Ly hôn là "cột mốc", không phải "bom nguyên tử", hãy bình tĩnh đứng lên và xây tiếp đời mình!

An Nguyên |

Khi cả hai người đã không thể cùng đạp xe chung trên một con đường, thì ngã rẽ là điều tất yếu, quan trọng rằng, khi rẽ sang hướng khác, mỗi người vẫn phải tự lập được trên chính đôi chân mình.

Tôi viết bài này với tư cách là một bà mẹ đơn thân, với tình hình tài chính khá ổn khi có một công việc tốt tại một tập đoàn nước ngoài. 

Vì vậy, có thể góc nhìn của tôi không bao quát hết mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng trong phạm vi bài này tôi chỉ muốn đề cập đến vấn đề muôn hữu "ly hôn" và cách người Á Đông chúng ta thường hay đối mặt với nó.

Vừa rồi đọc rất nhiều bài báo viết về tội phạm hoặc những người nói nôm na là không được đánh giá tích cực trong xã hội, đều thấy các bài báo đăng rằng "xuất thân trong một gia đình không hạnh phúc. 

Bố mẹ đã ly dị từ lúc…tuổi". Phải chăng chính vì định kiến xã hội chúng ta, với ngay cả những công cụ truyền thông như vậy đã khiến cho hai chữ "ly dị" trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con người ta vẫn "cố" có được một cuộc sống với vỏ bọc là hạnh phúc vì sự trưởng thành của con trẻ. 

Đã có những thống kê nào để so sánh rằng những đứa trẻ sống bên cạnh bố mẹ đầy đủ sẽ tài năng hơn, sẽ hạnh phúc hơn những đứa trẻ không có bố mẹ bên cạnh không? 

Xin thưa rằng, không bao giờ có thống kê đó bởi lẽ sự trưởng thành và hạnh phúc của một đứa trẻ sẽ bao gồm rất nhiều yếu tố với những xuất phát điểm khác nhau.

Trong phạm vi bài này, tôi muốn bàn đến khía cạnh ly hôn văn minh. Vợ chồng ly hôn tức mối quan hệ của họ sẽ kết thúc. Nhưng bố và mẹ thì mãi mãi là bố và mẹ. 

Quan trọng rằng, khi ly hôn, bố và mẹ vẫn yêu thương con và chăm sóc con, cho con cuộc sống đầy đủ thì lẽ nghiễm nhiên, tuy không cần bên cạnh con 24/24, đứa trẻ vẫn cảm nhận được sự quan tâm từ phía gia đình.

Ly hôn là cột mốc, không phải bom nguyên tử, hãy bình tĩnh đứng lên và xây tiếp đời mình! - Ảnh 1.

Người Á Đông chúng ta luôn nói về hiện tượng, nhưng không giải quyết tận gốc ngọn cho hiện tượng đó. 

Ly hôn là một hiện tượng, và nếu là tôi sẽ có vài lời khuyên cho các nguyên nhân sâu xa như sau:

1. Vợ chồng luôn phải tương đồng

Đã có lần nói chuyện với anh bạn đồng nghiệp, và tự nhận thấy rằng ông bà xưa nói rất đúng "môn đăng hộ đối". Nếu suy nghĩ hẹp, chỉ nói về vấn đề giàu nghèo và đẳng cấp. 

Nhưng nếu suy nghĩ rộng hơn, đó là sự tương đồng, sự cân bằng về văn hóa, nền tảng giáo dục, hành vi và lối sống, từ đó, vợ chồng mới có thể giao tiếp, sẻ chia và trao đổi – vốn là trọng tâm của bất kỳ cuộc hôn nhân nào.

Rõ ràng, thế giới thay đổi từng giờ, chúng ta quen nhau lúc 5 – 10 năm về trước khi cưới và tới bây giờ, chắc chắn cũng thay đổi theo vòng quay của xã hội, của nền kinh tế. 

Vậy nên, nếu 1 người phát triển, người còn lại cứ giậm chân tại chỗ như  5 – 10 năm trước thì dĩ nhiên sự bất đồng sẽ rất có thể xảy ra. Và đương nhiên thay đổi cũng nên theo cùng 1 hướng.

Vì vậy, nhiều khi đọc vài câu chuyện và thấy rằng "anh ấy/ cô ấy đã thay đổi, ko còn như xưa". Giọng điệu hờn ghen, trách móc. 

Phải chăng vì người trong cuộc đã "lười" vận động theo guồng quay của xã hội để rồi dẫn đến lệch pha? Quyết định của mấy mươi năm về trước chưa chắc đúng của thời điểm này.

2. Những gì nên tự nhủ với bản thân khi ly hôn

Cả hai người vợ và chồng đều sẽ chịu cảnh mất mát, nhưng nếu không tìm thấy niềm vui bên nhau thì tạo cơ hội cho người đối phương thấy niềm vui. 

Bởi lẽ, đi làm 1 công việc không phù hợp còn có thể nghỉ làm chỗ này, đi làm chỗ khác. Làm gì sai vẫn có thể sửa. 

Duy, chỉ có hôn nhân – cái quan trọng nhất của đời người – lại không được sửa, lại nên cùng nhau chịu đựng vì con cái. 

Chúng ta thường nói, đứng lên từ vấp ngã và thất bại, vậy mà cái tư duy ấy không được người Á Đông chúng ta áp dụng cho hôn nhân. Có mâu thuẫn quá chăng?

Nếu là người đàn ông, khi ly hôn, hãy luôn tâm niệm rằng, mình mãi mãi là ba của con mình. 

Phải luôn chăm sóc, định hướng đúng đắn cho con, cùng con chia sẻ bên cạnh sự hạnh phúc của bản thân. 

Luôn xem gia đình bên vợ (cũ) là họ hàng để giúp đỡ khi cần. Đó mới là cách tự nhủ bản thân đúng khi ly hôn.

Nếu là người phụ nữ, phải chăng nên yêu bản thân, nên tự lập. Bởi lẽ một ngày nào đó, cuộc sống không đoán trước được điều gì, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cuộc sống cho bản thân chúng ta. 

Vì vậy, tự lập để khi ly hôn đừng bao giờ gào thét rằng "Anh bỏ tôi, trong khi tôi đã hy sinh…" 

Người phụ nữ khi đã tự chịu trách nhiệm được cho bản thân, thì khi ly hôn, đương nhiên họ cũng sẽ buồn, mất mát; nhưng sự thù ghét, oán trách sẽ nhường chỗ cho sự đón nhận những thử thách trong cuộc sống, sẽ bao dung để mình tốt hơn và con tốt hơn.

Cuộc sống vốn lẽ công bằng. Cả chồng và vợ cũng đừng nên quá hy sinh, mà hãy cùng đóng góp, như vậy mới tạo thế cân bằng. 

Hy sinh khi mình chưa lo được cho bản thân, phải chăng là điều suy nghĩ Á Đông chúng ta nên thay đổi.

Ly hôn là cột mốc, không phải bom nguyên tử, hãy bình tĩnh đứng lên và xây tiếp đời mình! - Ảnh 2.

3. Dạy gì cho con khi ly hôn

Đây là lý do chính, là sự bào chữa chính cho các cặp vẫn còn sống bên nhau dù đã cạn tình, để rồi uổng phí mấy chục năm ngắn ngủi. 

Dĩ nhiên, sự hoàn hảo nhất vẫn là bên cạnh ba mẹ yên ấm. Nhưng cuộc sống nào có sự hoàn hảo tuyệt đối. 

Chúng ta có đang đi ngược lại không, khi một mặt dạy con luôn cố gắng vượt khó, một mặt lại luôn cho con sự hoàn hảo "giả tạo".

Thông điệp – Đây là điều quan trọng khi nói với một đứa trẻ khi ly hôn. Hãy giải thích cho đứa trẻ rằng sự không hợp tính cách của ba mẹ là điều vẫn có trong muôn vàn cuộc sống. 

Ba mẹ không bên nhau vì không muốn tranh cãi nhau dẫn đến việc càng ngày càng tiêu cực, nhưng ba mẹ vẫn luôn thương con. 

Khi nào con cần thì sẽ có ba và/hoặc mẹ. Cuộc sống sau này, con còn gặp rất nhiều sự ly hợp nữa, và điều quan trọng rằng con hãy học cách đón nhận nó nhẹ nhàng nhất.

Vượt thử thách – Đứa trẻ cần được biết đây chỉ là thử thách đầu tiên trong cuộc sống, sau này sẽ còn muôn vàn các thách thức khác. 

Cái đứa trẻ cần được dạy dỗ rằng đây là thử thách như bao người, và thậm chí nhiều bạn còn có những khó khăn khác đáng thương hơn. 

Đứa trẻ cần vượt qua, ba mẹ tuy không gần con 100% nhưng luôn bên con.

Sống cuộc sống của riêng con – Cần cho đứa trẻ hiểu rằng sau này mỗi người trưởng thành đều sống cuộc sống của mình. 

Ba mẹ không thể bên con suốt đời, nhưng ba me luôn định hướng cho con. Đó là điều ba mẹ tuy không chung sống với nhau nhưng vẫn luôn dành cho con tình yêu thương tròn vẹn.

Sự chuẩn bị tâm lý – Khi ly hôn, các bậc cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho đứa trẻ dần dần, để đứa bé hiểu rõ hơn về lý do, nguyên nhân cũng như sự ảnh hưởng đến bé. 

Nhẹ nhàng chia sẻ theo thời gian, từng chút một.

Một lần nữa, tác giả bài viết vẫn là người phụ nữ, vẫn khóc thầm khi một mình trong đêm khuya trong căn phòng rộng, nhưng tôi vẫn tin rằng sẽ có môt tình yêu mới đang chờ đợi không làm cho tôi hạnh phúc mà cả con cũng hạnh phúc. 

Đứa con tôi rồi sẽ có ba và bố, có mẹ và má. Còn nếu không gặp tình yêu đích thực thì tôi cũng phải mỉm cười, sẽ có chút cô đơn đó nhưng đó là cuộc sống, tôi đã may mắn hơn bao người rồi.

Thay vì ngồi đó, than vãn chuyện ly hôn và cho rằng đó là sự thay lòng đổi dạ của bất cứ ai, tại sao chúng ta không nhìn lại căn nguyên của vấn đề? 

Khi cả hai người đã không thể cùng đạp xe chung trên một con đường, thì ngã rẽ là điều tất yếu, quan trọng rằng, khi rẽ sang hướng khác, mỗi người vẫn phải tự lập được trên chính đôi chân mình.

Tất cả đều là lẽ hiển nhiên của cuộc sống. Không ai được hoàn hảo, và cũng không ai bất hạnh tất cả… Ly hôn cũng chỉ là một cột mốc trong cuộc sống của người đàn ông, người phụ nữ và những đứa trẻ. 

Hãy cố gắng gìn giữ theo hướng văn minh, nếu không còn có thể hãy đón nhận nó một cách nhẹ nhàng. 

Trong câu chuyện này còn đòi hỏi cả định kiến của xã hội và ngòi bút của truyền thông, đừng cho rằng "ly hôn" là gì ghê gớm lắm để tạo ra bất hạnh cho một mầm non…. Quan trọng là cách hành xử như thế nào!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại