Theo ông Osman Sapian, người đứng đầu bang Johor, 50 sen là mức giá họ bán nước cho một bang khác của Malaysia là Melaka và cũng là giá mà Singapore bán trở lại nước đã xử lý cho Johor.
“Chuyện tăng giá chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng tôi có thể tăng đến mức giá bán cho Melaka, hoặc cũng có khả năng thấp hơn khi đàm phán được tiếp tục tiến hành, nhưng chắc chắn không phải giá mà Singapore mua hiện tại”, ông Osman khẳng định.
Ông cũng nói thêm: “Vấn đề này cần được thảo luận thêm. Tôi cho rằng nếu chính quyền Johor tăng giá với tỷ lệ hợp lý, phía Singapore sẽ chấp nhận”.
Theo thỏa thuận cung cấp nước ký năm 1962, Singapore được phép khai thác 250 triệu gallon (hơn 946.000 m3) nước từ sông Johor mỗi ngày với giá 3 sen cho mỗi 1.000 gallon. Đổi lại, 2% số nước cung cấp cho Singpore (đã qua xử lý) sẽ được bán lại với giá 50 sen mỗi 1.000 gallon.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khi trả lời phỏng vấn vào tháng 6 đã chỉ trích thỏa thuận 1962 “vô cùng nực cười” và “quá đắt đỏ” với nước này. Ông cho biết chính quyền Kuala Lumpur sẽ tiếp xúc với giới chức Singapore để tái đàm phán các điều khoản của thỏa thuận.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố: “Thỏa thuận cung cấp nước 1962 là thỏa thuận cơ sở được bảo đảm bởi hai chính phủ trong Thỏa ước Chia cắt đã được đăng ký tại Liên hợp quốc năm 1965 (lúc Singapore tách khỏi Malaysia). Cả hai bên phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận này”.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chỉ trích thỏa thuận cấp nước ký năm 1962 - Ảnh: Reuters
Trước đó, Thủ tướng Mahathir đã cho hủy kế hoạch xây đường sắt cao tốc nối liền thủ đô Kuala Lumpur với Singapore.