"Ma trận" phòng thủ bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria: Có một lực lượng rất đặc biệt

Anh Tú |

Để bảo vệ lực lượng hải quân và hậu cần tại Syria, Nga đã trực tiếp triển khai một loạt hệ thống radar và tên lửa phòng không tới khu vực cảng Tartus.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Nga (khi đó là Liên Xô) liên tục duy trì một liên đội tàu chiến thường trực ở Địa Trung Hải. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hải quân Nga rơi vào khủng hoảng nên hoạt động này đã bị xao nhãng. 

Tuy nhiên, kể từ khi Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria, lực lượng hải quân này đã được tái lập. Trong tương lai, Hải quân Nga có thể mở thêm căn cứ ở Libya nhưng hiện tại họ vẫn đang duy trì một căn cứ duy nhất ở Tartus, Syria. Vậy căn cứ này đang được Nga bảo vệ như thế nào?

Để bảo vệ lực lượng hải quân và hậu cần tại đây, Nga đã triển khai một loạt hệ thống radar và tên lửa phòng không cục bộ trực tiếp tới khu vực cảng Tartus.

Các tổ hợp radar hiện đại như P-18 Spoon Rest D, Kasta 2E Flat Face E, Podlet K1 và Monolit-B đều đang hiện diện tại căn cứ cùng rất nhiều hệ thống thông tin liên lạc khác.

Monolit-B được triển khai ở phía cuối cảng, trong khi những hệ thống còn lại nằm trong khu vực được bảo vệ trên bờ biển phía Đông Bắc.

Ma trận phòng thủ bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria: Có một lực lượng rất đặc biệt - Ảnh 1.

Căn cứ Hải quân Nga tại cảng Tartus, Syria. Ảnh: H I Sutton

Đơn vị phòng không dễ nhìn thấy nhất là hệ thống tên lửa - pháo Pantsir-S1 (SA-22 GREYHOUND). Hệ thống này dường như được bố trí cố định lâu dài ở bờ phía Bắc hải cảng. Ngoài ra, Nga cũng triển khai tới đây ít nhất hai hệ thống tên lửa Tor (SA-15 GAUNTLET) ở cùng một khu vực.

Đặc biệt, Hải quân Nga đã triển khai các động vật biển có vú đến Tartus ở Syria trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12/2018. Các loài động vật này, nhiều khả năng là cá heo, được bố trí bên cạnh các đơn vị bảo vệ bến cảng, cũng đã được tăng cường vào cùng khoảng thời gian đó.

Ma trận phòng thủ bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria: Có một lực lượng rất đặc biệt - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1. Ảnh: H I Sutton

Có vẻ như, chúng được vận chuyển tới đây để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ bến cảng. Hải quân Nga vẫn được biết đến là lực lượng chuyên huấn luyện các loài động vật có vú trên biển để thực hiện các chiến dịch chống người nhái.

Chúng cũng có thể được sử dụng để bảo vệ các đường ống dưới biển lắp đặt gần cảng bị thợ lặn đối phương đưa vào tầm ngắm.

Dựa trên kết quả phân tích các hình ảnh vệ tinh thì có thể thấy những chuồng thú biển đã xuất hiện ở Tartus vào ngày 30/9/2018 và một lần nữa vào ngày 8/11/2018. Nhưng chúng lại không xuất hiện vào ngày 4/2/2019.

Ma trận phòng thủ bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria: Có một lực lượng rất đặc biệt - Ảnh 3.

Hải quân Nga cũng triển khai cả "biệt đội" cá Heo bảo vệ Căn cứ Tartus. Ảnh:H I Sutton

Dữ liệu từ Trung tâm Sentinel (với độ phân giải thấp hơn và do vậy mức độ tin cậy cũng thấp hơn) thì thấy số cá heo này dường như không xuất hiện vào ngày 18/9/2018 nhưng lại có mặt vào ngày 28/9 và dường như đã bị đưa đi đâu đó vào ngày 22/12/2018.

Các loài động vật biển có vú có thể đến từ Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga. Gần cảng Sevastopol ở Crimea cũng có một đơn vị tương tự. Hạm đội Biển Đen thường xuyên triển khai các tàu chiến đến Tartus.

Lực lượng này đóng tại Kazachya Bukhta ở gần Sevastopol và giữ vai trò là cơ sở động vật biển có vú chủ đạo của Hải quân Nga thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ngoài ra, hải cảng Tartus còn được bảo vệ bởi một loạt các đơn vị chống phá hoại, gồm cả những thợ lặn chống người nhái được trang bị súng trường tấn công dưới nước APS-5 và súng lục SPP-1.

Tại đây, cũng có hai tàu chống phá hoại lớp Pr.21980 Grachonok, 4 tàu tấn công và một loạt tàu nhỏ hơn được sử dụng để tuần tra bến cảng. Các tàu chiến của Nga thường được trang bị súng phóng lựu đa nòng gắn trên boong tàu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại