Đánh bại chính học trò của mình là đương kim Thủ tướng Najib Razak vốn đang chật vật vì bê bối ngân quỹ, ông Mahathir - cũng từng lãnh đạo BN từ năm 1981-2003 - cam kết nhanh chóng hình thành chính phủ mới.
Vị lãnh đạo đã lèo lái Malaysia với "bàn tay thép" suốt hơn 2 thập kỷ chẳng phải gương mặt mới nhưng đối với liên minh Pakatan Harapan của ông, việc giành được 121 ghế trong quốc hội 222 ghế không chỉ giúp họ đủ sức thành lập chính phủ mà còn đánh dấu lần đầu tiên liên minh mang ý nghĩa "hy vọng" này thoát được "phận" đối lập để vào vị trí cầm quyền.
Chiến thắng của vị chính trị gia kỳ cựu vừa tạm gác lại cuộc đời hưu trí nhiều khả năng khiến quan hệ gần gũi giữa Malaysia và Trung Quốc dưới thời ông Najib đối mặt thách thức lớn. Theo Reuters, chỉ vài giờ sau khi thắng cử, ông Mahathir tuyên bố chính quyền mới có thể đàm phán lại một số thỏa thuận với Bắc Kinh.
Giá trị giao thương với Trung Quốc của Malaysia từ 289 triệu USD khi ông Mahathir lần đầu nhậm chức thủ tướng năm 1981 đã tăng lên 20 tỉ USD khi ông rời nhiệm sở năm 2003 và hiện ở mức 54,5 tỉ USD/năm. Báo cáo của Tập đoàn Nomura (Nhật Bản) hồi tháng rồi chỉ rõ Malaysia là một trong những bên nhận đầu tư Trung Quốc lớn nhất ở châu Á.
"Chúng tôi không thấy có vấn đề gì với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Vấn đề là chúng tôi không muốn thấy có quá nhiều tàu chiến trong khu vực, đơn giản vì một tàu chiến thì sẽ có thêm nhiều tàu chiến khác" - ông Mahathir nói trong cuộc họp báo hôm 10-5. Bên cạnh đó, lời hứa "100 ngày đầu tiên" của ông được cho là sẽ đè nặng áp lực lên chính phủ mới nhằm xóa bỏ chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ 6% dưới thời liên minh BN vốn không được lòng các cử tri.
Vị cựu thủ tướng sắp trở thành tân thủ tướng không có kế hoạch cầm quyền lâu dài. Ông đã cam kết tìm kiếm lệnh ân xá nhằm giải thoát người thành lập liên minh Pakatan Harapan, ông Anwar Ibrahim, khỏi nhà tù để chuyển giao ghế thủ tướng trong vòng 2 năm.
Trước khi rút khỏi liên minh BN và thành lập Pakatan Harapan năm 2016, ông Anwar từng là một phó thủ tướng dưới quyền ông Mahathir, đã bị sa thải, cáo buộc tham nhũng và kê gian rồi bị bỏ tù sau khi kêu gọi cải cách kinh tế, chính trị vào năm 1998.