Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất của cơ thể, nó điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Tuyến giáp trạng tiết ra kích thích tố thyroxine, thường gọi tắt T4. Nó cung cấp các chất cần thiết cho hoạt động và điều khiển hoạt động của mọi tế bào trong cơ thể, kiểm soát việc sử dụng năng lượng, điều hòa nhịp tim, duy trì thân nhiệt....
Việc điều trị các bệnh tuyến giáp rất khó khăn, đòi hỏi thời gian dài, chủ yếu là cân bằng lại hormon, để tuyến giáp hoạt động được tốt nhất.
Tuy nhiên người bệnh cũng cần phải có kiến thức nhất định về căn bệnh của mình để biết mình đang mắc bệnh suy tuyến giáp , bệnh cường tuyến giáp , bệnh nang tuyến giáp, bệnh u tuyến giáp , hay rối loạn tuyến giáp...
Từ đó có chế độ dinh dưỡng phù hợp để hỗ trợ cho quá trình điều trị, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục và duy trì sức khỏe tuyến giáp tốt nhất. Vậy bệnh tuyến giáp nên ăn gì?
Iốt
Tuyến giáp của con người cần iốt để sản sinh ra các hormon cần thiết, có tác dụng cân bằng hormon Tuyến giáp, giảm sự hình thành u tuyến giáp.
Nhưng không phải người nào cũng bổ sung đầy đủ iốt vào chế độ ăn của mình, nhất là những người sống ở vùng núi cao, những thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày rất ít iốt.
Cách đơn giản nhất là hãy sử dụng muối có bổ sung iốt, lưu ý rằng những thực phẩm đóng gói, gia công thường không được bổ sung iốt. Hay bạn cũng có thể ăn các tảo, rong biển ... rất giàu iốt.
Rong biển
Rau lá xanh
Rau bina, rau diếp và các loại rau lá xanh khác là nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu magiê và khoáng chất, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là các hoạt động của Tuyến giáp. Những biểu hiện như mệt mỏi, đau cơ, hay những thay đổi trong nhịp tim có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không nhận đủ magiê trong khẩu phần của mình.
Tuy nhiên đối với cây họ cải như bắp cải, củ cải, bông cải xanh, cải bẹ trắng.... người bị bệnh tuyến giáp cần đặc biệt lưu ý.
Đối với người suy giáp nên tránh ăn củ cải, bông cải xanh vì loại thực phẩm này chứa isothiocyanates làm hạn chế việc hấp thu iốt, nhất là khi ăn sống. Khi chế biến các loại rau này tốt nhất nên trần hoặc luộc sơ sẽ giúp phân hủy isothiocyanates không tốt cho người bệnh tuyến giáp.
Rau bina
Các loại hạt
Hạt điều, hạnh nhân, hạt bí là nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu magiê, tốt cho tuyến giáp. Các loại hạt sẽ cung cấp cho cơ thể protein thực vật, kẽm, đồng, vitamin E, và B giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru.
Hải sản
Các loại hải sản như cá, tôm... là nguồn thực phẩm giàu iốt, kẽm, omega -3, vitamin B và selen rất tốt. Nếu bạn cần duy trì một tuyến giáp khỏe mạnh bạn cần ăn ít nhất 3 bữa cá một tuần. Nên chú ý sử dụng các sản phẩm cá được đánh bắt tự nhiên như cá hồi, cá bơn, cá tuyết....
Thực phẩm chế biến sẵn
Đây là loại thức ăn mà người bệnh về tuyến giáp cần tránh xa. Bởi trong các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đậu tương, calo rỗng hay chất phụ gia đều không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt trong thực phẩm chế biến sẵn còn chứa hàm lượng chất béo cao, sẽ làm giảm việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp, thậm chí giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.
Các sản phẩm từ đậu nành
Một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ có thể cản trở khả năng tạo hormon của tuyến giáp.
Tuy nhiên nếu sử dụng các sản phẩm đậu nành đã lên men như tương miso hay tempeh lại rất tốt. Lý do là đậu nành làm giảm hấp thu iốt. Nếu mắc bệnh mất cân bằng hormon hoặc rối loạn tuyến giáp nên ăn ít hoặc không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ.
Thịt hữu cơ
Đây là loại thực phẩm rất nên được khuyến khích sử dụng vì trong quá trình chăn nuôi, nhà sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc lên các động vật này, thịt của chúng rất sạch. Nhưng nếu ăn nội tạng động vật như thận, tim, gan, người bệnh tuyến giáp cần lưu ý.
Trong nội tạng có rất nhiều axít lipoic, nếu cơ thể nhận được quá nhiều axít béo này có thể phá vỡ hoạt động của tuyến giáp. Axít lipoic còn có thể có ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc tuyến giáp mà bạn đang sử dụng.
Thực phẩm gluten
Gluten là một protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột. Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mỳ, bánh quy, bánh ngọt, làm các món ăn chay..., có khoảng 10% dân số thế giới không dung nạp gluten, khi ăn các loại thực phẩm này gây đầy bụng, tiêu chảy, đau bụng.....
Xu hướng tiêu dùng hiện đại đang chuyển sang các sản phẩm không gluten (gluten free), có lợi cho sức khỏe. Vì gluten gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng một chế độ ăn không có gluten có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tuyến giáp.
Tránh ăn nhiều chất xơ và đường
Mặc dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, nhưng nó ngăn cản sự hấp thu thuốc của cơ thể. Người bệnh cần hạn chế ăn nhưng cũng không nên loại bỏ hoàn toàn vì đây là thực phẩm cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
Đường và các chất tạo ngọt cũng vậy. Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, gây tăng cân, ảnh hưởng hoạt động của tuyến giáp.
Thuốc tuyến giáp và thực phẩm
Có rất nhiều các loại thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc điều trị tuyến giáp. Nó có thể làm cơ thể hấp thu quá nhanh hoặc quá chậm, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ thật kỹ để giúp tăng hiệu quả điều trị.
Không nên uống thuốc điều trị suy giáp với các thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm của sữa hay uống cùng với thuốc canxi, nó sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Bác sĩ khuyên người bệnh nên uống sữa cách xa uống thuốc điều trị tuyến giáp.
Cà phê hoặc các thức uống có chứa caffein cũng làm giảm tác dụng của thuốc tuyến giáp vì nó kích thích hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ của thuốc. Người bệnh tuyến giáp nên uống thuốc lúc đói, tốt nhất vào buổi sáng và có thể ăn sáng khoảng 1 tiếng sau đó.