Lý Long Cơ được biết đến như một vị hoàng đế vừa có công vừa có tội của triều đại nhà Đường. (Ảnh: Sohu)
1. Tiểu sử Lý Long Cơ - Đường Minh Hoàng
Lý Long Cơ hay còn gọi là Đường Huyền Tông hoặc Đường Minh Hoàng được biết đến là một vị hoàng đế của triều đại nhà Đường. Ông sinh năm 685 và mất vào năm 762. Trong số các hoàng đế của nhà Đường, Lý Long Cơ được nhận định là một trong những người nổi bật nhất.
Ông là con của Đường Duệ Tông và Đức phi Đậu thị. Ông là cháu của Võ Tắc Thiên. Lý Long Cơ là vua của hai thời Khai Nguyên (từ 713 đến 741) và Thiên Bảo (từ 741 đến 756).
Vào năm 694, ông được phong làm Lâm Truy quận vương. Năm 710, hoàng đế Đường Trung Tông bị Vi hậu và An Lạc công chúa đầu độc. Lý Long Cơ kết hợp cùng Thái Bình công chúa lập mưu giết Vi hậu sau đó tôn cha mình là Tương vương Lý Đán lên làm vua. Lý Long Cơ được cha phong làm Bình vương.
Ngay từ nhỏ, Lý Long Cơ đã phải trải qua cuộc sống đầy biến động khi dòng tộc luôn đấu đá tranh giành quyền lực. (Ảnh: Sohu)
Sau khi được cha nhường ngôi, ông đã tiến hành thanh trừng các phe phái chống đối và gây dựng nhà Đường trở lại thời kỳ hoàng kim trong suốt hơn 30 năm. Tuy nhiên sau đó ông lại liên tiếp mắc sai lầm khiến cho nước nhà rơi vào cảnh loạn lạc, bản thân phải chạy sang đất Thục.
Lý Long Cơ - Đường Huyền Tông cũng là một hoàng đế có rất nhiều con cái. Theo thống kê từ cuốn Đường thư quyển số 107 và Tân Đường thư quyển số 83, ông có tới 52 người con, trong đó có 23 hoàng tử và 29 hoàng nữ.
2. Lý Long Cơ – Vĩ nhân hay kẻ tội đồ của lịch sử
Năm 712, Thái Bình công chúa định dựa vào dị tượng xuất hiện trên bầu trời kích động cha của Lý Long Cơ là Đường Duệ Tông diệt trừ ông để tránh hậu họa. Nhưng trái với mong đợi của bà, Duệ Tông lại một mực muốn nhường ngôi cho con. Lý Long Cơ lên ngôi liền đổi Đường Huyền Tông, đổi niên hiệu thành Tiên Thiên và tôn cha mình lên làm Thái Thượng hoàng.
2.1. Lý Long Cơ - Người tạo nên thời kỳ hoàng kim cho nhà Đường
Cuộc sống khi nhỏ của Lý Long Cơ vô cùng biến động, mẹ mất sớm, cuộc sống không có tự do, phải chứng kiến dòng họ đấu đá tranh giành quyền lực. Từ việc Võ thái hậu lập mưu soán ngôi xưng đế, Vi hoàng hậu thao túng triều đình. Sau đó, bằng tài trí của mình, ông đã dẹp yên những tranh chấp, đấu đá quyền lực trong triều.
Khi mới nắm quyền, Đường Minh Hoàng luôn coi trọng người tài, quan tâm người hiền, điều chỉnh mọi việc kỹ càng, thưởng phạt rõ ràng, thuế khóa công bằng, minh bạch, dân chúng đủ cơm ăn áo mặc, khiến cho dân chúng tin tưởng, vua và quan một lòng tạo nên một nhà Đường phát triển cực thịnh. Đây là thời kỳ được các nhà sử học gọi là "Khai Nguyên thịnh thế" – cũng có thể coi là thời điểm hoàng kim nhất trong lịch sử.
Ở thời kỳ Khai Nguyên, Lý Long bằng tài trí của mình đã đưa nhà Đường lên thời điểm hoàng kim nhất. (Ảnh: Sohu)
Cũng theo các nhà sử học, Đường Minh Hoàng – Lý Long Cơ là vị vua rất có mắt nhìn người. Tất cả những vị tể tướng như Diêu Sùng, Trương Cửu Linh, Tống Cảnh, Trương Gia Trinh, Trương Thuyết, Lý Nguyên Hoành, Đỗ Xiêm, Triều Hưu đều là những hiền tài của đất nước.
Ông cho tăng cường trấn giữ biên giới, đưa ra các quy định về việc thuyên chuyển quan lại, lập chủ trương tiết kiệm, bỏ lối sống xa xỉ, chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật. Nhờ có đường lối đúng đắn này, tình hình kinh tế của đất nước ngày càng giàu mạnh, tài chính dồi dào, giá cả bình ổn.
Đối với các nước lân cận như Bách Tế, Chân Lạp, Thổ Phiên, Cao Câu Ly cho đến Trung Á, Bắc Phi đều tin tưởng và thường xuyên cử người tới thiết lập quan hệ ngoại giao với triều đình nhà Đường. Điều này cũng cho thấy nhà Đường ở thời điểm Đường Huyền Tông nắm quyền thời Khai Nguyên đã đạt tới cực thịnh.
Có thể thấy, nếu nói nhà Đường là thời kỳ hùng mạnh cũng chính là để chỉ giai đoạn trị vì của Đường Huyền Tông. Thời kỳ hoàng kim ấy cũng đã được nhà thơ Đỗ Phủ nhắc tới trong bài thơ "Ức tích" của mình (theo bản dịch của dịch giả Phan Ngọc)
" Nhớ ngày xưa thời Khai Nguyên thịnh đức
Áp nhỏ còn đông đúc trên vạn nhà.
Thóc chứa chan gạo trắng xóa tràn trề,
Kho công với kho tư đều chật ních.
Bài Vân Môn trong cung vua tấu nhạc
Bạn bè ương thiên hạ gắn keo sơn…"
2.2. Lý Long Cơ - Kẻ tội đồ khiến nhà Đường bị hủy hoại
Dù rằng dưới sự dẫn dắt của Đường Minh Hoàng, nhà Đường đã đạt được thời điểm cực thịnh nhưng chính ông cũng là người góp phần khiến cho triều đại này bị hủy hoại. Đó là vào những năm tháng cuối đời, ông bắt đầu sinh ra tư tưởng chán chường việc triều chính. Đặc biệt là khi Dương Quý Phi xuất hiện, ông ngày càng trở nên bê tha, bỏ bê chính sự.
Tới những năm cuối đời, Đường Minh Hoàng đam mê tửu sắc đã đẩy nhà Đường vào bờ vực diệt vong. (Ảnh: Sohu)
Đường Minh Hoàng bắt đầu ham mê tửu sắc, tiêu xài hoang phí, sủng ái Dương quý phi, bỏ bê đất nước và trọng dụng gian thần. Thậm chí, hậu cung của ông theo "Tân Đường thư" ghi chép vào thời điểm Khai Nguyên – Thiên Bảo đã có tới hơn 40.000 mỹ nữ.
Một trong những sai lầm nghiêm trọng của Lý Long Cơ là tin tưởng và trọng dụng gian thần và quan tham như Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, An Lộc Sơn và Cao Lực Sĩ khiến cho triều đại ngày đi xuống. Đường Minh Hoàng một mực sử dụng chính sách chú trọng biên giới và coi nhẹ kinh đô của Lý Lâm Phủ mà gia tăng quân lính cho các dân tộc thiểu số, trong đó An Lộc Sơn ở đất Yên là được ưu ái nhất.
Bên cạnh đó, Lý Lâm Phủ còn xúi giục Đường Huyền Tông loại bỏ người Hán, chọn người Hồ trấn giữ tại các khu trọng điểm biên thùy. Sai lầm nối tiếp sai lầm, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã nhân cơ hội này tập hợp quân đội và dấy binh tạo phản. Đây cũng là màn mở đầu cho sự suy tàn của nhà Đường.
Bạo loạn nổ ra, tuy lực lượng binh lính của nhà Đường nhiều gấp 4 lần quân Yên nhưng vì chiến lược sai lầm của mình, Đường Minh Hoàng lại một lần nữa đẩy mình và triều đình vào cảnh họa vô đơn chí. Đó là khi ông nghe lời Dương Quốc Trung ép Kha Thư Hàn đang cố thủ ở Đồng Quan xuất kích dẫn tới đại bại và khiến cho kinh thành mất hàng phòng thủ.
Sau sự kiện này, Đường Minh Hoàng buộc phải tháo chạy khỏi kinh thành rời đến Thành Đô. Triều đình không có người đứng đầu, quan lại làm loạn, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, đất nước hỗn loạn vô cùng. Dù rằng sau đó, cuộc nội chiến đã được dẹp yên nhưng nhà Đường đã không còn có thể khôi phục lại thời kỳ hoàng kim nữa.
Từ bước ngoặt sai lầm của Đường Minh Hoàng – Lý Long Cơ, nhà sử học Nguyễn Hiến Lê đã nhận định rằng "Đường Huyền Tông yêu mỹ nhân, yêu văn thơ, yêu ca hát nhưng không giỏi về chính trị. Ông không đáng được gọi là minh quân, ông chỉ là một hoàng đế tài hoa, yêu cái đẹp, biết làm thơ, phổ nhạc, ca hát và nhảy múa nhưng lại quá nghệ sĩ. Chính cái tính đó đã làm cho quốc gia và dân chúng rơi vào điêu tàn, lầm than và khiến cho nhà Đường bị diệt".
3. Tại sao Lý Long Cơ sau khi lên ngôi lại lấy tên là Đường Huyền Tông?
Ít ai biết được rằng, Lý Long Cơ lấy cái tên Đường Huyền Tông là để thể hiện mong muốn được sống một cuộc sống thoát tục, phiêu diêu tự do tự tại như những vị thần tiên trên trời. Trong cuốn sách "Khai Nguyên Thiên Bảo di sự" của Trử Nhân Hoạch, một nhà văn nổi tiếng thời Minh, Thanh, ông đã tiết lộ về những bí ẩn còn ẩn chứa sau cái tên Đường Huyền Tông. Vậy những bí mật đó là gì?
Có rất nhiều giai thoại bí ẩn liên quan tới cuộc đời của Đường Huyền Tông. (Ảnh: Sohu)
3.1. Liên quan tới sự ra đời của của nghê thường vũ y khúc
Đây là vũ nhạc cung đình thời Đường có tên gọi là "Nghê thường vũ y khúc" hay còn gọi tắt là "Nghê thường". Nghê thường vũ y khúc là sáng tác của hoàng đế Đường Huyền Tông. Tương truyền, quá trình sáng tác vũ khúc này cũng vô cùng thần bí.
Lý Long Cơ trong một đêm trăng rằm đã theo chân đạo sĩ La Công Viễn đến thăm cung Quảng Hàn. Trên cung trăng, Đường Huyền Tông tình cờ được chiêm ngưỡng vài trăm tiên nữ trong trang phục nghê thường làm bằng lông chim (trang phục có màu sắc cầu vồng) múa hát theo một điệu nhạc vô cùng huyền diệu.
Vốn là người yêu nghệ thuật, Đường Minh Hoàng rất hâm mộ điệu khúc này nên đã chép lại để cho các ca nữ của mình diễn tấu. Bởi vậy từ đó, khúc nhạc của thiên đình đã được phổ biến dưới hạ giới. Không những thế, quá trình sáng tác của "Nghê thường vũ y khúc" còn mang đầy tính huyễn mộng, kỳ ảo.
3.2. Đường Huyền Tông cứu mạng Diệp Pháp Thiện
Trong một lần ngồi hàn huyên cùng Diệp Pháp Thiện, Lý Long Cơ đã hỏi Diệp Pháp Thiện về lai lịch của Trương Quả Lão để xác định xem Trương Quả Lão có phải thần tiên không. Diệp Pháp Thiện vốn là một đạo sĩ nổi tiếng với khả năng gọi hồn đã đáp lại rằng, ông biết nhưng nếu nói với Đường Huyền Tông thì ông sẽ phải chết ngay lập tức. Trừ phi Đường Huyền Tông hứa rằng sẽ để đầu và chân trần tới gặp Trương Quả Lão để xin lỗi thì ông mới có thể sống lại được.
Đường Huyền Tông đồng ý và Pháp Thiện đã nói với ông rằng: "Trương Quả Lão vốn là một con dơi trắng sinh ra từ trong hỗn nguyên". Tuy nhiên, vừa nói xong, Diệp Pháp Thiên lập tức nôn ra máu và chết ngay dưới chân Lý Long Cơ.
Dù đã gây ra nhiều tội lỗi nhưng Lý Long Cơ vẫn là người đóng góp nhiều sự phát triển tích cực cho nhà Đường. (Ảnh: Sohu)
Việc này khiến cho Lý Long Cơ sợ hãi và nhanh chóng tìm Trương Quả Lão tạ tội. Ông khẩn cầu Trương Quả Lão bỏ qua cho mình vì tính tò mò, sau đó, Quả Lão đã dùng vẩy nước vào mặt Diệp Pháp Thiện và ông ta liền sống lại.
Hai câu chuyện có phần bí ẩn này đã phần nào minh họa được những điều kỳ bí mà Lý Long Cơ đã từng trải qua cũng như lý giải sự ngưỡng mộ của ông đối với cuộc sống thần tiên, đồng thời cũng giúp cho hậu thế hiểu được vì sao ông lại lấy tên là Đường Huyền Tông.
Lịch sử Trung Quốc với hàng nghìn năm đã trải qua biết bao biến động, đồng thời cũng sản sinh ra vô số những anh hùng kiệt xuất. Có thể nói Lý Long Cơ là một nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất đối với hậu thế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông đã góp phần quan trọng tạo ra những sự phát triển tích cực cho nhà Đường cũng như để lại nhiều bài học quý giá cho các thế hệ sau.