Tham vọng của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc
Vào 2014, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc CRRC đã giành được hợp đồng trị giá 566 triệu USD để xây dựng 400 toa tàu điện ngầm tại thành phố Boston, vượt qua các đối thủ như Bombardier (Canada), Kawasaki Heavy Industries (Nhật Bản) và Hyundai Rotem (Hàn Quốc) với mức giá cạnh tranh và cam kết sẽ sản xuất các con tàu này ngay tại Massachusetts.
Dự án tại Boston đã đánh dấu sự hiện diện của CRRC vào thị trường Mỹ, quốc gia hiện chưa có công ty nội địa sản xuất tàu chở khách. CRRC sau đó tiếp tục giành được các hợp đồng ở Philadelphia, Los Angeles và Chicago, nơi công ty Trung Quốc mới vừa mở một nhà máy sản xuất tàu, nâng tổng giá trị hợp đồng tại Mỹ của CRRC lên tới 2,6 tỷ USD.
Trong khi đó, các lãnh đạo CRRC không hề giấu diếm tham vọng tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. "3 mục tiêu chính của CRRC là hoạt động trên quy mô đa quốc gia, giữ vị trí lãnh đạo công nghệ thế giới và sử dụng công nghệ cao", Cui Dianguo, cựu chủ tịch CRRC nói trong bài phát biểu vào 2015.
Một dòng tweet của CRRC đã bị xoá nhưng vẫn gây chú ý:"Đến nay, 83% toàn bộ sản phẩm đường sắt trên thế giới được vận hành bởi CRRC hoặc do CRRC sản xuất. Sẽ tốn bao lâu để chúng ta kiểm soát 17% còn lại?"
Vào tháng 5/2017, Rail Security Alliance, một nhóm vận động hành lang đại diện cho ngành công nghiệp vận tải Mỹ, đã gửi một lá thư tới Văn phòng Công nghiệp và An ninh, một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, để lưu ý về hoạt động của CRRC tại nước này.
"Trung Quốc đang nhắm tới ngành đường sắt vận tại của Mỹ, và bước đầu tiên là tiến vào hoạt động lắp ráp tàu đường sắt ở Mỹ", nhóm này nói.
Sẽ cấm công ty Mỹ làm ăn với công ty đường sắt Trung Quốc?
Quan điểm này của Rail Security Alliance nhận được sự chia sẻ từ nhiều nghị sĩ ở Washington, vốn đang ủng hộ sự cứng rắn của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trugn Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có hoạt động gián điệp và trợ cấp doanh nghiệp không công bằng.
Washington, hiện đang xem sự hiện diện của CRRC tại thị trường Mỹ như một mối đe doạ an ninh quốc gia, dự kiến sẽ thông qua một đạo luật trong năm nay để cấm các nhà sản xuất xe bus và đường sắt Trung Quốc làm ăn với công ty Mỹ, tương tự như những gì đã xảy ra với Huawei và ZTE trong 2018.
Các nhà lập pháp ủng hộ quan điểm này cho rằng sự mở rộng hoạt động của CRRC tại Mỹ đang tạo ra nguy cơ đối với ngành công nghiệp trong nước, một số thậm chí lo ngại các con tàu do Trung Quốc sản xuất sẽ được sử dụng trong cuộc chiến tranh mạng.
Hiện dự luật này đã nhận được sự ủng hộ từ Nhà Trắng, và khi được thông qua, sẽ cấm CRRC kí kết các hợp đồng tại Mỹ trong tương lai.
"Trung Quốc đã nêu rõ ý định muốn xoá bỏ ngành sản xuất tàu đường sắt của Mỹ trong kế hoạch "Made in China 2025" của họ. Vấn đề an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ đòi hỏi việc chúng ta cần chỉ rõ các hành động của Trung Quốc trong việc muốn kiểm soát những ngành công nghiệp đã tạo nên sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ", nghị sĩ đảng Dân chủ Tammy Baldwin, người đồng chủ trì đạo luật sẽ cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án đường sắt ở Mỹ, nói.
Kế hoạch của CRRC trong việc hợp tác với Cơ quan Vận tải New York cũng khiến nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo Đảng dân chủ tại Thượng viện Mỹ, lo lắng.
"Với những hiểu biết của chúng ta về chiến tranh mạng, cũng như những vụ tấn công gần đây đã ảnh hưởng tới các trạm chung chuyển và cơ sở hạ tầng giao thông trên toàn nước Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ cần tiến hành kiểm tra chặt chẽ các đề xuất hay những dự án của CRRC", Schummer nói vào tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, Vince Conti, giám đốc của nhà máy sản xuất CRRC tại Springfield cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ. Conti cũng giải thích CRRC không sản xuất các phần mềm, hay có khả năng can thiệp vào chúng. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu về an ninh tại RAND Corp Timothy Heath cho rằng mọi thứ đều có khả năng xảy ra.
"Trung Quốc có động cơ để làm điều đó. Tôi lo rằng nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đi xuống một mức nào đó, chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu các công ty của họ thực hiện những hoạt động để phá hoại hoặc thu thập thông tin tình báo".
"Tương tự như với Huawei. Chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy Huawei đang thực hiện các hành vi bất chính vào lúc này, nhưng tất cả đều biết họ là công ty Trung Quốc, và có đạo luật tại Trung Quốc yêu cầu Huawei và những công ty khác hợp tác với cơ quan an ninh quốc gia trong bất kỳ tình huống nào, và thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào theo kiến nghị của chính phủ," Heath nói.