“Made in China”: Chủng virus corona mới đã làm dấy lên làn sóng phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc như thế nào?

Huyền Chi |

Theo tờ South China Morning Post, trong lúc người dân Singapore tụ họp dịp Tết cổ truyền vừa qua, những câu nói đùa thường thấy là về thói quen ăn uống cùng xu hướng ăn “mọi thứ có 4 chân chỉ trừ cái bàn và mọi thứ bay được chỉ trừ máy bay” của người Trung Quốc đã gây ra sự lây lan của chủng virus corona mới.

Nhiều nước “cấm cửa” du khách Trung Quốc

Có một meme xuất hiện khá phổ biến trên mạng trong mấy ngày gần đây rằng không có gì cần phải lo ngại về dịch bệnh hiện tại –chủng virus corona mới sẽ không thể tồn tại lâu bởi nó “made in China”.

Những câu nói đùa này, mang hơi hướng phân biệt chủng tộc, đã bắt đầu lan rộng ngay từ khi Singapore ban hành lệnh cấm du khách Trung Quốc đến nước họ. Thậm chí một thỉnh cầu thư đăng tải trên trang change.org từ ngày 26/1/2020 đã nhận được 118.858 chữ ký, trong đó nhiều người kêu gọi ưu tiên vấn đề sức khỏe thay vì những đồng tiền kiếm được từ ngành du lịch Singapore. Ông Ian Ong, một trong số những người ký tên, viết: “Chúng ta không phải những người ăn chuột hay dơi, bởi vậy không nên chịu chung với họ”.

Chứng sợ hãi người Trung Quốc đại lục cùng thói quen ăn uống của họ đã lan rộng khắp thế giới kể từ khi những trường họp nhiễm chủng virus corona 2019 (2019-nCoV) xuất hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Chủng virus này giờ đã lây nhiễm cho hơn 7.800 người, phần lớn là ở Trung Quốc đại lục, và hơn 170 người tử vong. Tính ở khu vưc châu Á đã có hàng chục trường hợp nhiễm – trong đó có 10 người ở Singapore và 7 người ở Malaysia.

Một số quốc gia, trong đó có Philippines, đã ngừng cấp thị thực đối với tất cả công dân Trung Quốc. Papua New Guinea thậm chí còn đi xa hơn khi đóng cửa cảng hàng không, cảng biển với tất cả du khách đến từ khu vực châu Á.

Ở Malaysia, xuất hiện nhiều lời kêu gọi cấm cửa du khách Trung Quốc, trong khi mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết nói rằng đợt dịch lần này là “sự trừng phạt” dành cho Trung Quốc vì cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ – theo SCMP. Một số nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia không tiếp du khách nước ngoài.

Ở Nhật Bản, một cửa hiệu tọa lạc tại một thị trấn ven núi còn cắm một tấm biển bên ngoài ghi rằng: “Người Trung Quốc không được phép vào cửa hiệu. Tôi không muốn phát tán virus”. Sự việc khiến cơ quan quản lý du lịch Nhật Bản phải đưa ra lời xin lỗi.

Bắt đầu từ chiều ngày 29/1, Singapore đã cấm cửa tất cả du khách từng đến tỉnh Hồ Bắc trong vòng 14 ngày qua, hoặc những người sở hữu hộ chiếu được cấm ở tỉnh này. Malaysia cũng ngừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc đến từ tỉnh Hồ Bắc.

Chính phủ Singapore cho hay họ ban hành lệnh cấm này là phù hợp với xu hướng toàn cầu, trong đó cho thấy phần lớn các ca nhiễm là người dân đã từng tới tỉnh Hồ Bắc, và họ chỉ muốn ngăn chặn sự lây lan của chủng virus corona tới Singapore.

Nỗi sợ hãi về thói quen ăn uống của người Trung Quốc

“Made in China”: Chủng virus corona mới đã làm dấy lên làn sóng phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Wang Mengyun, người nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc, trong một đoạn video ăn món canh dơi (Ảnh: SCMP)

Tình trạng phân biệt này thậm chí lan sang cả châu Âu. Sam Phan, một sinh viên tốt nghiệp, đã viết cho tờ The Guardian của Anh về việc một người đàn ông trên xe buýt ở thủ đô London đã lập tức đứng dậy ngay khi anh ngồi xuống ghế bên cạnh. “Điều này khiến tôi cảm thấy như mình là một phần của mối đe dọa hay một con bệnh. Việc coi tôi như người mang virus trong mình chỉ bởi sắc tộc của tôi, đó chính là phân biệt chủng tộc” – người này viết.

Ở Canada, website BlogTo của Toronto nói rằng tình trạng bệnh dịch hiện nay cũng liên quan tới thực phẩm Trung Quốc, nhấn mạnh rằng điều này giống với đợt dịch SARS năm 2003 từng khiến 8.000 người nhiễm và gần 800 người thiệt mạng trên toàn thế giới. Trang web này còn đưa ra một số bình luận phân biệt chủng tộc trong một bài đăng tải trên tài khoản Instagram của họ về một nhà hàng mới mở ở Trung Quốc, trong đó kêu gọi thực khách tránh nhà hàng này bởi “có thể có những bộ phận của loài dơi trong trong các món ăn”.

Bình luận này phần nào có liên quan tới một đoạn video trong đó có một ngôi sao trên mạng xã hội Trung Quốc đang ăn món canh dơi. Một số cư dân mạng bình luận rằng đoạn video trên là bằng chứng cho thấy thói quen ăn uống “đáng sợ” của người Trung Quốc, mặc dù đoạn video thực tế được quay cách đây 3 năm tại Palau, một quốc đảo nằm trên Thái Bình Dương nơi súp dơi là món đặc sản.

Hiện chưa rõ làm thế nào mà chủng virus corona mới lây từ động vật sang người, nhưng trước đó đa phần ý kiến cho rằng nó bắt nguồn từ chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán. Đây là khu chợ diễn ra các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, từ cáo cho đến sói con, từ những chú kỳ giông khổng lồ, công cho tới nhím…

Tuy nhiên, trong vài ngày qua, một số báo cáo cho thấy khu chợ trên chưa hẳn đã là nơi bắt nguồn của chủng virus mới.

Tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet ngày 24/1 đăng tải bài viết nói rằng các trường hợp lâm sàng đầu tiên, 13 trên 41, không có mối liên hệ nào tới khu chợ ở Vũ Hán.

“Made in China”: Chủng virus corona mới đã làm dấy lên làn sóng phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Khu chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc có khả năng không phải nơi bắt nguồn của chủng virus corona mới (Ảnh: SCMP)

Bệnh nhân đầu tiên xuất hiện triệu chứng vào ngày 1/12/2019, có nghĩa rằng việc virus lây sang người phải diễn ra từ tháng 11/2019 bởi khoảng thời gian ủ bệnh là 2 tuần lễ. Các nhà nghiên cứu nói rằng chủng virus này có thể đã lan rộng ở Vũ Hán từ rất lâu trước khi chính quyền phát hiện và công bố dịch.

Tương tự, bộ gien của chủng virus này đã được trích xuất nhưng các nhà nghiên cứu không dám chắc rằng nó đến từ loài dơi – như virus gây bệnh SARS trước đây – hay rắn. Thế nhưng giới chuyên gia cho rằng vấn đề ở đây không phải là do thịt của loài động vật nào đã khiến virus lây lan, mà do cách chế biến của người đầu bếp cùng các điều kiện vệ sinh trong lúc chuẩn bị món ăn.

“Đầu bếp chính là người chịu rủi ro nhất” – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam của Singapore nói, thêm rằng bất cứ ai cũng có thể bị lây virus từ động vật.

“Đây chỉ là vấn đề một người nào đó không may nhiễm phải loại virus này. Nó có thể xảy ra với những người đang nghiên cứu virus, hoặc một người tiếp xúc với loài dơi trong lúc không may” – ông Leong nói, nhắc tới một trường họp tương tự ở Melaka, Malaysia khi một con rơi bay vào một ngôi nhà khiến một người đàn ông 39 tuổi cùng gia đình ông nhiễm bệnh.

Nhiều nước cảnh báo về tình trạng phân biệt

“Made in China”: Chủng virus corona mới đã làm dấy lên làn sóng phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Singapore Lawrence Wong và Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã cảnh báo về “chứng sợ hãi” đối với người Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Việc mô tả chủng virus corona mới như một vấn đề của người Trung Quốc cũng giống như việc “đối phó với vấn đề này bằng một cái búa tạ, và là nhằm vào người Trung Quốc thay vì giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm” – Tan Ern Ser, chuyên gia xã hội học tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.

Nhà xã hội học Laavanya Kathiravelu thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) nói rằng: “Trong làn sóng sợ hãi hiện ny, Trung Quốc bỗng dưng bị xem là một nước thiếu thốn nguồn lực dành cho người dân trong nước, và không văn minh. Rộng hơn, điều này thể hiện một định kiến cũ kỹ cho rằng người Trung Quốc không sạch sẽ, vệ sinh kém và thói quen ăn uống không lành mạnh” – bà Kathiravelu nói.

Thậm chí các Bộ trưởng trong nội các của Singapore cũng phải lên tiếng vì vấn đề này.

Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Singapore Lawrence Wong, người lãnh đạo một lực lượng mới được thành lập để đối phó với chủng virus mới, hôm đầu tuần này nói: “Tôi đảm bảo với người dân Singapore rằng chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân và đất nước Singapore. Nhưng điều này không có nghĩa là phải hành động thái quá, hay tệ hơn là nảy sinh chứng sợ hãi”.

Nhà soạn kịch người Singapore Zizi Azah, hiện đang ở New York, nói rằng việc gắn chủng virus mới với một chủng tộc là rất phi lý. “Bệnh tật thì không phân biệt vùng miền hay chủng tộc mà không may thì bị nhiễm mà thôi” – bà nói.

Mohamed Imran Mohamed Taib, giám đốc Trung tâm Interfaith Understanding, cũng cảnh báo về hậu quả của việc phân biệt người Trung Quốc. “Đây không phải một vấn đề do Trung Quốc; thực tế những người Trung Quốc bị nhiễm chỉ là ngẫu nhiên, chứ bản thân họ không phải nguyên nhân gây ra bùng phát dịch và sự lan rộng của virus. Virus mới hoàn toàn có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, như Ebola bùng phát ở Congo hay MERS bùng phát ở Arab Saudi” – ông nói.

Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Y Kung hôm đầu tuần cũng kêu gọi sự cảm thông với người dân Trung Quốc, nói rằng người Singapore chắc chắn cũng khó chịu khi các nước khác yêu cầu trục xuất người Singapore khỏi nước họ khi dịch SARS hoành hành trước đây.

“Chúng ta là một trung tâm quốc tế, chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những dịch bệnh như vậy. Bởi vậy tôi muốn nói rằng, chúng ta không nên hành xử tệ với người khác nếu không muốn người khác cũng hành xử tệ vứi mình. Tất ca chúng ta cần phải giải quyết vấn đề”.

Ở Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamed nêu rõ rằng chính phủ không hề ra chỉ thị cho các nhà thờ Hồi giáo đóng cửa với du khách.

“Đây không phải chính sách của chính phủ và nó là một hành động vô trách nhiệm” – ông nói trong hôm 29/1, cảnh báo về luồng thông tin giả có thể làm dấy lên căng thẳng sắc tộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại