Ly kỳ vụ án trưởng chi nhánh phạm tội, bỏ trốn

TRẦN THÁI |

Đây là một trong những vụ án liên quan đến tham nhũng và sai phạm tài chính trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Theo kế hoạch, TAND TP HCM sẽ xét xử lại vụ án Phương Đình Chiến (cựu Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngành in Hà Nội) và đồng phạm vào ngày 12-9. Phiên xét xử sẽ tập trung làm rõ các yếu tố liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mức độ liên đới của từng bị cáo trong việc chiếm đoạt hơn 68,4 tỉ đồng thông qua các thủ đoạn gian lận tài chính tại Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Ngành in Hà Nội tại TP HCM.

Nhiều lần xét xử

Trước đó, vụ án đã qua các cấp xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần quyết định dân sự, yêu cầu TAND TP HCM xét xử sơ thẩm lại nhằm bảo đảm tính khách quan và xác định rõ trách nhiệm dân sự của các bị cáo.

Bối cảnh vụ án bắt đầu từ năm 1993, khi Công ty Xuất nhập khẩu Ngành in Hà Nội thành lập chi nhánh tại TP HCM và bổ nhiệm Nguyễn Khắc Sơn làm trưởng chi nhánh. Từ năm 1999 đến tháng 5-2004, Sơn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo công ty để chỉ đạo các hoạt động gian lận, nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước. Với vai trò trưởng chi nhánh, Sơn đã cấu kết cùng các thuộc cấp, thực hiện nhiều hành vi sai trái, làm thất thoát số tiền lớn của doanh nghiệp.

Cách thức chiếm đoạt tài sản được Sơn và đồng phạm thực hiện thông qua việc lập phiếu thu tiền không khớp với số tiền thực nhận từ khách hàng. Bấy giờ, Phan Thị Ngọc Diệp (thủ quỹ của chi nhánh) đã tuân theo chỉ đạo của Sơn, lập các phiếu thu giả nhằm giảm bớt số tiền thực thu, tạo điều kiện cho Sơn chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Sơn tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Vân (kế toán chi nhánh) ký các chứng từ (phiếu thu, phiếu chi, hóa đơn, ủy nhiệm chi) để che đậy hành vi gian lận tài chính hơn 60,4 tỉ đồng và báo cáo sai sự thật lên công ty mẹ.

Ngoài ra, Sơn còn ký hợp đồng bán giấy với các công ty nhưng thực chất đã thỏa thuận với đối tác để thế chấp hợp đồng tại VietinBank Chi nhánh tỉnh Bình Dương và Agribank Chi nhánh 10 TP HCM, chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng. Diệp hỗ trợ Sơn lập sổ sách tài chính giả để cân đối kế toán, qua đó giúp Sơn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước một cách trơn tru.

Ly kỳ vụ án trưởng chi nhánh phạm tội bỏ trốn - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 11-2019Ảnh: DI LÂM

Kháng nghị hủy án

Theo đó, trách nhiệm của các bị cáo được xác định rõ ràng. Cụ thể, Diệp với vai trò thủ quỹ đã giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tài sản, hành vi đã cấu thành tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối với Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân (kế toán trưởng) do buông lỏng quản lý và thiếu trách nhiệm giám sát hoạt động chi nhánh, dẫn đến việc Sơn chiếm đoạt 68,4 tỉ đồng của nhà nước. Hành vi của Chiến và Quân cấu thành tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối với Nguyễn Thị Thu Vân bị buộc tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại phiên sơ thẩm năm 2019, TAND TP HCM tuyên phạt Diệp 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, các bị cáo khác cũng nhận án treo hoặc mức án nhẹ hơn. Sau đó, VKSND TP HCM đã kháng nghị, yêu cầu tăng hình phạt và buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại liên đới, với tỉ lệ bồi thường của Diệp là 35%, Chiến 25%, Quân và Vân - mỗi người 20%. Tòa án cũng đã hủy lệnh kê biên đối với các tài sản của các bị cáo Diệp, Quân và Vân.

Tại phiên tòa phúc thẩm, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã rút một phần kháng nghị về tăng hình phạt và giữ nguyên án treo cho Diệp. Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại TP HCM vẫn chấp nhận phần kháng nghị về trách nhiệm bồi thường dân sự, giữ nguyên mức bồi thường thiệt hại liên đới của các bị cáo. Đồng thời, tòa cũng quyết định tiếp tục kê biên tài sản của Diệp, Quân và Vân nhằm bảo đảm thi hành án.

Ngày 7-3-2023, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu hủy bỏ bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần quyết định dân sự và xét xử lại từ đầu. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy bỏ các quyết định buộc bồi thường thiệt hại của các bị cáo, lệnh kê biên tài sản và quyền khởi kiện dân sự đối với Nguyễn Khắc Sơn. Việc xét xử lại phần dân sự sẽ tiếp tục tại phiên tòa sơ thẩm. 

Nguyễn Khắc Sơn, kẻ chủ mưu của vụ án, đã bỏ trốn và tẩu tán toàn bộ tài sản, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản nhà nước.

Rút kinh nghiệm 4 vấn đề

Đối với vụ án này, hồi tháng 11-2023, VKSND Tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm 4 vấn đề. Thứ nhất, tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên tội danh không chính xác cho bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp, thừa cụm từ "trật tự" trong tên tội danh, không đúng với điều 165 Bộ Luật Hình sự năm 1999.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường dân sự được tuyên cho các bị cáo Phương Đình Chiến, Nguyễn Văn Quân và Nguyễn Thị Thu Vân là không phù hợp, vì họ không có ý định chiếm đoạt tài sản và không hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Thứ ba, việc tách phần dân sự ra khỏi vụ án hình sự là vi phạm quy định tại điều 30 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, bởi vấn đề dân sự cần được giải quyết cùng với vụ án hình sự. Cuối cùng, tòa án phúc thẩm đã vượt quá phạm vi xét xử khi tuyên trách nhiệm bồi thường mà tòa sơ thẩm chưa xem xét, vi phạm quyền kháng cáo của các bị cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm theo điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại