Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 18/9 công bố khung hướng dẫn mới đối với chính sách đối ngoại của Malaysia.
Với chủ đề 'Thay đổi liên tục', khung chính sách mới khẳng định Malaysia duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước và tìm cách giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, nhưng nước này cũng sẽ bày tỏ ý kiến nếu cần để chống lại sự bất công, áp bức và các tội ác chống lại nhân loại của bất cứ quốc gia nào.
Một trong các vấn đề được nhấn mạnh trong tài liệu dài 80 trang này là vấn đề Biển Đông. Đối với vấn đề này, ông Mahathir đề xuất phi quân sự hóa khu vực đang xảy ra nhiều tranh chấp này, biến nó thành một khu vực hòa bình, hữu nghị.
"Về cơ bản, Biển Đông phải là vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN", tài liệu nhấn mạnh.
Hiệp định ZOPFAN được Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gồm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký vào năm 1971. ZOPFAN khẳng định các nước thành viên quyết tâm xúc tiến những cố gắng cần thiết để có được sự công nhận và tôn trọng Ðông Nam Á như một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức và phương cách nào của các nước ngoài khu vực.
Biển Đông trở thành tâm điểm của thế giới thời gian qua sau hàng loạt các hành động gây hấn của Trung Quốc. ASEAN và Bắc Kinh đang làm việc để xây dựng bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Trong đó, chính phủ Malaysia khẳng định sẽ tăng cường nỗ lực hợp tác với các đối tác quốc tế có liên quan để chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Cũng theo khung chính sách mới, Malaysia đã và đang tìm kiếm các mối quan hệ cùng có lợi giữa nước này và các quốc gia khác kể cả các cường quốc. Kuala Lumpur sẽ hợp tác với tất cả các quốc gia có chung cách tiếp cận để đảm bảo các quốc gia có thể tham gia trên cơ sở bình đẳng mà không chịu áp lực từ bất kỳ cường quốc nào.
Tài liệu cũng chỉ trích các quốc gia hùng mạnh áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, không tôn trọng các hiệp định thương mại và ngang nhiên coi thường khuôn khổ đa phương. Ông Mohamad nhấn mạnh những biện pháp này không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia bị nhắm mục tiêu và cả các quốc gia khác.
"Người giàu và người mạnh sẽ lấy những gì họ muốn, còn người nghèo và người yếu sẽ phải chịu thiệt", ông Mohamad nhấn mạnh trong tài liệu.