“Mọi người ơi cứu gia đình bạn giúp em với”, gần 23h ngày 9/9, một đề nghị khẩn thiết được đăng tải lên nhóm OFFB, cho biết một gia đình có 4 trẻ em (trong đó 1 cháu mới sinh), một cụ già 96 tuổi và 3 người lớn đang mắc kẹt trong ngôi nhà đã ngập hết tầng 1 ở thành phố Thái Nguyên. Khu vực này nước sâu, chảy mạnh nên họ đã chờ rất lâu nhưng chưa gọi được cứu hộ.
“Nước sắp ngập lên tầng 2 rồi ạ”, tác giả bài đăng lo lắng viết.
Đây chỉ là một trong rất nhiều lời cầu cứu được gửi lên không gian mạng từ các địa phương ngập lụt có mực nước lên quá nhanh, như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai.
Tại thành phố Thái Nguyên sáng 9/9, lũ trên sông Cầu vượt mức báo động khẩn cấp hơn 1 mét, 17 xã phường nằm ven sông bị ngập sâu, nước tràn lên nhiều tuyến đường chính, tỉnh phải cấm một số tuyến đường và tổ chức di dời 1.200 hộ dân. Tuy nhiên do nước vẫn tiếp tục dâng, công an, quân đội và các lực lượng chức năng nỗ lực tối đa để đưa dân đến nơi an toàn, họ vẫn không thể hỗ trợ tất cả mọi người cùng lúc. Lo lắng khi cho sự an toàn của bản thân và gia đình khi tình hình mưa lũ vẫn đáng ngại, nhiều người lên Facebook, Zalo và các nền tảng khác để cầu cứu.
"Khẩn cầu cứu hộ xuống giúp đỡ khu vực Văn Thánh, phường Đồng Bẩm, bà con rất cần thuyền cứu hộ xuống cứu giúp. Nước ngập hết nóc nhà" , chị Minh Xuyên, sống tại phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên, chia sẻ trên Facebook. Chị cho biết gia đình đã gọi vào các số điện thoại của lực lượng chức năng nhưng có lẽ vì họ đều đang quá tải nên chưa liên lạc được, vì thế cả nhà rất hoang mang, lo sợ.
Những thông điệp trên được người thân, bạn bè, đồng hương và các cư dân mạng khác tiếp tục lan truyền, đưa vào các hội nhóm đông người để tăng cơ hội giải cứu kịp thời những người mắc kẹt trong vùng ngập. Cùng với đó, hình ảnh, video về những ngôi nhà chìm trong nước lũ, những người dân phải lên nóc nhà để tránh nước... khiến đồng bào của họ đang sống ở những vùng an toàn hơn vừa xúc động, thương xót vừa lo lắng.
Tình trạng mắc kẹt do mưa lũ đặt ra một thách thức lớn đối với các lực lượng cứu hộ địa phương. Nhiều đội cứu hộ phản ánh rằng họ đang phải đối diện với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về phương tiện cứu hộ và nhân lực. Nhiều nơi sóng điện thoại mất, lưới điện bị cắt đứt khiến cho việc liên lạc trở nên hết sức khó khăn.
Chị Nguyễn Hoàng Nga (sống tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái) chia sẻ trên Facebook, nhà chị ở ngay mặt đường, thấy rõ bên ngoài có nhiều cano và lực lượng cứu hộ nhưng sau nhiều lần vẫy tay xin trợ giúp vẫn chưa được ứng cứu vì còn nhiều tình huống khẩn cấp hơn cần họ đến ngay. "Họ giải thích rằng sẽ ưu tiên nhưng khu vực nhà thấp, bị ngập sâu hơn, nên phải nhường ca nô cứu trợ cho người già và trẻ em cần giúp đỡ hơn ", chị kể.
Trước tình trạng trên, cộng đồng mạng đã nhanh chóng phản ứng để giúp đỡ bà con. Ngoài việc chia sẻ thông điệp cầu cứu, nhiều người còn cố gắng liên lạc với các tổ chức từ thiện, các nhóm tình nguyện đang hoạt động tại địa phương để kêu gọi hỗ trợ. Họ cũng đăng tải số điện thoại các đội cứu hộ của các cơ quan chức năng và các nhóm tình nguyện cho những người có thể cần.
Đặc biệt, nhiều nhóm thiện nguyện có kế hoạch gửi xuồng, ca nô, áo pháo... đến những địa phương ngập nặng để góp phần hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn của người dân.
Đường dây nóng Phòng chống thiên tai, Cứu hộ cứu nạn ở Thái Nguyên
Số điện thoại đường dây nóng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thái Nguyên: 02083737113.
UBND huyện Đồng Hỷ: 0979705747
UBND TP. Phổ Yên: 0915210808
UBND huyện Phú Bình: 0915548858
UBND huyện Phú Lương: 0989864002
UBND huyện Võ Nhai: 0914748858
UBND TP. Sông Công:0912700905
UBND huyện Định Hóa: 0912708957
UBND TP. Thái Nguyên: 0974228333
UBND huyện Đại Từ: 0977904777
Đường dây nóng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở Yên Bái
Số điện thoại đường dây nóng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tỉnh Yên Bái: 02163852707
Cấp cứu: 02166250505