Sinh con ra hẳn cha mẹ nào cũng mong muốn có thể nuôi dưỡng, giáo dục con cái nên người. Vậy nhưng, có nhiều khi chính những thói quen xấu khiến cách giáo dục của chúng ta đi ngược lại hoàn toàn với mục đích ban đầu.
1. Nếu con bạn hay giấu diếm và thiếu niềm tin vào người khác, có thể bởi vì bạn rất dễ nổi cáu.
Trái với tác dụng răn đe mà các bậc làm cha, làm mẹ mong muốn, đòn roi hay những lời quát mắng nặng nề lại mang đến nguy cơ tăng động, dễ nổi nóng và nhiều biểu hiện tiêu cực khác ở trẻ.
Điều này được chứng minh trong nghiên cứu năm 2000 của Thư viện Y dược quốc gia Mỹ, rằng những học sinh cấp 1 bị bố mẹ đánh đòn thường xuyên có xu hướng trở nên hư hỏng, nói dối và mất đi sự tin tưởng.
(Ảnh minh họa)
2. Nếu con bạn nhút nhát và thường do dự, có thể bởi bạn đã cố giúp con những việc mà con có thể tự làm.
Bạn luôn mong muốn con cái được bằng bạn bằng bè, nên thường đáp ứng mọi nhu cầu của con dù đúng hay sai
Tuy nhiên không nên mềm lòng trước mọi yêu cầu thậm chí là yêu sách của con. Việc đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ chỉ khiến trẻ cảm thấy mọi thứ có được đều dễ dàng, trẻ không còn cảm thấy quý trọng.
Do vậy cha mẹ nên động viên con đúng lúc đúng chỗ, và để bé tự làm những việc bé có thể làm được.
Nâng niu, bao bọc con quá mức cũng không tốt. Ngược lại các bậc cha mẹ nên để trẻ trải nghiệm một phần tất yếu của cuộc sống để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Những đứa trẻ được trải qua cảm giác này sẽ có cuộc sống chủ động hơn trong tương lai.
3. Nếu con nói dối bạn, có thể bởi vì bạn đã phản ứng quá khắc nghiệt khi con mắc lỗi.
(Ảnh minh họa)
Người xưa có câu: "Thương cho roi cho vọt". Vì thương con nên càng phải đánh, càng phải mắng, càng phải nghiêm, có thế sau này con mới nên người.
Thế nhưng, các bậc phụ huynh có thói quen chửi mắng, quát tháo con, xúc phạm con bằng ngôn từ sẽ ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ một cách nghiêm trọng trong tương lai.
Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng hồi bé lớn lên thường có biểu hiện cư xử không đúng mực, bé sẽ tìm mọi cách che giấu, đổ lỗi, nói dối mỗi khi mắc lôi, thậm chí còn làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm ở trẻ.
Phụ huynh có thể nhẹ nhàng nhắc nhở, có thể chỉ cho bọn trẻ biết chúng làm gì sai và nên sửa ở đâu, thay vì quát nạt, "hét ra lửa thở ra khói", hạ thấp con mình.
4. Nếu bạn mua cho con mọi thứ mà con muốn nhưng con vẫn muốn lấy đồ chơi của những đứa trẻ khác, điều đó có nghĩa là bạn đã không cho con quyền lựa chọn.
Đồng ý là bây giờ xã hội quá loạn để có thể cho trẻ tự phát triển, nhưng cũng không đến nỗi các vị phụ huynh phải đi theo rình rập, giành quyền kiểm soát mọi thứ xung quanh con mình.
Những phụ huynh thường xuyên kiểm soát cuộc sống của con cái, sẽ khiến con họ có xu hướng mắc trầm cảm khá cao, cũng như không hài lòng với cuộc sống bản thân, không cởi mở với những cái mới, hay tự ti.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ Việt đều mắc phải một sai lầm rằng luôn nói "không" với con. Cha mẹ luôn cấm đoán con không được làm điều này, không được làm điều kia.
Trong khi, với tâm lý nổi loạn và tò mò của một đứa trẻ, chúng không biết tại sao lại không được làm như vậy và sự thực là chúng vẫn tiếp tục làm điều đó.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần cho con có sự lựa chọn riêng, đừng nên quá kiểm soát và không nên chỉ nói "không" để từ chối trẻ mà cần giải thích cho chúng biết tại sao và như thế nào.
5. Nếu con bạn không tôn trọng người khác, có thể bởi vì bạn đã bắt buộc con phải làm những việc gì đó mà không quan tâm đến cảm nhận của bé.
Các bậc phụ huynh có xu hướng luôn gò ép con mình phải làm theo những gì mà họ sắp đặt, vẽ ra.
Họ sẽ sắp xếp sẵn cho con phải-thích môn học gì, phải-ăn cái gì, phải-tập cái gì, phải-thi vào đâu, phải-làm nghề gì, mặc cho con có muốn hay là không. Đơn giản chỉ vì họ muốn thế.
Họ tin rằng, với kinh nghiệm sống của mình, gò ép con vào khuôn khổ mà họ tự nghĩ ra sẽ là cách tốt nhất để con có thể toàn vẹn phát triển, cũng như giữ gìn được thanh danh cho gia đình.
Như một điều hiển nhiên, những đứa trẻ phải cố gồng mình khớp vào chiếc khuôn không vừa ấy khi đi học sẽ vô cùng chật vật, khó thể hiện bản thân cũng như thiếu sự thỏa mãn trong cuộc sống.
Còn gì tệ hơn khi bạn muốn thứ gì nhưng lại bị ép buộc phải thích một thứ khác?
6. Nếu con bạn thường tỏ ra đố kỵ và ghen tỵ, có thể bởi vì bạn hay so sánh con với những đứa trẻ khác.
(Ảnh minh họa)
Ông cha ta đã có câu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Mỗi đứa trẻ mang một bản sắc riêng, màu sắc cá tính riêng, năng khiếu, sở thích... khác nhau. Những đứa trẻ hay bị bố mẹ so sánh, nhất là trẻ đang ở tuổi dậy thì, là lứa tuổi rất sĩ diện và coi trọng lòng tự tôn của bản thân.
Nếu cha mẹ trực tiếp so sánh trẻ với anh chị của chúng trước mặt nhiều người, điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của con. Từ đó, con sẽ oán hận và ghét cha mẹ và cho rằng cha mẹ coi thường và không yêu thương con bằng anh chị.
Biểu hiện của sự oán hận là trẻ sẽ chống đối, không nghe lời cha mẹ, trẻ nói dối, không còn yêu quý, muốn nói chuyện, vui chơi thậm chí gây sự với các bạn khác.
Đặc biệt, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của trẻ trong tương lai sau này dẫn đến nảy sinh những hành động dại dột.
7. Nếu con bạn vô lễ và bất lịch sự, có thể bé đã học theo cách cư xử của cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình.
Bạn nghĩ rằng việc nói xấu ngươi khác trước mặt con cái là không ảnh hưởng gì? Tuy nhiên, bạn hoàn toàn sai lầm rồi.
Cha mẹ luôn là người mà con tôn thờ, vô thức chúng cũng sẽ cảm nhận rằng cha mẹ làm như vậy thì chắc chắn đó không phải là điều xấu. Việc cha mẹ nói năng không lễ phép với người lớn tuổi cũng khiến con hình thành nên thói quen không tốt này.
Nói trống không, thiếu tôn trọng hay lễ phép sẽ khiến con bạn để lại ấn tượng xấu trong mắt người khác.
8. Nếu con bạn dễ nổi cáu và hay nóng giận, có thể vì bé đã không được quan tâm. Bé không biết làm cách nào để thu hút sự chú ý của mọi người.
(Ảnh minh họa)
Những đứa trẻ không được hưởng tình thương ấm áp đầy đủ từ bố mẹ khi lớn lên thường có nhiều vấn đề về thái độ cư xử, có cảm giác không an toàn và rất khó khăn trong thể hiện cảm xúc, dễ cáu gắt.
Chúng cũng có xu hướng khép mình với xã hội và luôn thường trực cảm giác lo âu. Cũng chính bởi vậy, chúng chẳng thể dễ dàng thành công trong cuộc sống khi còn vướng bận quá nhiều điều không vui.
Không ít các ông bố bà mẹ thiếu quan tâm con cái trong cuộc sống bận rộn hiện nay. Trẻ con rất nhạy cảm, chúng sẽ cảm thấy không được tôn trọng, mất niềm tin khi tâm sự với bố mẹ mà chỉ nhận được sự ậm ừ cho qua chuyện.
Chính vi vậy từ đó nó sẽ không bao giờ tâm sự với bố mẹ nữa. Vô hình chúng ta đã tự đẩy mình ra xa khỏi tình yêu thương mà các con dành cho mình.
9. Nếu con bạn không thể bảo vệ được chính mình trong những tình huống khó khăn, có thể do bạn đã quát mắng con trước mặt người khác. Đừng bao giờ làm việc này, kể cả trước mặt các anh chị em của bé. Nói những lời nặng nề làm tổn thương đến con.
Bạn hãy bỏ ngay thói xấu này nhé bởi điều này sẽ làm con bạn bị tổng thương, trở nên tự ti và sống khép kín. Vô tình hạn chế năng lực thực sự của con bạn.
Một trong những điều đầu tiên trong việc đối phó với những đứa trẻ hư của cha mẹ phương Tây đó là sự kiềm chế.
Khi gặp những tình huống không mong muốn, dù có tức giận đến đâu, cha mẹ cũng cần phải kiềm chế cơn giận của mình, không bao giờ la hét hoặc đối xử độc tài với con cái. Cũng không nên thúc dục con cái, gây áp lực về thời gian với chúng. Đừng làm lớn chuyện với những gì không thay đổi ngay được.
10. Và cuối cùng, đừng bao giờ nghĩ điều mình làm là tốt nhất cho con.
Dạy con chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là với bố mẹ luôn phải đối mặt với những đứa con ương bướng, lắm chiêu trò, thích phá vỡ mọi quy tắc... Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy phiền lòng khi con mình có những hành vi xấu mà họ không hiểu nguyên nhân từ đâu. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bậc cha mẹ tìm thấy một số câu trả lời.