Mafia Italy trỗi dậy bằng 'chiến lược mềm' thời phong toả

Thu Hằng |

Mafia không chỉ là tổ chức tội phạm. Chúng là những tổ chức khao khát cai quản lãnh thổ và thị trường. Thời kỳ người dân đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19 hiện nay có thể là cơ hội để mafia Italy "đầu tư" nhằm giành được những thành quả trong tương lai.

Khi không còn tiếng hát, mối lo kinh tế hiển hiện

Trên khắp đất nước, người Italy đã ca vang "Andrà Tutto Bene" ("Mọi thứ sẽ ổn thôi") từ ban công nhà. Một tấm bảng ở Napoli có nội dung: "Cùng nhau, không sợ hãi. Corona chỉ là kẻ thù yếu nếu chúng ta cùng nhau chiến đấu”. Đất nước đoàn kết với nhau hằng ngày khi thống kê số người chết được thông báo vào lúc 6 giờ chiều. Một gói kích thích kinh tế đã được Chính phủ Italy công bố và quỹ đoàn kết được lập ra ở tất cả các thành phố.

Italy đã trải qua nhiều tuần có số người chết cao nhất thế giới, sau đó chứng kiến dịch đi xuống từ cuối tháng Ba. Họ đã làm phẳng dần "đường cong dịch" khi các hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên cơ động hơn trước dòng bệnh nhân COVID-19.

Nhưng giờ đây tiếng hát đã dừng lại. Các cuộc gọi đến đường dây nóng báo cáo tình trạng lạm dụng gia đình tăng vọt. Tâm lý bất mãn, khó chịu trong thời kỳ phong toả bắt đầu gieo rắc sự chia rẽ trong những cộng đồng bị thiếu lương thực và tiền bạc, có lẽ rõ rệt hơn ở các khu vực nghèo phía Nam của đất nước. Tinh thần cổ vũ đoàn kết đã nhường chỗ cho nỗi căng thẳng trước nguy cơ đời sống bình thường có thể không trở lại vào mùa Hè, khi hàng trăm ngàn người vẫn thất nghiệp, và hàng triệu người dựa vào hợp đồng lao động mùa vụ chịu những ảnh hưởng không thể đo đếm được.

Trong gần hai tháng, 60 triệu người Italy vẫn được bảo vệ an toàn trong nhà của họ. Nhưng khi đất nước bước sang tháng thứ ba bị phong toả, người dân dự kiến ​​sẽ ở nhà đến hết ngày 3/5, một bức tranh bất định về tương lai của đất nước đang hiện ra.

Những dấu hiệu căng thẳng gia tăng ở Italy trong tuần trước đã khiến Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese yêu cầu cảnh sát chú ý nhiều hơn đến nạn “bạo loạn của các nhóm cực đoan". Lời cảnh báo của ông nhắm vào mafia, những kẻ đã lợi dụng đại dịch bằng cách phân phát thực phẩm, quần áo và tiền bạc cho các gia đình kém may mắn và kích động căng thẳng bằng cách xoáy vào những khó khăn khi bị buộc phải “ở trong nhà”.

Mafia Italy trỗi dậy bằng chiến lược mềm thời phong toả  - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng "giãn cách" trước cửa hiệu ở Sicily. Ảnh: Reuters

Chiến lược mang tên "giúp đỡ" của mafia

Những tuần gần đây, các video và tin tức địa phương cho thấy các chi nhánh mafia khét tiếng đã kêu gọi các cùng miền Nam nước Ý "tập hợp lại". "Tôi kêu gọi khu phố của mình, tôi cần sự giúp đỡ của mọi người, một khoản tiền nhỏ, để mua sắm cho trẻ em nghèo", Giuseppe Cusimano, người phân phát thực phẩm cho ba khu phố ở Palermo, viết trên Facebook. Theo báo cáo của tờ La Repubblica, Cusimano đã bị nhà chức trách điều tra về mối quan hệ với các băng đảng. Tên này đăng tải: "Tôi không yêu cầu nhiều, 5 euro mỗi người. Hoặc thuốc, tã lót và các đồ dùng trẻ em. Ai có tấm lòng hãy liên lạc riêng với tôi. Nhà nước không muốn chúng tôi làm từ thiện bởi vì chúng tôi là Mafiosi”.

"Họ hành động vì lợi ích của tổ chức và không bao giờ làm bất cứ điều gì chỉ vì lợi ích cộng đồng", Federico Varese, Giáo sư tội phạm học tại Đại học Oxford cũng là một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Nuffield (Anh), nói với Newsweek. “Món quà là những ưu đãi sẽ được trả lại một thời gian sau".

Nhà nước đã hành động chậm do căng sức chống dịch, các doanh nghiệp nhỏ chỉ được chậm thuế thay vì miễn; lao động tự do không được hưởng lợi ích xã hội. Mặc dù có một quỹ đoàn kết trị giá 4,3 tỷ euro (4,6 tỷ USD) do Thủ tướng Giuseppe Conte khởi xướng và thêm 400 triệu euro tem miễn phí thực phẩm, nhiều người vẫn coi những biện pháp hỗ trợ là không đủ.

"Mafia là những kẻ luôn chiêu mộ những người đang khó khăn”, ông Varese nói và khẳng định rằng: "Cuộc chiến chống mafia để có hiệu quả cũng phải bao gồm các chính sách xã hội làm mất đi sự hỗ trợ mà mafia có thể có trong cộng đồng. Các chính sách như vậy phải đến từ chính phủ".

Mafia Italy trỗi dậy bằng chiến lược mềm thời phong toả  - Ảnh 2.

Một giỏ hàng quên góp từ thiện đặt bên đường ở Naples, Italy ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

"Mafia không chỉ là tổ chức tội phạm. Chúng là những tổ chức khao khát cai quản lãnh thổ và thị trường. Những người chỉ trích thường tập trung vào khía cạnh tài chính của mafia nhưng lại có xu hướng quên rằng sức mạnh của chúng đến từ việc có một cơ sở ở địa phương để vận hành" - Giáo sư tội phạm học Federico Varese nói.

Theo tờ Guardian, phân phát thực phẩm là một chiến thuật lâu đời như chính mafia. Ở miền Nam Italy, các ông trùm mafia thường thể hiện với người dân như một nhà hảo tâm, ban đầu không đòi hỏi bất cứ điều gì đổi lại. Họ biết rõ rằng để cai trị, họ cần phải chăm sóc người dân trong lãnh địa của mình. Và các ông trùm biết rằng sau đó họ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của các gia đình này khi cần thiết, chẳng hạn như khi tài trợ cho một chính trị gia trong cuộc bầu cử.

Thời điểm thích hợp để "đầu tư"

Federico Cafiero De Raho, công tố viên chống mafia quốc gia Italy, cảnh báo rằng "sự đồng thuận xã hội là một phần trong kế hoạch bành trướng của mafia". Trả lời phỏng vấn Reuters, ông De Raho nói rằng gia tộc Camorra đang phân phối thực phẩm cho các gia đình thiếu thốn và cung cấp các khoản vay mà một ngày nào đó chỉ có thể được thanh toán thông qua làm việc cho mafia. "Camorra biết đây là thời điểm thích hợp để đầu tư," ông De Raho nói.

Diego Gambetta, tác giả của một số cuốn sách về tội phạm có tổ chức, bao gồm Mafia Sicilia, nói với tạp chí Newsweek rằng việc công khai "giúp đỡ kẻ yếu" là nhằm nâng cao danh tiếng của các tổ chức tội phạm như là "những người bảo vệ chân chính".

"Nhiều thông tin cho thấy trong những lúc cần, người dân sẽ hỗ trợ lại những người từng giúp mình trong quá khứ, đó là một công cụ 'thiết lập lòng tin' cho các dịch vụ tương lai”, ông Gambetta giải thíc và cảnh báo trước việc không nên vội vàng kết luận đâu là những hành động kiểu mua chuộc người nghèo, hay việc mafia có đang hỗ trợ cho một “căn cứ địa” của chúng.

Ông nói: "Những cử chỉ vĩ đại và tiếng vang đạt được có thể giúp cân bằng danh tiếng có lợi cho các nhóm này, khiến nhà nước có vẻ như bất cần và không quan tâm, qua đó khuyến khích người dân dựa vào sự bảo trợ từ địa phương. Tuy nhiên, tình hình liên quan đến đại dịch đang quá hỗn loạn để đưa ra dự đoán vào lúc này".

"Một USD bây giờ được cho đi mang lại lòng trung thành và biết ơn lớn hơn so với một USD chi tiêu trong thời kỳ yên bình", ông Gambetta nói.

Tội phạm cướp bóc trỗi dậy

Mặc dù khu vực phía Nam của đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như miền Bắc, nhưng khu vực này đã rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế tồi tệ hơn. CGIA Mestre, một hiệp hội doanh nghiệp nhỏ có trụ sở tại Venice, đã báo cáo rằng có 76.000 cửa hàng hoạt động tại Sicily vào năm 2009; đến năm 2019 con số đó giảm xuống còn 69.000. Bây giờ thì thêm hàng ngàn cửa hiệu đã đóng cửa vĩnh viễn.

Trên khắp Calabria, Sicily và Puglia, tình trạng thất nghiệp đang gia tăng. Ở Palermo, 50.000 cư dân không có thu nhập. Một người dân ở Palermo đã đăng một video lên mạng xã hội quay cảnh anh ta ngồi bên con gái đang ăn một lát bánh mì phết Nutella, với lời nhắn gửi tới Thị trưởng Leoluca Orlando: "Nếu con gái tôi không có bánh mì để ăn, chúng tôi sẽ đi cướp các siêu thị".

Không lâu sau, Thị trưởng Orlando đã cảnh báo về tình trạng bất ổn vượt ra ngoài tội phạm có tổ chức, đặc biệt là những người hoạt động tội phạm vặt để kiếm sống. Sau đó ông đề nghị chính quyền trung ương thiết lập chính sách thu nhập cơ bản vì lo ngại "các nhóm tội phạm có thể thúc đẩy hành vi bạo lực".

Một nhóm như vậy trên Facebook, có tên "Cách mạng quốc gia", được thành lập vào ngày 25/3, nhanh chóng thu hút 2.600 thành viên, đã kêu gọi đi cướp phá các chợ tạp hoá ở địa phương.

"Đối tượng đằng sau nhóm này là những gã từng kiếm sống bằng cách cướp tư gia và trộm cắp cửa hàng thời chưa phong toả", một nguồn tin giấu tên từ đơn vị Digos Sicily, đội cảnh sát chống khủng bố của Italy, nói với tờ The Guardian. "Trong khi một số hoạt động tội phạm vẫn đang ở chế độ ‘chờ’ do lệnh phong toả, các cửa hàng duy nhất mở cửa để cướp là siêu thị và hiệu thuốc".

Một nhóm khoảng 15 người đã xông vào một cửa hàng tạp hóa Lidl trong thành phố, chất đầy hàng lên xe rồi từ chối trả tiền. Gần đó, các chủ doanh nghiệp nhỏ bị buộc phải phát không thực phẩm và đồ dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại