M901 ITV từng giữ vai trò quan trọng trong lực lượng thiết giáp của Mỹ cũng như chiến thuật chống tăng thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nó vẫn phục vụ trong biên chế quân đội nhiều quốc gia cho đến ngày nay.
Xe thiết giáp mang tên lửa chống tăng M901 ITV
Sự ra đời của M901 ITV
Thực chất ITV không phải sản phẩm của kế hoạch dài hạn, Quân đội Mỹ đã miễn cưỡng đặt mua một chiếc xe chống tăng hiện đại vào thời điểm này.
Trong khi các quốc gia thuộc khối NATO và khối Warsaw nhanh chóng phát triển rồi triển khai các xe bọc thép và phương tiện mang tên lửa chống tăng tự hành vào những năm 1950 - 1960 thì Quân đội Mỹ vẫn loay hoay với những khái niệm của họ.
Pháo tự hành chống tăng của Mỹ trong thời kỳ này, tất cả đều
sử dụng súng không giật (M50 Ontos) hoặc bệ phóng ATGM đơn giản được thiết
kế để sử dụng bởi bộ binh (M150), chúng không có giáp bảo vệ cho kíp chiến đấu.
Xu hướng trên đã thay đổi một cách nhanh chóng sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi các phiên bản mang tên lửa chống tăng của xe trinh sát BRDM-2 được sử dụng bởi Ả-Rập gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng xe tăng Israel.
Nhận thấy ưu điểm của vũ khí mới, Quân đội Mỹ cuối cùng đã bắt tay nghiên cứu và phát triển một chiếc xe như vậy. Họ quyết định vẫn lựa chọn M113 làm nền tảng mang tên lửa chống tăng nhằm tận dụng kinh nghiệm thu được từ chiếc M150, hệ thống vũ khí mới được định danh là "Improved TOW Vehicle/ Phương tiện mang tên lửa TOW cải tiến" hoặc ITV.
Tên lửa chống tăng 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger) lắp trên khung gầm xe bọc thép BRDM-2
Chỉ 3 năm sau Chiến tranh Yom Kippur, các nhà sản xuất cạnh tranh đã gửi ba mẫu đầy đủ chức năng cho Quân đội Mỹ. Trong tháng 12/1976, sau cuộc thử nghiệm, mô hình của Emerson (nay là Systems & Electronics Inc, hoặc SEI) được tuyên bố là người chiến thắng và nhận hợp đồng sản xuất ban đầu cho 10 hệ thống.
Các cuộc thử nghiệm cho những chiếc xe này trước khi ký hợp đồng sản xuất đầy đủ bắt đầu vào tháng 6/1978, kết quả là M901 ITV chính thức đi vào hoạt động trong năm 1979. Lực lượng khác của Mỹ không trang bị ITV, với Thủy quân Lục chiến, họ sử dụng LAV trang bị tháp pháo tương tự M901 (kết quả là LAV-AT).
Mô hình xe mang tên lửa chống tăng của Emerson
Khi M901 ITV mới triển khai, nó sử dụng khung gầm M113A1. Rất ít M901 được chế tạo, họ sản xuất một cách nhanh chóng để chuyển sang M113A2 vào năm 1979, lắp bệ phóng TOW Under Armour (TUA) để trở thành phiên bản M901A1. Khi M113A3 thay thế M113A2 trong dây chuyền sản xuất, M901A1 tiếp tục tiến hóa thành M901A3.
Xe mang tên lửa chống tăng M901A1
Tài sản chính của M901 ITV là tính cơ động, nó có tốc độ nhanh, tầm hoạt động lớn và tỷ lệ công suất trên trọng lượng cao để bắt kịp xe tăng hiện đại.
Khả năng triển khai của chiếc xe này thậm chí còn cần thiết hơn, M901 ITV có thể vận chuyển ở trọng lượng chiến đấu bằng máy bay vận tải C-130 Hercules hoặc C-27J Spartan. Một chiếc C-141 Starlifter có thể mang 2 chiếc M901 ITV, trong khi một máy bay C-5 Galaxy hoặc C-17 Globemaster III mang được tới 10 chiếc.
Nhờ có hệ thống treo tăng cường trong khung gầm M113A2, M901A1 và
M901A2 có thể đổ bộ đường không trên bất kỳ máy bay nào. Nó cũng đủ nhẹ để có thể
tải trượt qua sông, hẻm núi, bãi mìn và những trở ngại khác bằng trực
thăng hạng nặng, chẳng hạn như CH-47F Chinook hoặc CH-53E Super Stallion.
Với biệt danh là "Đầu búa" (Hammerhead), bệ phóng SEI 901 TUA (TOW Under Armour) có thể quay hết 360 độ trong 10 giây, góc nâng 34 độ và góc hạ đến 30 độ, nó được hạ xuống khi chiếc xe đang di chuyển và mở lên khi bắn vì bệ phóng không có hệ thống ổn định, phải gập lại trước khi di chuyển để tránh thiệt hại.
Từ thời điểm chiếc xe có vị trí bắn, nó chỉ mất 20 giây để nâng bệ phóng, chỉ thị mục tiêu rồi tham chiến. Tuy nhiên bệ phóng TUA còn cần phải hạ xuống để nạp đạn, quá trình này đòi hỏi khoảng 40 giây. Bệ phóng được điều khiển bởi điện và thủy lực.
Bệ phóng SEI 901 TUA trong trạng thái chiến đấu
M901 ITV còn mang một súng máy 7,62 mm để chống lại bộ binh và máy bay. Tổng cộng có 10 tên lửa TOW và 2.000 viên đạn 7,62 mm được xếp gọn, không bao gồm đạn đã nạp.
Bên trong xe M901 ITV
Quá trình hoạt động của M901 ITV
M901 ITV lần đầu tiên tham chiến trong Chiến dịch Bão táp sa mạc,
nơi mà nó đã tiêu diệt được ít nhất 14 mục
tiêu mà không có thiệt hại nào, trong một hiệu suất lặp lại những gì mà xe
mang tên lửa chống tăng BRDM-2 đã hoàn thành 18 năm trước.
Dây chuyền sản xuất kéo dài từ năm 1977 - 1998, có tổng cộng 3.315 chiếc đã xuất xưởng. M901 ITV còn được sử dụng bởi Bahrain, Ai Cập, Hy Lạp, Jordan, Morocco, Pakistan, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Tunisia. Quốc gia trang bị M901 nhiều nhất hiện nay là Ai Cập và Hy Lạp với khoảng 300 chiếc, người mua cuối cùng là Thái Lan.
M901 ITV của Hy Lạp
Quân đội Mỹ gây tranh cãi khi cho nghỉ hưu toàn bộ số M901 ITV còn lại vào giữa những năm 1990, sau khi chúng phục vụ được 15 năm, họ cho rằng M2/M3 Bradley đã kiêm cả nhiệm vụ của M901 ITV.
Nhưng M901 ITV là một chiếc xe sử dụng cho mục đích phòng ngự (trong khi Bradley là để hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams khi tấn công). M901 ITV nhanh nhẹn và có thời gian triển khai nhanh hơn nhiều so với Bradley. Nguyên nhân của quyết định trên có thể là do phiên bản M1134 Stryker ATGM đã được vào biên chế.
Tuy vậy, mặc dù sở hữu xe chiến đấu bộ binh tương đương Bradley (Ai Cập có một số xe chiến đấu bộ binh với tháp pháo M2 Bradley, trong khi Saudi Arabia có khá nhiều M2 Bradley), không quốc gia nào cho M901 ITV của họ nghỉ hưu.
Thông số kỹ thuật cơ
bản của M901 ITV
Kíp chiến đấu: 4 người.
Trọng lượng: 12 tấn; Chiều dài: 5,29 m; Chiều rộng: 2,68 m; Chiều cao 2,95 m (trong trạng thái di chuyển) hoặc 3,41m (trong trạng thái chiến đấu).
Vũ khí chính : Tên lửa chống tăng dẫn đường bằng dây BGM-71E TOW 2A; Tầm bắn: 3,7 km; Khả năng xuyên giáp: 900 mm; Số lượng tên lửa mang theo: 10 quả.
Vũ khí phụ: súng máy 7,62 mm với cơ số 2.000 viên đạn.
Động cơ: General Motors 6V53T diesel, công suất 275 mã lực; Tốc độ tối đa trên đường nhựa: 72 km/h; Tốc độ bơi: 5 km/h; Tầm hoạt động: 480 km.