Chưa đầy 1 tháng, rơi 2 tiêm kích hiện đại
Vẫn biết việc cất hạ cánh của máy bay tiêm kích trên tàu sân bay luôn tiềm ẩn rui ro hơn rất nhiều so với ở các sân bay trên đất liền, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, đã có tới 2 chiếc máy bay tiêm kích hiện đại của Không quân Hải quân Nga gặp tai nạn, rơi xuống biển và bị phá hủy hoàn toàn.
Ai đó đã ví, tàu sân bay Kuznetsov bị "ma ám", vừa đón các máy bay tiêm kích trở lại sau thời gian "nằm bờ" thì đã khiến 1 chiếc Su-33 rơi xuống biển.
Có lẽ đó là nhận xét của những người thiên về tâm linh, còn nguyên nhân chính thức thì tất cả đều là lỗi kỹ thuật. Kết luận khô khan nhưng đúng với bản chất sự việc nghiêm trọng đối với tàu sân bay Kuznetsov.
Vậy là ngót 100 triệu USD đã tan thành mây khói theo những chiếc máy bay đều thuộc loại tối tân nhất. Nhưng người Nga còn đau hơn thế, uy danh của lực lượng hải quân số 2 thế giới cũng dường như đang bị sỉ nhục.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov phun khói.
"Ma ám" - Tàu sân bay Nga bỗng thành cỗ quan tài?
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất của Nga lại bỗng nhiên trở thành cỗ quan tài trên biển? Câu hỏi này không khó để trả lời:
Thứ nhất, bản thân tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là một cỗ máy không hoàn hảo, nhưng người Nga vẫn buộc phải dùng nó vì chẳng có lựa chọn nào khác.
Hẳn là những người đã chế nhạo việc chiếc hàng không mẫu hạm "cà khổ" này phun khói đen kịt khi hải hành trên biển sẽ không lấy làm xấu hổ vì đã quá lời, bởi hiện thực đã chứng minh, Kuznetsov xứng đáng bị xem thường, chính nó đã đốt mất của Không quân hải quân Nga tới 2 chiếc tiêm kích hiện đại chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Thứ hai, lần đầu ra trận thực sự và hoạt động với cường độ cao khi liên tiếp cho máy bay xuất kích đã càng làm những điểm yếu của chiếc tàu sân bay này bộc lộ rõ hơn. May mắn là cả 2 chiếc máy bay Su-33 và MiG-29K bị rơi đều không phải do lỗi của phi công, họ đã được giải cứu kịp thời để vẫn còn cơ hội tung cánh trên bầu trời.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không gặp phải những tai nạn tương tự khi mà những lỗi kỹ thuật cực lớn của chiếc tàu sân bay duy nhất khó có thể được khắc phục trong một sớm một chiều.
Tiêm kích Su-33 trên tàu sân bay.
Ngay khi vừa tới ngoài khơi Syria, những chỉ huy trên tàu sân bay Nga đã nhận thấy những nguy cơ tai nạn rất cao, nhất là sau vụ MiG-29K bị rơi, họ đã buộc phải chấp nhận xấu mặt khi đẩy hết các máy bay trong biên chế lên bờ.
Không thực hiện được chức năng cơ bản nhất của tàu sân bay là làm nơi cất hạ cánh cho máy bay, Kuznetsov bị coi như một chiếc phà hay thậm chí là một chiếc "tàu ma" không còn chút sức chiến đấu nào.
Ngay khi vừa được lệnh trở lại "tổ ấm", những chiếc tiêm kích Su-33 và MiG-29K lại nhận được một cú tát trời giáng từ chính con tàu mẹ, sự cố đứt cáp hãm đã khiến chiếc Su-33 trị giá hàng chục triệu USD lao xuống biển.
Nếu như vụ rơi MiG-29K hôm 13/11 người ta còn thông cảm được phần nào, thì từ ngày hôm qua, 05/12/2016, Kuznetsov chính thức bị "loại khỏi vòng chiến đấu", ai dám cho phép phi công hạ cánh ở đây nữa? Chắc chắn các máy bay "đã trót" quay lại "tổ" một lần nữa lại phải lên bờ.
Và, cũng chắc chắn rằng các sĩ quan chỉ huy của không chỉ tàu sân bay duy nhất, mà còn một loạt tướng lĩnh cao cấp của Hải quân Nga sẽ bị Tổng thống Putin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shoigu hỏi thăm, có thể "sao, vạch" rồi sẽ rơi lả tả.
Cuối cùng, những sự cố kể trên, những quyết định kỷ luật sắp được ban ra, nhưng trên hết, uy danh của cường quốc hải quân số 2 thế giới bị lung lay nghiêm trọng, chiến dịch quân sự tại Syria đã khó nay càng thêm khó.
Dù sao, khi bị dồn đến chân tường người Nga thường có sự vùng lên mạnh mẽ, giành lại phần thắng. Đó là phẩm chất quí để trải qua bao biến cố, nước Nga vẫn hùng mạnh. Liệu họ có dũng cảm vứt bỏ hẳn "luôn và ngay" con tàu sân bay đầy lỗi Kuznetsov hay lại cố gắng sửa chữa vá víu để duy trì nó để rồi...?