Khám chữa bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát (Bệnh viện Nhi Trung ương) để làm rõ hơn về căn bệnh này.
PHÓNG VIÊN: Cuối tuần qua, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn với các chuyên gia để có biện pháp ứng phó trước số trẻ mắc Adenovirus đang gia tăng. Phải chăng dịch bệnh này đang có những diễn biến bất thường, thưa ông?
TS-BS LÊ KIẾN NGÃI: Thực tế, số ca mắc Adenovirus gia tăng liên tiếp trong thời gian gần đây cho thấy thực trạng mầm bệnh Adenovirus đang tồn tại nhiều trong cộng đồng. Hơn nữa, các nghiên cứu đã làm rõ virus Adeno có thể tồn tại trên các bề mặt nhiều ngày, trong khi khả năng lây lan của virus khá dễ dàng qua “giọt bắn” và tiếp xúc. Vì vậy, cơ hội để tạo ra đường lây của Adenovirus rất phổ biến, nhất là ở những nơi tập trung đông người, các sinh hoạt tập thể trong không gian kín, cũng như với những người chủ quan, lơ là vệ sinh bàn tay, vệ sinh bề mặt. Như vậy, nguy cơ mỗi cá thể mắc Adenovirus rồi trở thành nguồn nhiễm mới, kể cả nguồn lây nhiễm không có triệu chứng là rất cao.
Qua sự gia tăng của các trường hợp mắc Adenovirus, vấn đề cần quan tâm ở đây là gì khi mà chúng ta chưa có vaccine phòng ngừa loại virus này?
Adenovirus bên cạnh vai trò gây bệnh rõ ràng ở hệ thống hô hấp thì loại virus này còn gây bệnh ở đường tiêu hóa nhưng rất ít gặp. Tuy nhiên thời gian qua, Adenovirus đang bị tình nghi liên quan đến tình trạng “viêm gan bí ẩn” gia tăng tại một số quốc gia. Như vậy, với việc số ca nhiễm Adenovirus đang tăng lên cần phải được quan tâm ở cả khía cạnh lâm sàng, dịch tễ và cộng đồng để có các biện pháp ứng phó kịp thời và thích hợp.
Liệu có mối liên quan gì không giữa Covid-19 và Adenovirus, thưa ông?
Adenovirus là tác nhân virus thường gây nên tình trạng viêm ở hệ thống hô hấp với biểu hiện từ trung bình đến nặng. Cũng có một tỷ lệ rất ít Adenovirus gây bệnh ở đường tiêu hóa, gây viêm bàng quang hay viêm màng não. Đặc biệt, bệnh thường gặp quanh năm và ở mọi lứa tuổi. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thường xuyên đã sớm phát hiện sự gia tăng nhanh bệnh nhân có xét nghiệm Adenovirus dương tính đến khám và điều trị tại bệnh viện, nhất là vào thời điểm từ tuần thứ 3 của tháng 8 cho tới nay, khi số ca mắc của tuần sau tăng gấp đôi so với tuần trước. Như vậy, việc cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ trở lại và bùng phát sau đại dịch Covid-19 đang dần trở thành sự thật. Khi cuộc sống đã trở lại bình thường mới nhưng nếu lơ là trong dự phòng thì không chỉ làm cho ca mắc Covid-19 tăng trở lại mà cả các bệnh truyền nhiễm khác có tính chất lây truyền tương tự cũng gia tăng.
Vậy để phòng ngừa lây nhiễm Adenovirus, các gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý những vấn đề gì?
Việt Nam chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu riêng cho Adenovirus nên việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu vẫn là giải pháp cơ bản. Đó là vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, đảm bảo môi trường thông thoáng, thực hiện dinh dưỡng hợp lý và kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính ở cả người lớn và trẻ em. Đồng thời cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine Covid-19. Khi trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như: trẻ mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời. Cùng với đó, mọi cá nhân không nên chủ quan, lơ là trước các dịch bệnh mà phải chuyển những thực hành phòng bệnh đã tích lũy được trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 thành những thói quen tốt hàng ngày để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm tương tự.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã ghi nhận 1.406 ca mắc Adenovirus, trong đó có 7 ca tử vong. Riêng từ tháng 8 tới ngày 22-9, số ca bệnh Adenovirus phát hiện là hơn 1.316 trường hợp.
PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết, các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới. Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Thời gian ủ bệnh khoảng 8-12 ngày. Trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như: sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.