Sai lầm chí mạng khi ăn táo khiến người đàn ông phải nhập viện
Y tá Đàm Đôn Từ, làm việc tại Khoa Độc chất của Bệnh viện Tưởng niệm Lâm Khẩu Trường Canh, Đài Loan (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ trên chương trình “Sức khỏe 2.0” về trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn táo.
Y tá Đàm cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong máu của bệnh nhân có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng tiêu chuẩn.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu và được điều trị cấp cứu. Do được điều trị cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân không gặp phải biến chứng nặng.
Bệnh nhân chia sẻ, bản thân có thói quen ăn táo cả vỏ vì nghĩ rằng cách ăn này rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, trước khi ăn táo, người đàn ông không rửa táo mà chỉ lau qua bằng tay. Không may, lần này bệnh nhân mua phải táo tồn dư thuốc trừ sâu và đã bị ngộ độc khi ăn.
Theo y tá Đàm, ngộ độc thuốc trừ sâu là một dạng ngộ độc cấp tính. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, đau tức ngực, nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, lên cơn co giật, hôn mê, mất ý thức,...
Chia sẻ thêm về nguy cơ khi tiếp xúc, ăn phải thực phẩm tồn dư thuốc trừ sâu, giáo sư Lâm Trung Anh, giảng dạy tại trường Đại học Tưởng niệm Trường Canh, Đài Loan (Trung Quốc) nói: “Tiếp xúc hoặc tiêu thụ thực phẩm tồn dư thuốc trừ sâu có thể tăng gánh nặng cho gan, thận, gây tổn thương hệ thần kinh và làm tăng nguy cơ mắc ung thư”.
3 lưu ý cần nhớ trước khi ăn trái cây
Y tá Đàm Tôn Từ cho biết: “Thông qua trường hợp của người đàn ông kể trên, tôi cũng muốn nhắc nhở mọi người 3 lưu ý cần nhớ trước khi ăn trái cây để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thuốc trừ sâu”.
1. Rửa sạch trái cây dưới vòi nước chảy
Rửa trái cây dưới vòi nước chảy là phương pháp làm sạch nông sản khá đơn giản, an toàn nhưng có thể giúp loại bỏ vi trùng, chất độc hại, thuốc trừ sâu khỏi thực phẩm hiệu quả.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng khuyến nghị người dân nên rửa thực phẩm dưới vòi nước chảy thay vì dùng đến các dung dịch tẩy rửa khác.
Theo chuyên gia, không chỉ các loại quả có thể ăn cả vỏ như dâu tây, cherry, mâm xôi mới cần rửa trước khi ăn mà ngay cả các loại trái cây cần gọt vỏ như dưa hấu, xoài... cũng cần được rửa sạch để giảm thiểu bụi bẩn và vi khuẩn bám trên bề mặt, hạn chế vi khuẩn bụi bẩn bám sang trái cây trong quá trình gọt hoặc cắt.
2. Sử dụng thêm bàn chải khi rửa hoa quả
Với các loại quả có vỏ sần sùi hoặc vỏ dày như cam, quýt, dưa,... mọi người có thể sử dụng thêm một chiếc bàn chải để tăng hiệu quả làm sạch. Quá trình chà xát nhẹ trên bề mặt trái cây bằng bàn chải sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại.
Tuy nhiên, mọi người cũng cần đảm bảo rằng bàn chải để cọ rửa các loại trái cây luôn được vệ sinh sạch sẽ để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo của các loại vi trùng và các chất độc hại.
3. Mua trái cây có chứng nhận đạt chuẩn
Ngoài các phương pháp làm sạch thông thường, mọi người cũng nên lựa chọn các loại trái cây được trồng hữu cơ, trái cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trái cây ở các cơ sở bán uy tín có chứng nhận kiểm nghiệm đạt chuẩn cũng là cách để ngăn chặn nguy cơ ăn phải thực phẩm chứa dư lượng thuốc trừ sâu.