Không phải một tác phẩm thương mại được quảng bá rầm rộ, bộ phim Đào, Phở và Piano đang bất ngờ gây sốt khắp mạng xã hội dù có suất chiếu hạn chế (chỉ khoảng 20 suất mỗi ngày). Dự án được đạo diễn và viết kịch bản bởi NSƯT Phi Tiến Sơn, do nhà nước đầu tư với mức kinh phí 20 tỷ đồng.
Theo thống kê từ trang YouNet Media, tác phẩm còn vượt qua Mai của Trấn Thành về các chỉ số viral trên các nền tảng những ngày gần đây. Tính riêng trong ngày 20/2, Phở Và Piano tạo ra 152,9 nghìn lượt thảo luận và thu hút 1,41 lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội.
Đây có thể xem là một trong những lần hiếm hoi phim điện ảnh được Nhà nước đặt hàng thu hút sự chú ý mạnh mẽ như vậy. Nhiều khán giả than phiền vì thử mọi cách để đặt chỗ nhưng không thành công. Một số thậm chí so sánh độ “khát vé” Đào, Phở và Piano cũng không kém các concert của nhóm nhạc Hàn Quốc BLACKPINK hồi năm ngoái.
Đào, Phở Và Piano chạm đúng những “nhu cầu rất đặc biệt” của công chúng
Đào, Phở Và Piano lần đầu ra mắt hồi tháng 10/2023 nhưng số lượng suất chiếu chỉ đếm trên đầu ngón tay, không tiếp cận được nhiều khán giả. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tác phẩm cùng một số dự án điện ảnh nhà nước khác ra rạp trở lại theo đề án thí điểm phổ biến phim Nhà nước đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Sau đó, phim bỗng thành chủ đề hot khi một số khán giả ra rạp xem và đăng các bài cảm nhận, đánh giá trên mạng xã hội.
Dựa trên thực tế đó, Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng sức lan tỏa bắt đầu từ hiệu ứng truyền miệng, khi các bài review trên mạng xã hội tạo sự tò mò thôi thúc các khán giả khác ra rạp thưởng thức phim.
"Theo góc nhìn cá nhân, đây là một hiện tượng viral được cộng hưởng bởi sức mạnh của social. Cộng thêm việc được phát hành ở một cụm rạp nhỏ, số suất chiếu ít…, vô hình trung tạo ra những 'nhu cầu rất đặc biệt' với khán giả", anh nhận định.
Theo các chuyên gia, một yếu tố khác giúp Đào, Phở Và Piano trở thành chủ đề nóng trong lĩnh vực phim ảnh một cách nhanh chóng đến từ tình hình thị trường. Chuyên gia truyền thông Trần Thăng Long nêu ý kiến: “Thực sự thì mùa phim Tết năm nay không có nhiều lựa chọn, chỉ duy nhất phim Mai của Trấn Thành là nổi trội hẳn về sức hút, chất lượng và đề tài.
Điều đó cũng sẽ dẫn đến việc ‘đói’ nội dung để xem của khán giả trong cả 2 trường hợp: họ rất muốn ra rạp nhưng không muốn chọn Mai nhưng cũng không có 1 lựa chọn khác nào đủ hấp dẫn; hoặc họ đã xem xong Mai rồi và muốn tiếp tục ăn thêm 1 hương vị khác”.
Theo nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định: “Khi mùa phim Tết chỉ có duy nhất Mai dẫn dắt thị trường, tự nhiên một phim về đề tài chiến tranh cùng với những hoài niệm về một Hà Nội xưa, trở thành tâm điểm chú ý của một bộ phận khán giả cũng là lẽ tự nhiên.
Nhất là trong thời kỳ mạng xã hội có thể tạo ra một xu hướng tiêu dùng rất nhanh chóng và dễ dàng dành cho số đông. Kiểu như giữa một bữa tiệc ngày Tết với rất nhiều món quen thuộc, bỗng nhiên có một món ăn lạ về khẩu vị, cũng dễ giúp cho thực khách chú ý hơn”.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng chính sự thống trị của Mai kể cả mặt doanh thu và hiệu ứng truyền thông ở mùa phim Tết cũng góp phần giúp Đào, Phở Và Piano trở thành hiện tượng.
“Trong truyền thông, khi số đông nói về 1 thứ gì đó quá nhiều thì sẽ sinh ra một bộ phận đi ngược lại xu thế đó. Càng nhiều người thích sản phẩm của bạn thì ngược lại khả năng nhiều người ghét lại càng cao. Khi hiệu ứng của Mai quá lớn, những ai không thích sẽ rất muốn tìm một đối trọng. Và việc Đào, Phở Và Piano được chú ý sẽ lập tức thu hút sự quan tâm của họ”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng còn quá sớm để đánh giá thành công của Đào, Phở Và Piano một cách cặn kẽ. “Chúng ta phải có số liệu về vé bán ra cùng với doanh thu của phim. Tôi hy vọng bộ phim sẽ được chiếu rộng rãi trên cả nước đến với nhiều khán giả hơn thì sự thành công mới thực sự rõ nét. Vì cuối cùng, một bộ phim thành công là một bộ phim có thể chạm đến nhiều người", nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nói thêm.
Không nên trông chờ vào những dịp viral may mắn như Đào, Phở Và Piano
Sự quan tâm lớn từ công chúng dành cho Đào, Phở Và Piano có thể xem là một hiệu ứng tích cực với các dự án điện ảnh do nhà nước đầu tư. Có thể thấy, không thiếu các sản phẩm văn hoá ra đời theo dạng đặt hàng có chất lượng tốt, đủ sức tạo hiệu ứng xã hội nhưng chưa được quảng bá một cách hợp lý.
Nếu không có những bài đánh giả từ chính khán giả, Đào, Phở Và Piano nhiều khả năng có thể tiếp tục bị quên lãng giống hệt thời điểm lần đầu ra rạp vào cuối năm ngoái.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho biết: “Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của marketing - với cách hiểu là phương thức tiếp cận thị trường, hấp dẫn và chinh phục khách hàng. Nhưng trong lĩnh vực văn hóa, nhiều đơn vị chỉ nghĩ đến truyền thông, quảng bá, chứ chưa thực sự hiểu khái niệm làm marketing, cho nên mới có câu chuyện sản xuất một bộ phim, một vở kịch, in một cuốn sách… nhưng không có chi phí để phát hành.
Tôi tin rằng, có rất nhiều sản phẩm văn hoá của nhà nước đặt hàng đạt chất lượng rất tốt, mang giá trị lớn đối với công chúng, chỉ có điều là nhà sản xuất chưa biết cách, hoặc không có điều kiện làm marketing”.
Theo ông, làm marketing đầu tiên là phải nghĩ đến khách hàng, tức đối tượng tiêu thụ sản phẩm đó. Nhà sản xuất cần nắm bắt được mong muốn của người hưởng thụ và cho ra đời những sản phẩm đáp ứng những nhu cầu đó. Quá trình này phải được nghiên cứu và lựa chọn kỹ càng để thu hút nhóm công chúng hướng đến.
Sản xuất xong, việc tiếp theo là tìm cách phân phối hợp lý để sản phẩm văn hoá có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách dễ dàng, vừa túi tiền. Cuối cùng, nhà sản xuất cần tìm cách làm cho công chúng biết đến, khiến họ quan tâm, tò mò, hứng thú, yêu thích sản phẩm đó.
Cùng quan điểm, chuyên gia truyền thông Vũ Trung Hiếu cho rằng việc đầu tư 20 tỷ cho một bộ phim lịch sử mà không nghĩ đến chi phí phát hành là điều khó hiểu: “Truyền thông sẽ giúp phim đến được đông đảo khán giả, công chúng hơn. Không ai đòi hỏi phim nhà nước với mục đích giáo dục, tuyên truyền phải có doanh thu như phim của tư nhân. Nhưng, bản chất của tuyên truyền, giáo dục là phải tạo được độ tiếp cận nhất định, tạo ra thảo luận và phản hồi từ người xem mới có thể xem là đạt mục tiêu”.
Theo ông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể xem xét về mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) cho các phim tuyên truyền, giáo dục như Đào, Phở Và Piano. Hướng đi này có thể giúp tối ưu các khâu phát hành, truyền thông để kéo công chúng đến rạp cũng như lan tỏa thông điệp, bài học từ phim. Đồng thời, mô hình PPP còn có thể giúp tiết kiệm chi phí ban đầu, thậm chí là có lãi để tái đầu tư.
Từ tình trạng “khát vé” của phim, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định hiện trạng này cho thấy nên có sự thay đổi cho khâu truyền thông, quảng cáo sản phẩm do nhà nước đặt hàng. "Không nên làm theo cách hiện nay là chỉ cấp kinh phí sản xuất phim còn lại việc phát hành, PR và marketing thì '0 đồng', rồi trông chờ vào những dịp viral may mắn như là Đào, Phở Và Piano đang có", anh nêu ý kiến.