Ở độ tuổi 24, cái tuổi đang phơi phới thanh xuân với bao hoài bão, mơ ước thì Stefanie Joho đã phải trải qua 2 lần đại phẫu và 2 đợt điều trị hóa trị với mong muốn duy trì sự sống. Tuy nhiên, chịu bao đau đớn như vậy nhưng các bác sĩ cũng lắc đầu bó tay trước căn bệnh ung thư ruột kết mà Stefanie đang mang trong mình, rồi họ cho cô về nhà.... chờ chết.
Nhưng không chấp nhận bản án "tử hình", Stefanie đã tới rất nhiều trung tâm ung thư ở Mỹ để tìm liệu pháp chữa trị. Trời không phụ lòng người, cuối cùng cô cũng tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh ung thư của mình tại trung tâm ung thư Kimmel, thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Đó là liệu pháp miễn dịch ung thư.
Stefanie được chẩn đoán ung thư ruột kết vào năm 2013.
Stefanie nói rằng cô được chẩn đoán mắc ung thư ruột kết vào năm 2013 nhưng chưa bao giờ cô nghe tới liệu pháp miễn dịch cho tới khi đến trung tâm ung thư Kimmel. Lúc đó cô nghĩ rằng đây có thể là cơ hội sống sót cuối cùng của mình và cô đã tham gia vào cuộc thử nghiệm.
Giờ đây cô đã khỏe mạnh, thoát khỏi căn bệnh ung thư đáng sợ kia và Stefanie cho rằng cô cần chia sẻ với mọi người những điều mà cô đã học được để đối mặt với bệnh ung thư.
Chúng ta biết càng nhiều, cơ hội sống sót càng lớn
Trong những giây phút tuyệt vọng, chúng ta thường phó mặc cho bác sĩ và mong muốn có ai đó dìu dắt ta qua đoạn đường khó khăn này. Nhưng không, không ai hiểu bạn hơn chính bạn.
Stefanie nói rằng, khi bắt đầu vào cuộc điều trị ung thư, cô rất lo sợ trước những lời nói của bác sĩ và đã đưa ra vài quyết định sai lầm mà đến giờ nghĩ lại cô vẫn cảm thấy hối hận. Đó là Stefanie tới tất cả các cuộc hẹn và đồng ý ngay với những yêu cầu của bác sĩ mà không hề cân nhắc gì.
Nhưng khi khối u phát triển trở lại và các phương pháp điều trị đều thất bại, Stefanie nhận ra rằng kiến thức và sự hiểu biết chính là cơ hội để cô sống sót, vì vậy cô đã quyết tâm thay đổi bản thân mình. Cô tìm thông tin về bệnh trên internet. Cô không chỉ trở thành một "chuyên gia" về bệnh ung thư ruột kết mà còn hiểu rõ về tình trạng chung bệnh ung thư ngày nay.
Cô khuyên mọi người nên trang bị kiến thức cho mình, không nên tin tưởng mù quáng, suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định và trao đổi bệnh tình thẳng thắn với bác sĩ.
Đặt câu hỏi không phải là rắc rối
Có lẽ bạn cho rằng một người "bệnh nhân tốt" là người không bao giờ đặt câu hỏi. Nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm. Đừng ngại nói lên những điều bạn đang thắc mắc. Cuộc sống của bạn phụ thuộc vào điều đó.
Điều bạn cần làm là lên lịch hẹn với bác sĩ với những câu hỏi đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó. Nếu không thể nhớ được, bạn hãy ghi chúng ra một cuốn sổ. Hãy nhớ rằng: Bạn đang chiến đấu cho cuộc sống của bạn. Hãy suy nghĩ, quan tâm và lắng nghe cơ thể mình.
(Ảnh minh họa).
Trở thành chuyên gia cho chính mình
Hiểu rõ quá trình thay đổi của bản thân sẽ giúp ích trong việc điều trị rất nhiều. Bên cạnh đó, bạn nên hỏi bác sĩ và hiểu rõ về các xét nghiệm mà bạn thực hiện. Càng hiểu rõ, chi tiết, cụ thể thì bạn càng có nhiều cơ hội để tiếp cận với phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Nói lại với bác sĩ về các tác dụng phụ xảy ra
Những tiến bộ đáng kinh ngạc trong điều trị ung thư đã tạo ra nhiều thách thức mới cho các bác sĩ, đặc biệt là cách xác định các phản ứng phụ. Bởi vì đây là các phương pháp điều trị mới, bác sĩ của bạn sẽ không thể biết rõ các phản ứng phụ có thể xảy ra như liệu pháp hóa trị và xạ trị.
Chẳng hạn như liệu pháp miễn dịch hoàn toàn khác với điều trị truyền thống. Liệu pháp miễn dịch sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân trong khi đó điều trị truyền thống lại tấn công vào các tế bào ung thư. Việc kiểm soát sớm các phản ứng phụ có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Vì vậy, tốt nhất bạn hãy lắng nghe cơ thể mình và nói lại cho bác sĩ biết về bất kỳ thay đổi nào để có biện pháp điều trị và chăm sóc tốt nhất.
Các thử nghiệm lâm sàng không phải cách cuối cùng
Các lộ trình điều trị đang được thay đổi nhanh chóng và thường xuyên, việc tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến đòi hỏi phải thực hiện một thử nghiệm lâm sàng.
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng thử nghiệm lâm sàng là lựa chọn cuối cùng khi các cách khác đều không có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế các thử nghiệm lâm sàng sẽ hỗ trợ trong việc tiếp cận phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu nhất. Và liệu pháp miễn dịch đang dần trở thành phương pháp điều trị ung thư hàng đầu.
Cô Stefanie nói rằng: "Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau bằng cách chia sẻ và tham gia vào các thử nghiệm lầm sàng. Bệnh nhân là đối tác của khoa học và là một phần quan trọng trong việc điều trị cũng như bác sĩ vậy".
(Ảnh minh họa).
Ung thư không chỉ là một căn bệnh về thể chất
Khi mắc bệnh, điều quan trọng là bạn cần kiểm soát cảm xúc và tinh thần của bạn. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp, hỗ trợ từ các trung tâm khác. Hiện nay có rất nhiều trung tâm tham vấn và điều trị tâm lý, giúp bệnh nhân có tâm lý tốt hơn, có ý chí chiến đấu chống lại bệnh tật.
Hy vọng chính là cuộc sống
Stefanie nói: "Tôi tin vào hy vọng. Nó cứu cuộc sống của tôi. Khi bạn từ bỏ hy vọng thì cơ thể sẽ không còn lý do gì để tiếp tục chiến đấu chống lại bệnh tật". Nếu bạn đang "thả trôi" hy vọng thì bạn hãy nhớ rằng: "Bạn không hề đầu hàng trước các phương pháp điều trị mà chính nó đã khiến bạn phải dừng lại".
Tất nhiên, bác sĩ sẽ rất khó khăn khi phải nói sự thật với bệnh nhân của họ. Tuy nhiên, nếu bác sĩ không thể tiếp thêm hy vọng sống cho bạn được nữa thì bạn hãy đi tìm hy vọng sống trong chính con người của bạn và từ những người thân luôn bên cạnh bạn.
Không ai có thể "đơn thân" mà vượt qua bệnh tật
Ung thư không phải là một "chuyến đi" mà bạn có thể tự bước một mình. Mọi người và các chuyên gia sẽ luôn bên bạn và làm thay đổi "chuyến đi" đó. Họ sẽ tiếp thêm sức mạnh khi bạn cảm thấy yếu đuối nhất.
Stefanie nói rằng em gái cô - Jess - thường xuyên phải trò chuyện cùng cô. Em gái cô hiểu rõ những mối bận tâm của cô và biết rõ điều gì là tốt nhất cho cô.
Để chiến thắng số phận, bạn cần có người thân ở bên để chăm sóc và lắng nghe bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần vượt qua được rào cản của mình để cởi mở nói về những thay đổi diễn ra trong cơ thể bạn, từ đó bạn mới có cơ hội sống sót.
*Theo Scmp, Cancer