'Ma trận' tin giả ở Hong Kong

Bình Giang |

Một bức ảnh chụp người phụ nữ có vẻ đang mang thai nằm trên sàn nhà ga tàu điện ngầm được chụp vào ngày 21/7, sau khi xảy ra vụ nhóm côn đồ mặc áo trắng tấn công người biểu tình và người đi tàu khiến ít nhất 45 người bị thương. Nạn nhân đó được gọi là “người phụ nữ váy trắng” hay “người phụ nữ bụng to”.

Trên mạng xã hội, những đoạn post nói người phụ nữ bị sẩy thai đã được chia sẻ hàng ngàn lần. Sau khi đoạn phim về cảnh này được chia sẻ, dư luận dậy sóng về tình trạng bạo lực ở nhà ga Yuen Long và sự thất bại của cảnh sát trong việc bảo vệ người dân trước những đối tượng côn đồ cầm gậy sắt.

Nhưng sau đó lại có tin cô gái đó không mang bầu, và thông tin cô bị sẩy thai là tin đồn mang động cơ chính trị. Dù báo chí Hong Kong xác nhận người phụ nữ đúng là mang bầu và đã sinh em bé an toàn nhưng sự thật vẫn bị hoài nghi.

Vụ việc rõ ràng cho thấy sức mạnh của tin đồn không kiểm chứng trên mạng trong việc định hình dư luận, khi thành phố này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Biểu tình quy mô lớn nổ ra hơn 2 tháng trước để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Dự luật đã được gác lại, nhưng biểu tình chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trên đường phố, người biểu tình và cảnh sát vẫn đối mặt nhau bằng bạo lực. Ở trên mạng, một trận chiến khốc liệt không kém đang diễn ra bằng vũ khí thông tin.

Tin giả đang đe dọa số phận của Hong Kong, và cũng chưa có dấu hiệu trận chiến này sẽ kết thúc.

Ở Hong Kong, gần như không có cách nào để tránh tin giả.

Trên tàu điện ngầm, tin giả được người đi tàu chia sẻ qua tính năng Airdrop. Tin đồn được mỗi cá nhân đăng lên Facebook, Twitter và Instagram, rồi gửi cho nhau qua WhatsApp và Telegram.

“Chúng ta đều có xu hướng tin vào thứ chúng ta muốn tin và bác bỏ thứ chúng ta không muốn tin, dù có bằng chứng cho thấy cái gì đúng và cái gì sai”, Masato Kajimoto, một giáo sư ngành báo chí tại ĐH Hong Kong, nói với CNN.

Ví dụ là trong một đoạn tweet gây sốt, người dùng không rõ danh tính cảnh báo quân đội Trung Quốc sắp tiến đến khu vực giáp Hong Kong và Thâm Quyến để can thiệp biểu tình. Kèm theo đoạn tweet là video các xe tăng hiện diện ở một nhà ga tàu.

Nhưng một tấm biển ở nhà ga này có chữ “Longyan”, địa danh không phải ở Thâm Quyến. Những người cẩn thận đã xác minh đó là tên một thành phố ở tỉnh Phúc Kiến, cách đó hàng trăm dặm. Nhưng mọi thứ quá muộn, vì đoạn phim đã được chia sẻ hơn 8.000 lần và xem hơn 848.000 lượt. Đoạn tweet chạm đúng nỗi sợ hãi của dân Hong Kong về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Ma trận tin giả ở Hong Kong - Ảnh 1.

Bức ảnh xe tăng đến nhà ga Thâm Quyến bị "bóc phốt" là ảnh giả. (Ảnh: SCMP)

Giờ đây, người biểu tình Hong Kong cảm thấy rằng họ đang sắp cạn thời gian để đạt được dân chủ thực sự trước thời hạn 2047, khi Hong Kong chịu sự quản lý của Bắc Kinh theo cách giống như các địa phương khác trên cả nước.

Nhiều người không tin khi giới chức Hong Kong khẳng định những tin đồn về việc Trung Quốc triển khai quân đội là “hoàn toàn không có cơ sở”. Một khi tin đồn đã được tung ra, dù bị chứng minh là giả, chúng cũng reo rắc hạt giống hoài nghi và không tin tưởng.

Tin đồn về sự can thiệp của Trung Quốc “thực sự là một sách lược cũ”, ông Kajimoto nói. Những tin đồn tương tự cũng được lan truyền trong cuộc Cách mạng dù năm 2014.

Một tin đồn khác đang nổi lên là sự can thiệp của Mỹ vào các cuộc biểu tình Hong Kong. Những người phản đối biểu tình chia sẻ một số bức ảnh, trong đó có ảnh người da trắng tham gia biểu tình bị tố là đặc vụ CIA, để tố cáo chính phủ Mỹ tài trợ cho người biểu tình.

Giới chức Bắc Kinh cáo buộc Mỹ tác động đến biểu tình Hong Kong. “Như các bạn đều biết, đó có thể nói là sản phẩm của Mỹ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói về cuộc biểu tình tuần trước. Bắc Kinh chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào để củng cố những cáo buộc đó. Nhưng đối với nhiều cư dân mạng, những bức ảnh về người đàn ông da trắng bị cáo buộc là đặc vụ CIA đã đủ làm bằng chứng.

Bức ảnh đó cho thấy người đàn ông tham gia cuộc biểu tình ngày 14/7 đang cử động tay ở phần thân dưới. Thông điệp trên mạng nói rằng người đàn ông này đang “ra hiệu bí mật bằng tay”, cho thấy anh ta là một đặc vụ ngầm của nước ngoài. Đoạn video này được gắn hastag #CIA, được xem hơn 40.600 lần.

Nhưng trên thực tế, đó là một người khá nổi trên Twitter. Anh này nói rằng khi đó anh ta đang cởi chiếc áo phông đẫm mồ hôi ra khỏi người chứ không phải làm dấu gì cả. Nhưng giải thích đó đã không được mấy người chú ý. Anh này nói rằng tin đồn đã đến tai sếp, khiến anh ta có nguy cơ mất việc.

Tin đồn cũng đe dọa cả an toàn thân thể và tâm lý của nhiều người. Ví dụ, một số lời đồn trên mạng nói rằng các nhóm côn đồ, thường được gọi là hội tam hoàng ở Hong Kong, thuê một số nhóm thiểu số tấn công người biểu tình ở Yuen Long. Các nhóm thiểu số, đặc biệt là những người có màu da sẫm, nói rằng họ đang đối mặt với sự kỳ thị nhất định ở Hong Kong.

“Tôi rất sợ khi đi ra ngoài, nhất là sau khi có tin đồn như vậy”, Villanueva, một người gốc Philippines, nói với CNN. Cô gái trẻ này trông không giống thành phần “đầu gấu”, nhưng khi căng thẳng gia tăng, cô nói rằng cô rất sợ mình trở thành mục tiêu.

“Tôi cảm thấy mình phải cẩn thận khơn khi đi ra ngoài, dù chúng tôi không làm gì sai, mà chỉ vì trông chúng tôi khác biệt”, Villanueva nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại