Anh Toản cột “thủy quái”
Đối diện nguy hiểm
Sông Sê San đoạn chảy qua xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, Gia Lai) nổi tiếng với loài “thủy quái” khổng lồ từ mười đến sáu, bảy mươi ký (kg). Đường vào nơi đây đẹp vô cùng với đồng lúa bằng phẳng, rẫy cà phê vút tầm mắt.
Từ thành phố Pleiku, sau nửa giờ băng qua quãng đường 70km, vượt qua ngọn núi hùng vĩ ở xã Ia Kreng, đổ dốc xuống cũng là địa điểm chúng tôi cần đến. Nơi đây giáp với huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Một trong những cần thủ sát cá là anh Vũ Đình Quỳnh (SN 1982, ở thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Anh có thâm niên gần chục năm đi săn “thủy quái”. Anh kể, bản thân sinh ra ở Nam Định, dịp vào thăm người chú ở huyện Chư Păh trót thương một cô gái cao nguyên.
Ngoài quê đất hẹp người đông, vậy là anh Quỳnh quyết định ở lại vùng đất này với người vợ để trồng cà phê. Anh chia sẻ, gia đình còn khó khăn vì nuôi con nhỏ nên mới sắm được bốn cần câu, mỗi chiếc hơn 1 triệu đồng. Bởi thế, cá lăng tầm hơn chục ký trở lên dính câu, anh Quỳnh phải khéo léo làm cá mệt mới có thể đưa lên bờ.
Ngoài làm thức ăn cho gia đình, mỗi ký cá lăng đuôi đỏ giá chừng 300 nghìn đồng, mang lại nguồn thu kha khá cho gia đình anh những ngày nông nhàn.
Ông Phận tươi cười sau thành quả một đêm
“Ở các khúc sông chảy qua huyện Chư Păh, cá lăng là loài có giá trị nhất nhưng cũng khó bắt vô cùng. Mấy năm trước, có lần tôi câu được con lăng hơn 50kg. Đấy là lần câu nhớ đời nhất của tôi khi phải giữ cần cả mấy tiếng đồng hồ, lúc nào cũng phải gồng mình, đạp chân vào tảng đá nếu không nó kéo mình xuống sông ngay.
Giờ loại to thế hiếm lắm, mấy năm mới có người may mắn bắt được. Riêng câu cá vài ký thì dễ, giờ nào bọn nó cũng đớp nhưng hàng 8 ký trở lên là khó vô cùng vì nó nằm trong hang đá đến khuya mới đi ăn”, anh Quỳnh cho hay.
Nhóm câu cá của anh Quỳnh gồm 5 người, tất cả ở thị trấn Ia Ly, ai cũng nổi tiếng bởi sự lì lợm, sẵn sàng ôm cần xuyên đêm đợi cá “khủng”. Trong đó ông Phan Văn Phận (53 tuổi) làm nhóm trưởng rất hóm hỉnh, luôn nghĩ ra các mẩu chuyện vui kể cho anh em nghe.
Gặp người lạ ông Phận tếu táo: “Tôi và anh em ở đây người làm thợ máy, người làm thợ đụng, thợ xây. Cuộc sống vất vả nên không dám ham chơi, bởi thế câu cá vừa tránh được bia rượu thâu ngày vừa có thêm đồ ăn cho vợ con. Lắm khi vợ chồng giận nhau tôi alo anh em đi câu cá qua đêm, sáng ra bế con lăng hơn chục ký về, mụ vợ thấy cái cười tươi như hoa, chẳng cần giải thích gì”.
Ở khúc sông Sê San này, nơi nào có loài cá gì nhóm của ông Phận đều tường tận. “Mùa này câu cá lăng, tháng 3 câu cá chép, tầm tháng 11 lại cá ngựa (giống như cá trắm đen), còn cá rô phi mùa nào cũng có”, ông Phận chia sẻ và nhấn mạnh việc hiểu rõ tập tính của cá này rất quan trọng bởi mỗi loài cá sẽ phải có cách câu, dùng mồi cho phù hợp. Năm nay ít mưa nên lượng cá câu được không nhiều, trong khi năm trước, tháng 7 có mưa nhiều, mỗi ngày mang cả chục ký cá về.
“Cá lăng kiếm ăn ngược dòng nước nên cơ thể nó rắn chắc, khỏe mạnh vô cùng. Nhìn lòng sông chỗ nào có hờm đá, nước cuộn thì ném mồi giun vào đó thì chắc chắn sẽ có lăng”.
Nhắc về kinh nghiệm gỡ móc câu vướng vào ghềnh đá dưới sông Sê San, mắt ông Phận bỗng chùng xuống, bởi đã có những vụ đuối nước thương tâm lúc câu cá. Theo thợ câu lão luyện này, việc gỡ móc câu hoặc khi cá mắc dưới nước cần có kinh nghiệm, sơ ý sẽ bị nước cuốn ngay vì dày đặc đá ngầm dưới sông. Đó là chưa kể nước lạnh buốt, ngã xuống rất dễ bị chuột rút.
Ông Phận nhớ cách đây vài năm, có cậu bé người dân tộc Jrai hơn 10 tuổi đi chăn bò ra câu cá không may bị đuối nước, ông Phận liều mình lao xuống cứu. Vớt lên bờ toàn thân cậu bé run lẩy bẩy. Bố mẹ cậu bé từ làng xuống thấy con được ân nhân cứu mạng, mừng rơi nước mắt.
“Cứu người đuối nước cũng phải có cách nếu không nó dìm mình xuống theo. Sông Sê San chảy xiết phải bơi xuôi theo dòng của nó rồi dạt vào bờ, còn mà gắng sức vượt dòng coi như xác định chìm cả hai”, ông Phận chia sẻ.
Ôm cần giữa đêm mưa
Nhóm câu của ông Phận có nguyên tắc không sử dụng cách kích điện tận diệt, bởi việc này sẽ giết sạch cả cá lớn lớn lẫn cá bé, hơn nữa cũng chỉ bắt được một vài con, còn lại sẽ chết hoặc bị tật không lớn được. Nếu gặp các trường hợp kích điện tận diệt nhóm sẽ nhắc nhở hoặc báo chính quyền để xử lý.
Ông Rơ Châm Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết, người dân ở đây tận dụng khúc sông Sê San đánh bắt thủy sản phục vụ cuộc sống lúc nông nhàn. Để đảm bảo an toàn, xã cắm các biển cảnh báo những khúc sông nguy hiểm, cắt cử lực lượng tuần tra kiểm soát. Bởi vậy 3 năm trở lại đây không xảy ra vụ đuối nước nào. Ngoài ra, xã vận động người dân giao nộp kích điện, đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng sử dụng kích điện đánh bắt tận diệt thủy sản.
Chập tối, anh Trần Đình Toản (40 tuổi) câu được một con cá lăng đuôi đỏ 3kg, sau hơn 30 phút nướng cá không cần ướp gia vị gì, cả nhóm có bữa tối đơn giản nhưng hiếm có sơn hào nào sánh bằng.
Khoảng 22 giờ đêm trời đổ mưa tầm tã, thời điểm này các anh buông cần, chuẩn bị tâm lý đợi “thủy quái”. Sau 3 tiếng ôm cần không thấy động tĩnh gì những người còn lại rúc vào tấm ni-lông quây tạm ngủ giữa trời mưa lạnh buốt, riêng thủ lĩnh Phận vẫn ngồi canh... “Cá lăng kiếm ăn ngược dòng nước nên cơ thể nó rắn chắc, khỏe mạnh vô cùng. Nhìn lòng sông chỗ nào có hờm đá, nước cuộn thì ném mồi giun vào đó thì chắc chắn sẽ có lăng”, ông Phận chia sẻ kinh nghiệm.
Hai giờ đêm ông Phận thất thanh gọi cùng tiếng chuông của các cần rung lên đồng loạt. Mọi người vùng dậy kéo cần. “Thủy quái” quá lớn giằng đứt cước 3 cần. Duy nhất ông Phận với kinh nghiệm dày dặn sau gần một tiếng giật nhả, khéo léo đã chinh phục được “thủy quái” cả chục ký, dài gần một mét.
Không uổng sự kiên trì của các anh, mờ sáng lần lượt mỗi người câu được những con cá lăng cho riêng mình, nở nụ cười mãn nguyện sau cả đêm thấp thỏm. Tuy vậy, chỉ riêng anh Toản hôm nay chưa may mắn. Hửng nắng mọi người thu cần, thương anh Toản, ông Phận chia sẻ một con để tất cả vui vẻ về với gia đình.