Hãng thông tấn DW (Đức) đưa tin, Liên minh Châu Âu (EU) dự định loại bỏ dần việc nhập khẩu nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ vào năm 2030 - trong khi luật phá rừng được thông qua tại Brussels vào đầu năm nay sẽ tạo ra gánh nặng hành chính đáng kể đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ muốn bán hàng hóa của họ trong khối.
Các quy định mới nhằm mục đích loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng của một loạt nhu yếu phẩm ở EU, bao gồm cả dầu cọ.
Theo DW, Malaysia và nước láng giềng Indonesia - hai nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - đã phản ứng giận dữ với những gì họ cho là chủ nghĩa bảo hộ của châu Âu.
Có những lo ngại rằng lợi ích môi trường dự kiến theo luật pháp của EU có thể bị vô hiệu hóa nếu hai nhà sản xuất dầu cọ này dựa vào Trung Quốc để xuất khẩu.
Thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc
Các thỏa thuận đầu tư giữa Malaysia và Trung Quốc trị giá 3,9 tỷ euro đã được ký kết vào đầu tháng này tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO 2023).
Theo hãng tin Nikkei Asia (Nhật Bản), công ty Sime Darby Oils International thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia và Tập đoàn Cảng quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây của Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ về một trung tâm giao dịch và phân phối dầu cọ tinh chế trị giá 500 triệu euro tại thành phố Khâm Châu của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết tại hội chợ rằng, nước ông sẽ tăng gấp đôi lượng xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc lên 500.000 tấn/năm trong vòng vài năm.
Ông Anwar cho biết: "Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề nghị mức tăng lớn. Thông thường, điều này phụ thuộc vào giá cả và những cân nhắc, nhưng lần này là một thỏa thuận nhập khẩu cố định từ Trung Quốc."
Thủ tướng Malaysia nói thêm, việc này chắc chắn sẽ đảm bảo lợi ích của các hộ sản xuất nhỏ và các nhà sản xuất dầu cọ quy mô nhỏ ở Malaysia.
EU cắt giảm nhập khẩu chỉ để bảo vệ nhiên liệu sinh học do châu Âu sản xuất?
Bridget Welsh - cộng tác viên nghiên cứu danh dự của Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nottingham Malaysia - cho biết, những nỗ lực của Brussels nhằm cải thiện hoạt động trồng dầu cọ ở các nước như Malaysia có thể bị "vô hiệu hóa" nếu các nhà xuất khẩu chuyển sang các thị trường thay thế, chẳng hạn như Trung Quốc.
Bà chỉ ra rằng, điều này không chỉ khiến Malaysia và Indonesia phụ thuộc vào Trung Quốc, mà còn loại EU khỏi thị trường trong tương lai, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, danh tiếng của EU vẫn bị tổn hại bởi chính sách "được thúc đẩy bằng cách bảo vệ dầu thực vật của chính mình và gây bất lợi cho các nhà sản xuất Đông Nam Á", Welsh nói, ám chỉ những cáo buộc rằng, các chỉ thị của EU chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích cho nhiên liệu sinh học do châu Âu sản xuất, ví dụ như dầu hạt cải và dầu hướng dương.
Kevin O'Rourke - nhà phân tích kiêm giám đốc công ty tư vấn Reformasi Information Services có trụ sở tại Jakarta, Indonesia - cho biết, do phần lớn ngành dầu cọ của Indonesia thuộc quyền sở hữu của Malaysia nên việc Malaysia chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất dầu cọ tại Indonesia.
Theo Ủy ban Dầu cọ Malaysia, sản lượng dầu cọ của Malaysia đã giảm 2,3% trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, FGV Holdings thuộc sở hữu nhà nước Malaysia được cho là đã chứng kiến doanh thu giảm một nửa so với cùng kỳ.
Frederick Kliem - nhà nghiên cứu kiêm giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore - cho biết, nguy cơ "rò rỉ" không thể tránh khỏi - khi các nhà xuất khẩu chuyển sang các thị trường có ít hoặc không có hạn chế về môi trường - sẽ không cản trở việc EU thông qua luật môi trường.
Tuy nhiên, khả năng xoay trục sang Trung Quốc của Malaysia phải là một lời nhắc nhở rằng "các hạn chế thương mại nên là biện pháp cuối cùng, cần được áp dụng rất thận trọng, sau khi tất cả các biện pháp khác đã được áp dụng", Kliem nói thêm.
Tầm nhìn chung
Theo DW, tất cả các bên trong cuộc tranh chấp đã tăng cường đối thoại trong năm nay nhằm nỗ lực giải quyết những bất đồng giữa họ.
EU đã cử nhiều phái đoàn đến Malaysia và Indonesia để nói rõ về các sáng kiến của mình nhằm cải thiện các tiêu chuẩn môi trường trên toàn thế giới, một khía cạnh thiết yếu trong chính sách đối ngoại của EU.
Các quan chức EU nhấn mạnh rằng họ chưa áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với dầu cọ, và lưu ý rằng thị trường EU đã nhập khẩu gần 4 triệu tấn dầu cọ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, mặc dù giảm gần 1/5 so với năm trước.
Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu - cho biết: "Liên minh Châu Âu vẫn là khách hàng tiêu thụ dầu cọ lớn trên toàn cầu."
Ông nói: "Xét đến cơ sở người tiêu dùng rộng lớn của EU và tầng lớp trung lưu giàu có, thị trường này được dự đoán sẽ vẫn hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu."
"Cả EU và các quốc gia như Malaysia đều có tầm nhìn chung này. Các cuộc đối thoại của tôi với các đại diện từ Malaysia và Indonesia rất sâu rộng về chủ đề này", Lange nói thêm.
Lange cho biết: "Bây giờ, nhiệm vụ của chúng tôi là tổng hợp các chiến lược của mình và cùng nhau giải quyết cả những thách thức cũng như kế hoạch hợp tác tiềm năng. Chúng tôi cần tiếp cận vấn đề này với sự thống nhất của các quốc gia sản xuất."
Chris Humphrey - Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN - cho biết, các chỉ thị của EU sẽ tăng thêm gánh nặng tuân thủ cho các nhà xuất khẩu, nhưng nếu những người bán đó "tuân thủ thì gánh nặng đó sẽ không quá nặng nề và do đó thị trường EU sẽ vẫn là một thị trường khả thi".
Cũng có thể, nếu Malaysia và Indonesia có thể cải thiện doanh số bán dầu cọ sang Trung Quốc, điều này sẽ làm giảm bớt một số cảm giác tiêu cực đối với EU, Humphrey nhận định.