Một thứ vũ khí ít được phương Tây biết tới nhưng có sức mạnh không kém so với các vụ thử hạt nhân của Triền Tiên chính là tình báo mạng.
Các cơ quan an ninh mạng của Mỹ và phương Tây cáo buộc thủ phạm vụ tấn công vào hãng Sony (Nhật Bản) cách đây 3 năm là Tổng cục Do thám trực thuộc Cơ quan tình báo Triều Tiên. Bình Nhưỡng không thừa nhận hay bác bỏ.
Triều Tiên cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công mạng nhằm vào ngân hàng quốc gia Bangladesh và việc phát tán mã độc Wannacry trên toàn thế giới hồi đầu năm nay.
Theo đài CNN, lực lượng tình báo mạng Triều Tiên thường tiến hành các vụ tấn công với chi phí thấp nhưng có hiệu quả cao.
Mục tiêu chủ yếu của các cuộc tấn công thường là các thể chế tài chính phương Tây, tấn công mạng liên tiếp và trộm các khoản tiền lớn từ các ngân hàng. Càng lấy được nhiều tiền, Triều Tiên càng có tiềm lực tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.
Mặc dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận phương Tây, Bình Nhưỡng vẫn đặc biệt chú trọng đầu tư vào lĩnh vực khoa học và công nghệ cho Cơ quan Tình báo Quân đội.
Các chuyên gia an ninh cho rằng số nhân viên trong cơ quan quan trọng hàng đầu Triều Tiên này đã lên tới hàng nghìn người.
Những cá nhân xuất sắc này được coi là tầng lớp tinh hoa và thường trải qua quá trình lựa chọn khắt khe ngay từ khi còn ngồi trên các giảng đường đại học.
Trong khi tất cả công dân Triều Tiên chỉ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một khoảng thời gian nhất định, những nhân viên tình báo thường xuyên trong trạng thái sẵn sàng.
Nhờ vậy, Triều Tiên đã xây dựng được 1 lực lượng tình báo quân đội vô cùng mẫn cán và chuyên nghiệp. Mục tiêu tấn công mạng thường xuyên nhất của Triều Tiên là quốc gia láng giềng Hàn Quốc.
Ông Kim Jong Un tại một cơ quan tình báo mạng. Ảnh: KCNA
Năng lực tình báo mạng hiện đang là 1 thế mạnh của Triều Tiên, bên cạnh các chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân.
Theo CNN, chính phủ Mỹ cần chuẩn bị phương án đề phòng khẩn cấp khi xảy ra 1 vụ tấn công mạng trực tiếp từ Bình Nhưỡng. Nếu vụ tấn công mạng này được coi là 1 hành động khiêu chiến thì nước Mỹ cần có 1 chính sách đối phó hiệu quả.
Ngày nay, tin tặc không chỉ có thể ăn cắp tiền và danh tính qua mạng, mà còn có khả năng tắt nguồn điện, khóa hệ thống dẫn nước, vô hiệu hóa các tháp điều khiển không lưu khiến máy bay không thể hạ cánh an toàn.
CNN cho hay, chính phủ Mỹ cần phải tập trung đảm bảo an ninh mạng cho các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt chú ý tới hệ thống tài chính và truyền tải điện để tránh thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công.