Ly kỳ quanh cây sưa trăm tỷ ở Hà Nội sắp được bán: Tờ giấy đe dọa ném vào nhà dân

Thanh Tú |

UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho người dân bán cây sưa trăm tỷ ở ngôi chùa thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính. Trước đó, người dân như ngồi trên đống lửa khi cây bị mối mọt tấn công.

Ông Nguyễn Văn Chính (Chủ tịch UBND xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết trên báo Dân trí, hôm 5/10, UBND TP Hà Nội cho phép người dân thôn Phụ Chính được bán cây sưa có giá ước tính cả trăm tỷ đồng ở ngôi chùa trong thôn.

Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ sẽ về làm thủ tục cụ thể trong thời gian sắp tới.

Việc bán cây sưa hơn 130 năm tuổi là mong mỏi nhiều năm nay của bà con trong thôn. Bởi có quá nhiều rắc rối quanh cây sưa này đã xảy ra với bà con. Từ chuyện trộm sưa hoành hành, đe dọa dân làng, tới chuyện cây sưa có dấu hiệu chết khô, bị mối mọt tấn công khiến người dân như ngồi trên đống lửa. 

Họ sợ rằng càng để lâu, sưa sẽ mục nát không còn giá trị.

"Chúng tôi mong chính quyền địa phương bán cây sưa vừa để có kinh phí trùng tu các công trình phúc lợi, lại không phải sống trong cảnh bất an, lo lắng cây bị chặt hạ như hiện nay", trụ trì chùa thôn Phụ Chính nói với VTC News.

Ly kỳ quanh cây sưa trăm tỷ ở Hà Nội sắp được bán: Tờ giấy đe dọa ném vào nhà dân - Ảnh 1.

Sưa được bảo vệ bằng thép. Ảnh: VTC News

Một nhánh của cây sưa quý đã bị trộm cuỗm đi vào một đêm mưa gió bão bùng năm 2012. Vụ trộm ly kỳ khiến dân làng bán tán không ngớt.

"Tới quá nửa đêm toàn thôn mất điện, gió bão ầm ầm, mưa rát mặt nên không ai đi đâu ra ngoài, sáng ra dân làng mới ngỡ ngàng vì phát hiện nhánh cây sưa 100 tỷ đồng không cánh mà bay", ông Nguyễn Xuân Ngợi (Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Phụ Chính) kể lại trên báo Lao động.

Còn cụ Đinh Thị Cãi thì nhớ lại, một nhóm thợ làm công cho nhà cụ nghe thấy tiếng ầm rất lớn trong đêm cây sưa bị trộm, rồi im bặt.

Sáng hôm sau, tại hiện trường chỉ còn lại mùn cưa, cành lá, đoạn dây thừng và dấu vết bánh xe. Khóa cổng nhà chùa bị cắt, một nhánh sưa đã mất.

Sau vụ trộm, cả làng thay phiên nhau trông coi sưa cả ngày lẫn đêm. Bà con bỏ tiền mua thép về làm "áo giáp sắt" bảo vệ sưa. Dân làng thuê 2 người khỏe mạnh trông coi sưa ban đêm, mỗi người được trả công 100 ngàn đồng.

Thậm chí, cụ Vũ Viết Binh (thôn Phụ Chính) còn nhận được rất nhiều tờ giấy đe dọa khi ra sức bảo vệ sưa.

"Có anh vứt giấy vào đe dọa tôi giữa thời kỳ làm căng, một câu nói "nếu ông muốn yên thân ông hãy dừng lại ngay". Sau đó tôi có ý kiến, các cán bộ công an về đây gặp tôi, nói "cụ cứ yên tâm, chúng tôi sẽ bảo vệ"", cụ Binh kể trên VTC 16.

Theo thuật lại của báo Nông nghiệp Việt Nam, thời điểm cụ Binh nhận được tờ giấy đe dọa trên ném vào sân là khi vụ vừa trở về nhà sau một đêm thức trắng trông coi gốc sưa. Cụ là 1 trong hơn 20 người thuộc Ban quản lý gỗ sưa làng Phụ Chính.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại