Thực phẩm bẩn có thể là nguyên nhân gây ung thư và nhiều bệnh tật khác.
Tuy nhiên, trong khi tập trung lên án, tố cáo thực phẩm bẩn dường như chúng ta đang bỏ quên một đồng thủ phạm khác, nguy hiểm nhất nhưng lại ít bị lên án nhất - thuốc lá.
Thuốc lá và những thống kê đáng sợ
Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành Ung thư và Bộ Y tế, mỗi năm chúng ta có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư.
Tức là, số liệu tử vong gấp 7 lần tử vong do tai nạn giao thông.
Dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này.
Ở Việt Nam, ung thư phổi đang là một trong số những bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong hàng đầu, đặc biệt là ở nam giới.
Theo đó, mỗi năm có khoảng trên 20.000 người mắc mới và khoảng hơn 17.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Điều đáng nói đây là căn bệnh gia tăng theo cấp số nhân qua từng năm.
Theo thống kê của ngành y tế, năm 2000 mới chỉ có 6.905 ca mới phát hiện mắc bệnh ung thư phổi. Đến năm 2013, các bác sĩ thống kê có trên 20.000 người được xác định mắc ung thư phổi.
Chỉ trong vòng 13 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đã gia tăng gấp 4 lần – một con số đáng báo động về sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm chết người này.
Ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 ca.
Hút thuốc lá hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư phổi. Theo đó, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên theo mức độ tiêu thụ thuốc lá.
Có tới trên 90% bệnh ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá. Thuốc lá cũng là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các loại ung thư.
Các loại ung thư khác như khoang miệng, thực quản, hàm họng thanh quản, thậm chí, ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở nữ đều có liên quan tới thuốc lá.
Ngoài thuốc lá, các vấn đề như ô nhiễm không khí, bệnh nghề nghiệp, di truyền, các bệnh ở phế quản, phổi… cũng là yếu tố nguy cơ có thể gây mắc bệnh ung thư phổi.
"Anh hút, nhưng chúng tôi phải ngửi"
Theo một thống kê không đầy đủ, hiện mỗi năm Việt Nam có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ, chưa được truyền thông hiệu quả.
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin.
Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da.
Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.
Nhìn những hình ảnh này, bạn còn muốn hút thuốc lá nữa?
Những người hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường thường xuyên phải ngửi khói thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy v.v.
Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Đấu tranh loại bỏ thực phẩm bẩn có thể sẽ là chặng đường khó khăn và gian nan, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Các cá nhân khó có thể thể kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Nhưng với thuốc lá, mỗi người hoàn toàn có thể chủ động nói KHÔNG.
Trong lúc cả xã hội muốn đồng thanh nói KHÔNG với thực phẩm bẩn, mỗi người chúng ta hãy nói KHÔNG với cả thuốc lá trước đã!