Má lột từng củ hành nhỏ, ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất của tôi

Lý An Nhiên |

Mỗi năm, cứ độ chừng 24, 25 tháng chạp, sau khi bày mâm cơm cúng đưa ông bà và dọn dẹp nhà cửa tinh tươm xong, má tôi lại tỉ mẩn ngồi lột vỏ củ hành để làm món dưa hành ăn dần trong dịp Tết.

Má lột từng củ hành nhỏ, ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất của tôi - Ảnh 1.

Dưa hành trong mâm cơm Tết - Ảnh tác giả cung cấp

Tôi thường ngồi lặng lẽ nhìn bàn tay khắc khổ của má lột từng củ hành nhỏ dưới ánh nắng vàng óng ánh phương Nam. Với tôi, đó là ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất trong những ngày đầu Xuân.

Ngày Tết theo đúng phong vị của người miền Nam, bên cạnh món bánh chưng, bánh tét truyền thống thì dưa hành, củ kiệu cũng cực kỳ quan trọng, không thể thiếu trong mâm cơm đoàn viên.

Ông ngoại tôi vốn là người cực kỳ mê món dưa hành. Ông thường bảo mấy ngày Tết Nguyên đán mà thiếu đi cái món đồng quê thân thuộc ấy thì chả còn là Tết nữa. Ấy thế nên, năm nào má tôi cũng làm.

Những ngày giáp Tết, dù tất bật với công việc sắm sửa trong nhà, má tôi vẫn không quên ghé vào sạp rau củ của dì Tư để lựa chọn hành. Má tôi hay đi chợ từ sáng sớm để lựa mấy củ hành tươi, ngon mắt và xanh rì.

Năm nào, má con tôi ghé qua, dì Tư cũng đon đả: "Hai má con mua mấy ký hành? Năm nay ngó bộ ăn Tết lớn quá chị nha". Má tôi thường cười đáp lại lời dì bán hàng bằng mấy câu hỏi han chân quê. Trong khi đứa trẻ con là tôi lại háo hức nhìn ngắm phiên chợ cuối năm tất bật người qua kẻ lại.

Má lột từng củ hành nhỏ, ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất của tôi - Ảnh 2.

Đĩa dưa hành của má - Ảnh tác giả cung cấp

Bao giờ cũng thế, tôi thấy má thường tỉ mỉ chọn loại hành củ nhỏ. Má khéo léo xếp từng củ hành đều tăm tắp, thành từng hàng đều đặn trước mặt, trông rất thích mắt. Sau đó, má nhẹ nhàng cắt hết phần lá và rễ ra khỏi củ hành và rửa sạch với nước lạnh.

Từ đêm hôm trước, má tôi đã chu đáo dần tro bếp thật kỹ, bỏ mấy nắm tro mịn vào trong túi vải rồi thả vào chậu nước. Củ hành sau khi rửa sạch phải đem ngâm vào nước tro để bớt đi mùi hăng. Cứ ngâm như thế khoảng độ 6-7 tiếng thì vớt ra rửa sạch, rồi lột bỏ lớp vỏ ngoài.

Sau đó, má cho vào chậu ngâm bằng nước vo gạo, bỏ thêm ít muối hột, ngâm trong một đêm. Sáng hôm sau, đổ nước vo gạo, thay bằng nước lã, cũng bỏ thêm muối vào ngâm thêm một ít.

Má tôi thường giải thích rằng sở dĩ ngâm lâu như thế có tác dụng cho hành đỡ cay và đỡ hăng hơn. Sau đó, má thường hay sai tôi vớt hành ra bóc vỏ, cắt rễ, để ráo nước. Trong lúc đó, chị Hai tôi sẽ tranh thủ đun nước sôi, sau đó để nguội dần vừa đủ độ âm ấm.

Tôi vốn dĩ rất háo hức với món dưa hành, cứ nghĩ đến thời điểm ăn cơm với thịt kho trứng kèm thêm món dưa má làm thì ngon phải biết. Nhưng lại ngán nhất cái khâu ngồi tỉ mẩn lột vỏ củ hành.

Cũng bởi, mắt tôi bị dị ứng với vỏ củ hành nên mỗi lần lột vỏ là nước mắt, nước mũi chảy tèm nhem, làm như bị ai đánh cả chục roi.

Mấy anh chị em thấy cảnh đó thì thương lắm, nhưng vẫn trêu tôi: "Bé út mít ướt nhất nhà, lột vỏ củ hành cũng khóc. Mai mốt má làm xong củ hành phải bắt ăn cho nhiều vô cho bớt nhõng nhẽo".

Công thức pha nước ngâm của má tôi rất đơn giản, chỉ bao gồm hai thìa muối, hai thìa đường, hai thìa giấm trắng hòa cùng một lít nước. Bước cuối cùng là tỉ mỉ xếp những củ hành vào lọ thủy tinh, rồi đổ nước đã pha sẵn cho ngập, tiến hành nén như muối dưa.

Để dưa hành thêm ngon miệng và bắt mắt, má tôi còn cho thêm cà rốt, đu đủ vào dầm cùng với hành. Sau một tuần thì món dưa hành có thể ăn được.

Đôi lần, thấy má vất vả với món dưa hành, anh em tụi tôi hay trêu: "Má làm chi cho mệt nữa, chỉ cần chạy te ra chợ cái, mua về cả đống rồi".

Má thường khẽ cười: "Má thích làm cho tụi con ăn cho chắc, không chỉ sạch sẽ lại thơm ngon. Nhiều khi ra chợ mua, nhìn thì đẹp mắt vậy, chứ chẳng biết người ta làm như thế nào đâu con ơi".

Mà quả thực như vậy, món dưa hành của má đặc biệt ở chỗ luôn giữ được màu tím bắt mắt vốn có của nó, khi ăn sẽ không còn vị cay nồng, mà thoang thoảng nhẹ mùi thơm của hành, vị chua chua ngọt ngọt, thanh thanh của tắc và đường hòa quyện, đặc biệt hơn nữa là luôn giữ được độ giòn rất ngon.

Má lột từng củ hành nhỏ, ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất của tôi - Ảnh 3.

Tôi không bao giờ có thể quên món dưa hành của má tôi - Ảnh tác giả cung cấp

Cả nhà tôi ai cũng thích mê món dưa hành má làm. Do đó, không chỉ vào ngày Tết truyền thống mà mỗi khi có dịp rảnh rỗi, má thường làm rất nhiều, rồi cho vào tủ lạnh hoặc gởi cho các con để dành dùng dần. Nhờ có món dưa hành của má mà các bữa ăn trong ngày Tết cũng đỡ ngán và phong phú hơn.

Xét về Đông y, hành tím có tác dụng nhuận trường, lưu thông khí huyết, tốt cho lá lách, trừ cảm lạnh, dễ tiêu hóa, giải độc… Do đó, món dưa hành không chỉ được sử dụng để "giải ngấy" trong các dịp lễ, Tết, mà còn trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày trong thực đơn gia đình tôi

Ông ngoại tôi mỗi khi tụ họp con cháu quây quần bên mâm cơm, thường đùa rằng củ hành chỉ nhỏ hơn đầu ngón tay một chút mà phải chịu biết bao cơn "bĩ cực" để được có mặt trong mâm cỗ ngày đầu năm.

Lời đùa vui nhưng sự thật đúng là thế. Cái hăng nồng đặc trưng của củ hành, do trải qua nhiều công đoạn, cũng vì thế mà mất đi hết, chỉ còn vị chua dịu, ngọt thanh ở lại.

Tựa hồ như con người, cố gắng làm việc, dốc sức dành dụm suốt cả năm dài đằng đẵng, cũng chỉ mong được về nhà, cùng gia đình ăn bữa cơm cuối năm, tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp bên nhau.

Với tôi, món dưa hành giản đơn của má đã làm nên linh hồn của mâm cỗ ngày Tết và là dư vị khó phai của tôi mỗi khi Tết đến Xuân về.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại