Nội bộ Trung Quốc "lục đục": Chính phủ quyết "đánh", thương nhân xin cầu hòa

Tất Đạt |

Chiến tranh thương mại đã tạo ra những ngã rẽ lớn đối với những người trực tiếp liên quan tới cuộc chiến này.

"Không nhất thiết phải làm tổn hại lẫn nhau"

Wu Shichun là một trong vô số những doanh nhân Trung Quốc đã làm giàu nhờ bán hàng cho khách hàng Mỹ trong 4 thập kỉ vừa qua.

Hiện tại, khi thuế quan từ chính phủ Mỹ đe dọa tước đi cơ hội làm ăn, hàng loạt doanh nhân và nhà đầu tư Trung Quốc buộc phải suy nghĩ lại về kế hoạch kinh doanh của mình.

Một trong số các công ty của ông Wu thiết kế và sản xuất sản phẩm thời trang ở Trung Quốc, sau đó bán cho người tiêu dùng Mỹ thông qua trang web Amazon.com. Một công ty khác sản xuất thiết bị hút thuốc lá điện tử có lượng khách hàng Mỹ chiếm đại đa số người tiêu thụ.

Công ty thứ ba của ông Wu khai thác kim loại để làm nguyên liệu cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, xuất khẩu 40% tổng sản phẩm tới Mỹ. Cả ba công ty trên đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan Mỹ.

"Từ bây giờ tôi sẽ phải đầu tư vào các công ty tập trung vào thị trường Trung Quốc," ông Wu, 42 tuổi, giãi bày.

"Tôi hi vọng Trung Quốc và Mỹ có thể tìm được cách để cùng phát triển. Không nhất thiết phải làm tổn hại nhau như vậy."

Chính phủ Trung Quốc đã có thái độ cứng rắn khi tổng thống Trump tăng thuế quan lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. "Nếu Mỹ muốn đối thoại, cánh cửa sẽ luôn luôn mở," kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát đi thông điệp. "Nếu Trung Quốc muốn thương chiến, chúng ta sẽ đấu tới cùng".

Trong khi đó, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế lại hi vọng Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận. Trung Quốc đã có bước phát triển đột phá một phần cũng nhờ vào sự hỗ trợ của Mỹ - đối tác ngoại giao lớn và cung cấp cho Trung Quốc những khoản đầu tư, thị trường và cả cơ hội.

Nội bộ Trung Quốc lục đục: Chính phủ quyết đánh, thương nhân xin cầu hòa - Ảnh 1.

Ông Trump và ông Tập tại Bắc Kinh ngày 11/11/2017. Ảnh: Doug Mills/The New York Times

Thậm chí, trên mạng xã hội Trung Quốc còn có một từ ghép mới để mô tả mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa Mỹ - Trung: "Chimerica" (ghép từ China-America).

Thương chiến đang nhằm trực tiếp vào các doanh nhân làm ăn nhờ mối quan hệ giữa hai nước. Nếu thuế quan tiếp diễn, các công ty Trung Quốc sẽ mất đi một thị trường khổng lồ.

Ngoài thuế quan, các "diều hâu thương mại" của chính quyền ông Trump đang theo đuổi chính sách phá vỡ mối quan hệ Mỹ - Trung. Họ cho rằng đây là mối đe dọa chiến lược lâu dài đối với kinh tế Mỹ và hi vọng các công ty Mỹ sẽ chuyển nhà máy tới các quốc gia thân thiện hơn. Bên cạnh đó, hạn chế đầu tư Trung Quốc vào Mỹ, cắt đứt các mối liên kết về giáo dục, đào tạo cũng nằm trong kế hoạch.

Hiện tại, nhiều người dân Trung Quốc đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu hai quốc gia phá vỡ mối quan hệ từ trước tới nay. Họ lo ngại Trung Quốc sẽ không thể duy trì sự tăng trưởng "kì diệu" trong bối cảnh các rào cản ngày càng khó vượt qua hơn.

"Từ khi sinh ra, thế hệ của chúng tôi đã luôn luôn chứng kiến kinh tế đất nước đi lên," Feng Dahui, một cựu nhân viên của Alibaba và là một nhà khởi nghiệp về lĩnh vực internet, viết trên WeChat.

"Chúng tôi đã trải qua cuộc cách mạng internet và tận hưởng lợi ích của toàn cầu hóa. Ngày nay, sự lạc quan đang rời bỏ chúng tôi. Mọi thứ kết thúc quá đột ngột".

Không chỉ là vấn đề kinh tế

Mối lo ngại của người dân dường như không làm chính phủ Trung Quốc "lung lay". Hầu hết các nhà phân tích chính trị đều tin rằng áp lực hiệu quả sẽ phải đến từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy vậy, các nhà khởi nghiệp vẫn chia sẻ những dự đoán về tương lai ảm đạm của nền kinh tế.

Xiao Yu - nhà sáng lập của OFashion, doanh nghiệp thương mại điện tử bán hàng hóa xa xỉ từ Châu Âu và Mỹ cho người tiêu dùng Trung Quốc - cho biết tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2018 đã chững lại bởi vì chiến tranh thương mại. Không chỉ có vậy, thị trường chứng khoán của Trung Quốc thiệt hại không nhỏ và ảnh hưởng lớn tới tâm lí người tiêu dùng.

Theo ông Xiao, thương chiến đang đe dọa kế hoạch của ông trong việc thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nhân Mỹ và đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán Mỹ.

"Là một nhà khởi nghiệp, số mệnh của chúng tôi gắn liền với Mỹ. Trung Quốc và Mỹ không cần phải căng thẳng với nhau như vậy," ông Xiao nói, hi vọng và tự tin rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận chung.

Trung Quốc và Mỹ có nhiều lí do để không tin tưởng lẫn nhau. Mỹ nói Trung Quốc đã tước đi cơ hội việc làm của hàng triệu công dân Mỹ, đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm quy định thương mại toàn cầu.

Ngược lại, Trung Quốc cho rằng thành công mà đất nước này có được là nhờ sự chăm chỉ, hi sinh, cống hiến của người dân còn chiến tranh thương mại được Mỹ phát động vì nỗi sợ phải đương đầu với sự phồn thịnh của Trung Quốc.

Nhưng các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng cả hai bên đã thu về nhiều lợi ích hơn những gì mà họ thừa nhận.

Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài đã ủng hộ cho những "người khổng lồ công nghệ" như Alibaba và Tencent trong thời gian đầu thành lập. Và nhiều công ty, nhà đầu tư Mỹ cũng thu lợi không nhỏ nhờ sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Tuy vậy, chiến tranh thương mại dường như đã vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế. Hiện tại, Mỹ muốn thay đổi pháp luật Trung Quốc và từng bước thay đổi mô hình phát triển kinh tế của quốc gia này, trong khi Trung Quốc chỉ muốn mua thêm sản phẩm Mỹ để giải quyết sự mất cân bằng thương mại.

"Những doanh nhân làm giàu từ mối quan hệ Mỹ - Trung đã buộc phải chọn ngã rẽ cho mình vào ngày 10/5. Bây giờ là lúc quyết định nên 'chơi' theo luật của Mỹ hay luật của Trung Quốc," một tác giả nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại