Hai tháng kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 tại Hà Nội kết thúc, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh với Nga theo đúng như dự kiến.
Tại thành phố Vladivostok, ngày 25/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về các vấn đề cả hai nước đang quan tâm như phi hạt nhân hóa và hợp tác kinh tế.
Theo DongA Ilbo, so với Nga - nước đã có bước tiếp cận Triều Tiên rất nhanh sau kỳ thượng đỉnh tại Hà Nội, thì Trung Quốc - được cho là đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng - lại không có bất kì động tĩnh nào.
Ngày 18/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, "quá trình giải quyết chính trị về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên đang ở trong giai đoạn quan trọng và hi vọng các nước liên quan, đặc biệt là Triều Tiên và Mỹ sẽ cùng nhau đối diện và đi đến đối thoại".
Trước đó, hồi đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un đã gặp nhau lần thứ 4 tại Trung Quốc, trước thời gian diễn ra thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Về vấn đề này, DongA Ilbo dẫn lời Giáo sư Lee Jung-nam của Đại học Hàn Quốc nhận định: "Trung Quốc đang hành động như một người quan sát về vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên vào thời điểm hiện tại và không bị ảnh hưởng gì".
Ông này cho rằng, Trung Quốc chỉ là "không muốn" chứ không phải là "không thể" và Chủ tịch Tập Cận Bình đang cân nhắc quan điểm về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên giữa những thách thức ở cả trong và ngoài nước.
Trên thực tế, Trung Quốc đang tiến hành đối thoại giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ tại Bắc Kinh và Washington vào tuần tới. Vào cuối tháng tới hoặc đầu tháng 6, nhà lãnh đạo của cả hai nước sẽ đàm phán cấp cao với mục đích kí kết các hiệp định thương mại.
Giữa lúc này, hội nghị thượng đỉnh Vành đai và con đường được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 25-27/4 với sự tham gia của nhiều lãnh đạp cấp cao và các tổ chức thế giới tham dự.
Ngày 29/4, Giáo sư thỉnh giảng trường Đại học Hàn Quốc Nam Seong-uk đánh giá, "Trung Quốc đang bận rộn tiến hành một sự kiện quốc tế với sự tham gia của 36 quốc gia và dường như không có thời gian để bận tâm đến các vấn đề khác như Triều Tiên".
Ông này nhấn mạnh, Trung Quốc hiện đang tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên nhằm giảm thiểu xung đột với Mỹ vì vấn đề của Triều Tiên.
Tuy nhiên, Giáo sư Vương Tuấn Sinh - Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã phản bác: "Trung Quốc đang tích cực để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên".
"Chúng tôi [Trung Quốc] hướng đến đối thoại trực tiếp Mỹ -Triều nhưng gặp phải một số khó khăn trên thực tế và đang tự hỏi không biết Trung Quốc đóng vai trò gì trong cuộc đối thoại này", ông Vương cho biết, vấn đề mà Mỹ và Triều Tiên gặp phải là tiến hành đối thoại các cấp trong bối cảnh đưa ra định nghĩa khác nhau về phi hạt nhân hóa và sự thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông này cũng cho rằng, Trung Quốc đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Bắc Kinh muốn thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên nhưng lại đang trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ.