giáng phúc.
Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu (tức ngày 15/1 âm lịch) là ngày 26/2/2021. Theo lịch vạn niên năm nay, ngày rằm năm nay là ngày Ất Tỵ, tháng Canh Dần, năm Tân Sửu lại là thứ sáu cuối tuần tiện cho Phật tử đi chùa cầu an, nhiều gia đình còn hành hương.
Theo phong tục xưa truyền lại, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm (15 âm lịch) là tốt nhất. Bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm Tân Sửu 2021. Vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.
"Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng".
Đối với mâm cỗ cúng Phật: Gia chủ cần chuẩn bị hoa quả, xôi chè, rau xào chay, canh rau củ hoặc canh nấm, các món đậu.
Ngoài ra, một số gia đình còn bày thêm bánh trôi nước để cầu mong một năm trôi chảy, thuận hòa. Ngoài ra, lễ vật dâng cúng rằm tháng Giêng còn có hương, hoa, đèn nến.
Lưu ý, màu sắc của các món ăn trên mâm cỗ chay được cho là tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Dùng cơm chay vào ngày rằm tháng Giêng cũng là cách hướng tới sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.
Đối với mâm cỗ mặn: Cúng gia tiên, gia chủ cần chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, một vài món ăn mặn.
Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng tròn 10 món để tạo thành mâm cơm đầy đủ, tươm tất.
- 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến, bát mọc.
- 6 đĩa gồm: Thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn), giò/chả), nem, đĩa xào, dưa muối/hành muối, xôi/bánh chưng, ngoài ra có thêm nước chấm.
Cúng Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào kinh tế của gia chủ mà chuẩn bị sao cho phù hợp, chú trọng yếu tố thành tâm, nghiêm túc.