Sự chuyển biến của nền nông nghiệp
Ruộng đất trong cả nước trên danh nghĩa đều thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà ua. Nhưng thực tế, phần lớn ruộng đất lại do nông dân canh tác. Hằng năm, dân làng chia nhau ruộng đất công để cấy cày và nộp thuế cho nhà vua. Các vua nhà Lý thường về các địa phương cày tịch điền.
Năm 1038, mùa xuân, vua (Thái Tông) ngự ra Bố Hải Khẩu (thị xã Thái Bình) cày ruộng tịch điền, sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế thần nông, tế xong tự cầm cày. Các quan tả hữu có người can rằng : "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế". Vua đáp : "Trẫm không tự mình cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo".
Đền Đô – nơi thờ 8 vị vua nhà Lý ( Từ Sơn, Bắc Ninh).
Vua Lý còn lấy một số đất công làm nơi thờ phụng, tế lễ hoặc phong cấp cho con cháu, những người có công, làm các đền chùa.
Nhà Lý cũng khuyến khích việc khai khẩn đất hoang, tiến hành đào kênh mương, khai ngòi, đồng thời cho đắp đê phòng ngập lụt.
Năm 1051, Lý Thái Tông lại cho đào kênh Lãm (dấu tích còn lại ở Yên Mô - Ninh Bình). Ở khu vực gần Thăng Long, nhà Lý cho đắp đê Cơ Xá, khơi sâu rộng thêm các sông Lãnh Kinh (1089) và sông Tô Lịch (1192).
Nhà Lý cũng ban hành lệnh cấm giết hại trâu, bò để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.
Bấy giờ vua mới ra lệnh là kể nào ăn trộm trâu, giết hại, phạt 80 trượng, nhà láng giềng không cáo giác cũng bị phạt 80 trượng.
Theo biên niên sử của nước ta ghi lại thì nhiều năm mùa màng bội thu như năm 1016 (triều Lý Thái Tổ), năm 1030, 1044 (triều Lý Thái Tông), năm 1131 (triều Lý Thần Tông), năm 1139, 1140 (triều Lý Anh Tông)...
Thủ công nghiệp và thương nghiệp
Trong dân gian, nghề chăn tằm ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa rất phát triển.
Tháng 2 năm 1040, "vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa.
(Đại Việt sử kí toàn thư)
Bát men ngọc thời nhà Lý.
Ngoài ra, nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, nghề làm giấy, nghề in bản gỗ, đúc đồng, rèn sắt, nhuộm vải, đều được mở rộng. Có những công trình do bàn tay người thợ thủ công Đại Việt tạo dựng nên rất nổi tiếng như chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên (Hà Nội), vạc Phổ Minh (Nam Định) v.v...
Việc buôn bán trao đổi trong nước và ngoài nước được mở mang hơn trước. Ở vùng hải đảo và miền biên giới Lý - Tống, chính quyền hai bên cho lập nhiều khu chợ tập trung để nhân dân dân trao đổi.
"Kỉ Tị (1149) mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa ( đảo Gia-va, In-đô-nê-xi-a), Lộ Lạc (Vương quốc La-vô, Thái Lan), Xiêm La (Thái Lan) vào Hải Đông (Quảng Ninh) xin cư trú buôn bán, (nhà Lý) bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương".
"Giáp Thìn, năm 1184, người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề (Pa-lem-bang - ở Tây In-đô-nê-xi-a) vào trấn Vân Đình dâng vật báu để xin buôn bán".
( Đại Việt sử kí toàn thư)
Thời đó, Vân Đồn là nơi buôn bán tấp nập, sầm uất, có vị trí tự nhiên rất thuận lợi cho thuyền bè qua lại và trú đỗ, lại nằm trên trục hàng hải từ Trung Quốc xuống các nước vùng Đông Nam Á.
* Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr.44,45,46.