Luật vua thua lệ làng
Malaysia đã gửi thông báo về việc đội bóng đá nam U23 và đội đội tuyển bóng đá nữ của nước chủ nhà sẽ không phải bốc thăm, mà được đặc cách chọn bảng đấu ở SEA Games 2017.
Lễ bốc thăm chia bảng các môn bóng đá tại SEA Games 29 sẽ diễn ra vào tháng 8/2017 tới. Theo đó, 11 đội bóng đá nam sẽ chia làm 2 bảng A và B. Tuy nhiên, chủ nhà Malaysia được đặc cách chọn bảng đấu.
Theo điều lệ, Thái Lan và Myanmar là 2 đội bóng vào chung kết SEA Games 28 nên sẽ được mặc định là 2 đội hạt giống chia đều thành 2 bảng. Các quốc gia khác sẽ lần lượt bốc thăm tới lượt thứ 4.
Sau lượt này, chủ nhà Malaysia lúc này sẽ dựa trên kết quả bốc thăm để chọn bảng đấu. Hai đội còn lại không cần bốc thăm mà sẽ bị dồn vào bảng không có đội chủ nhà.
Malaysia ra thông báo kỳ lạ cho SEA Games.
Nếu "luật nhà" được ban hành, chắc chắn Malaysia sẽ chọn bản đấu có 5 đội, vì như thế sẽ "dễ thở" hơn so với bảng có 6 đội khi bước vào vòng knock out.
Việc Malaysia ban luật có vẻ như các thành viên khác khó cưỡng lại. Dĩ nhiên, các thành viên tham dự môn bóng đá có thể hội họp để kiến nghị về việc này lên hội đồng Đông Nam Á.
Thế nhưng, ở một giải đấu mà ở đây là môn bóng đá SEA Games vốn không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên "luật vua có thể thua lệ làng". Tức, Malaysia sẽ giành phần thắng nếu như có ý kiến giữa các bên.
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi
Như đã đề cập, môn bóng đá SEA Games chỉ được xem là cuộc chơi của khu vực Đông Nam Á, hay nói vui đó là "ngày hội làng".
Trong lịch sử SEA Games chưa có cuộc bốc thăm nào lại được đội chủ nhà "ngã giá" và "làm luật" một cách trắng trợn như vậy.
Thường ở các kỳ đại hội trước, nước chủ nhà luôn nhận được sự ưu ái "ngầm" từ Ban tổ chức. Đấy là điều chắc chắn vì bất kỳ giải đấu nào trên thế giới thì đội chủ nhà cũng sẽ được ưu tiên vì nhiều lý do khác nhau.
Nguyên do, nếu chủ nhà đi sâu vào trong thì giải đấu sẽ nhận được sự quan tâm lớn hơn. Còn bị loại, nó kéo theo những hệ lụy như: lượng khán giả giảm sút, công tác truyền thông sẽ khó khăn hơn…
Bóng đá là môn thể thao vua nên có thể hiểu tại sao nó luôn được quan tâm hàng đầu. Và BTC luôn mọi lý do và tìm mọi cách để giúp cho đội chủ nhà "có lợi" về bốc thăm, thậm chí cả công tác điều hành của những ông vua áo đen…
Dù sao thì ĐT U22 Việt Nam cũng cần cố gắng hết sức
Năm 2003, với tư cách là nước chủ nhà SEA Games 22, Việt Nam cũng được cho là nhận chút ưu ái trong trong bốc thăm môn bóng đá.
Ở thời điểm đó, U23 Việt Nam sở hữu rất nhiều ngôi sao trong đội hình như thủ môn: Nguyễn Thế Anh và Dương Hồng Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Văn Trương, Nguyễn Minh Phương, Lê Quốc Vượng, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Như Thuật, Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Lê Công Vinh…
Nhưng đội bóng của HLV Alfred Riedl vẫn xác định là "né" Thái Lan, ứng cử viên cho chiếc HCV ở bán kết. Cầu được ước thấy, Việt Nam đã nằm cùng bảng với Thái Lan.
Đội bóng của ông thầy người Áo đã vượt qua vòng bảng và đã giành quyền vào chơi trận chung kết khi đánh bại người Malaysia với tỷ số 4-3 trong trận bán kết.
Song hơn 4 vạn khán giả trên Mỹ Đình cùng hàng triệu CĐV Việt Nam đã phải rơi lệ khi nhìn người Thái đăng quang ngay trên sân nhà sau trận chung kết đầy căng thẳng.
Nhắc lại chuyện đã rất cũ để thấy, ở "hội làng" Đông Nam Á, mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Vì thế, vụ Malaysia "làm luật" dù không có tiền lệ trong lịch sử nhưng chẳng khiến nhiều người bị sốc.
Thế nên, muốn giành chiếc HCV, vốn là khát vọng hơn 60 năm qua thì U23 Việt Nam của HLV Hữu Thắng cần phải "đi qua tất cả", kể cả việc đương đầu "luật làng" do nước chủ nhà Malaysia đưa ra.
Cũng nói thêm, đó mới chỉ là câu chuyện bắt đầu, khi bước vào các cuộc chiến chính thức, sẽ còn nhiều trò hay và kịch vui của mà BTC dựng lên để ủng hộ đội chủ nhà…
Môn bóng đá nữ tại SEA Games 29 cũng tương tự. ĐKVĐ Thái Lan nhận mã A1, á quân Việt Nam được mặc định mã số B1. BTC sẽ bốc thăm ngẫu nhiên 2 suất A2 và B2. Sau đó, Malaysia sẽ được quyền chọn bảng đấu để... tránh Myanmar hoặc Việt Nam . Nhưng dù có thể nào đi nữa thì bóng đá nữ của Malaysia cũng khó có cửa giành HCV.
Chủ nhà "chơi chiêu"
Tại SEA Games, hầu hết các đội tuyển của các môn thể thao thi đấu đều rất ái ngại khi đụng phải các VĐV của nước chủ nhà. Thực tế, đã không ít trường hợp các VĐV của Việt Nam từng bị ép trắng trợn để "nhường" HCV cho đội nhà, đặc biệt là ở các môn được chấm cảm tính như Wushu, Pencak Silat…
Bóng đá cũng không là ngoại lệ khi mà nước chủ nhà cố tình bố trí đối phương tập ở sân tập như mặt ruộng, ăn không hợp khẩu vị, trọng tài cũng được sắp xếp nhằm có lợi trên sân.