Lý Hải: Tại sao cha mẹ phải nai lưng làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con?

Cao Thanh Hương |

"Người ta bảo "hi sinh đời bố củng cố đời con", tôi thấy câu đó phi lý. Tại sao cha mẹ phải nai lưng ra làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con?", Lý Hải chia sẻ.

Lý Hải tự nhận mình là người "ăn nói cục mịch" nên dễ mất lòng người khác nhưng tôi dám chắc rằng bất cứ ai gặp Lý Hải lần đầu đều có thiện cảm với anh. Lý Hải giản dị, thật thà, có sao nói vậy... dù với một người xa lạ như tôi.

Tôi và Hà đều là người tự ái cao

Báo chí vẫn luôn viết về cuộc sống của vợ chồng anh bằng những mỹ từ như hạnh phúc và vui vẻ. Nhưng đó là góc nhìn bên ngoài. Người ta bảo, sống trong chăn mới biết chăn có rận, đúng không anh?

Thực tình vợ chồng tôi chưa bao giờ gây lộn. Nếu ý tôi thế này, ý Hà thế kia tôi sẽ nhún. Nói cho văn vẻ là "vợ luôn đúng" còn thật thà thì tôi nghĩ "kệ nó đi, sao cũng được, ý bà ấy vậy thì mình nghe theo đi".

Tôi rất nóng tính chính vì thế nếu thấy mình sắp nổi nóng tôi sẽ ra ngoài uống cà phê, khi nào hạ hỏa thì về nói chuyện sau.

Nhưng tôi cũng thấy cuộc sống không có gì đáng nổi nóng hết. Thời gian giận nhau mình có thể làm được biết bao nhiêu việc. Thời gian làm hòa mình cũng làm được bao nhiêu việc.

Lý Hải: Tại sao cha mẹ phải nai lưng làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con? - Ảnh 1.

Cưới nhau năm 2010, gần như mỗi năm họ đều có thêm thành viên mới...

Nói thì dễ mà làm mới khó...

Điều cốt lõi nhất là cả tôi và Hà đều có tự ái rất cao. Nếu không biết kiềm chế thì rất dễ bất đồng.

Tôi nghĩ, trong lúc tự ái mình lỡ lời nói nặng thì sau đó không biết làm sao để nhìn mặt nhau. Ngược lại, Hà cũng biết tôi tự ái cao nên cũng tự kiềm chế, điều tiết bản thân để không bao giờ nói những điều làm đối phương tổn thương.

Đối với cuộc sống vợ chồng quan trọng nhất là phải biết nhường nhịn nhau. Để cái tôi lớn quá sẽ dễ xích mích.

Còn chuyện chêch lệch tuổi tác giữa hai vợ chồng có làm khó gì trong cuộc sống hôn nhân không?

Khó là lúc mới quen còn 1, 2 năm sau thì hiểu ý nhau rồi nên không trở ngại gì. Mặc dù tôi lớn tuổi nhưng thoáng chỉ phải cái tính nóng thôi.

Lý Hải: Tại sao cha mẹ phải nai lưng làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con? - Ảnh 2.

Thành viên trong tổ ấm ấy mỗi năm mỗi tăng...

Sau này tôi có một cách để tiết chế sự nóng nảy là không bao giờ cho rằng mình luôn đúng. Cho dù sự việc đó tôi biết mình đúng nhưng cứ nghĩ vợ đúng, đợi lúc nào cả hai bình tĩnh tôi nhẹ nhàng phân tích sau.

Hơn nữa, để con cái nhìn thấy cha mẹ gây lộn sẽ không hay nên cả hai vợ chồng tự đặt ra quy tắc trong nhà chỉ có tiếng cười, không có ồn ào.

Tất nhiên lúc đầu rất khó nhưng khi đã thành thói quen thì mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng và dễ thở vô cùng.

Không để tài sản cho con

Có 4 nhóc rồi, anh còn định sinh con nữa không?

(Cười) Không, tôi dừng lại rồi. Có con nhiều là niềm vui, hạnh phúc nhưng cái gì cũng có giá của nó. Tôi nhận được hạnh phúc về gia đình thì phải đổi lại thời gian tự do của bản thân.

Hiện tại, hầu như thời gian biểu của vợ chồng tôi đều ưu tiên cho con hết. Một năm người ta bấm máy liên tục làm 2, 3 phim nhưng tôi không làm được vì hai lẽ: một là chất lượng phim không được như ý, hai là không có thời gian dành cho con.

Với tôi, gia đình là số 1. Bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến gia đình cũng không được. Năm nay tôi không quay thì năm sau quay nhưng tôi không thể sinh con ra rồi bỏ nó nheo nhóc đi suốt mấy tháng không gặp mặt, không dạy dỗ...

Hà có thể vừa trông con vừa làm việc, quản lý 3, 4 công ty nhưng tôi không thể đùn hết việc cho Hà.

Anh dạy con thế nào?

Tôi không gò bó bọn trẻ mà để con phát triển tự nhiên. Nó thích mặc gì cho mặc đó, thích ăn gì ăn cái đó.

Lý Hải: Tại sao cha mẹ phải nai lưng làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con? - Ảnh 3.

... tỉ lệ thuận với tình yêu của hai vợ chồng.

Tôi không có kiểu, món mình thích lại bắt con ăn theo hoặc thấy con hàng xóm giỏi toán cũng bắt nó học toán trong khi năng khiếu của nó là văn. Chính vì thế, chuyện dạy dỗ con cái nhà tôi rất nhẹ nhõm, không có gì nặng đầu.

Được sinh ra trong gia đình giàu có, bố quá nổi tiếng có ảnh hưởng đến tính cách của bé không anh?

Chắc cũng có. Thằng lớn (5 tuổi) rất kỹ trong việc dơ và sạch. Nó không chịu ăn chung đũa muỗng với người khác.

Hồi tôi còn nhỏ, có trái ổi 5, 7 đứa chuyền nhau cắn chung; có que kem 3, 4 anh em thay nhau mút nhưng giờ nó nhất định không chịu ăn chung với ai hết.

Thà em nó ăn, nó khóc chứ không ăn chung. Tôi nói, ba mẹ chỉ có tiền mua 1 cây thôi nó cũng không ăn.

Còn về chuyện xài đồ xịn thì sao anh?

Nó chưa ý thức được chuyện đó. Giờ nó chỉ biết cái gì thích và cái gì không thích. Vợ chồng tôi mua gì nó xài đó. Nhưng con nít sợ nhất thói quen đòi hỏi. Đi ngang qua khu đồ chơi là nó đòi.

Chỉ trừ khi nó dở chứng thì chịu còn nói chung tôi vẫn dạy được. Nguyên tắc của tôi là đòi cách mấy cũng không mua. Nếu mua 1 lần, lần sau nó sẽ đòi tiếp.

Thông thường tôi sẽ giao kèo với nó. Ví dụ, mỗi ngày ngoan sẽ được 1 điểm, không ngoan bị trừ 1 điểm. Chừng nào đủ 20 điểm thì được món đồ chơi đó.

Anh đã bao giờ bị xấu hổ vì con ăn vạ ở nơi công cộng?

Người lớn thích còn dằn lòng được, con nít thích mà không được thì la làng đòi. Điều đó mình có thể hiểu được. Nhưng con nít đứa nào cũng có yếu điểm gì đó, chỉ cần lấy yếu điểm đó ra hù nó sẽ không dám nữa. Thế nên, mỗi lần bọn nhóc có ý định ăn vạ là tôi hù nhốt toilet là sợ liền.

Lý Hải: Tại sao cha mẹ phải nai lưng làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con? - Ảnh 4.

Bây giờ con số đó là 4.

Mặc dù đông con, mặc dù nhiều việc nhưng vợ chồng anh cũng rất biết hưởng thụ cuộc sống. Bằng chứng là gia đình rất thường xuyên đi du lịch, phải không anh?

Cuộc sống rất quan trọng. Ai cũng phải đi làm kiếm tiền nhưng mình biết đủ là đủ, cảm thấy không đủ là không đủ.

Người ta bảo "hi sinh đời bố củng cố đời con", tôi thấy câu đó phi lý. Tại sao cha mẹ phải nai lưng ra làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con? Nếu nó bất tài vô dụng thì chỉ cần 1 năm thôi, đống tiền đó sẽ banh hết.

Quan trọng là dạy con sống có ích, trở thành người tốt. Tôi sẽ không để dành tiền cho con. Khi nào chúng nó 18 tuổi, tôi chỉ để tượng trưng cho chúng nó có vốn làm ăn chứ không cho căn nhà, đất đai.

Tôi không bao giờ có thể giàu được vì làm được bao nhiêu tôi xài hết từng đó. Gia đình tôi rất thích đi du lịch. Chúng tôi biết hưởng thụ nhưng cũng không thiếu nợ ai.

Tôi không quan niệm là giàu có tối ngủ không yên. Chình vì thế cuộc sống của tôi rất thoải mái. Mọi người nói tôi giàu, thật ra tôi giàu tình cảm, giàu con cái chứ không giàu tài sản. Tôi sống rất đơn giản.

Gia đình tôi từ trên xuống dưới đều đi lên bằng hai bàn tay trắng. Ngày xưa nhà tôi nghèo rớt mùng tơi, sau này mới phất lên. Chính vì nghèo nên ai cũng tự nhủ phải phấn đấu.

Cha mẹ giàu có, con cái dễ sinh hư. Tôi thấy bạn bè mình nhiều người bị như vậy, tôi cũng sợ sau này con mình thế.

Người ta bảo cha mẹ sinh con trời sinh tính. Không có người cha người mẹ nào muốn con mình hư nhưng nhiều khi nó học chỗ này chút, chỗ kia chút thì biết làm sao.

Lý Hải: Tại sao cha mẹ phải nai lưng làm rồi chết đi để lại hết gia tài cho con? - Ảnh 5.

Để tận hưởng cuộc sống, gia đình anh thường xuyên đi du lịch.

Do đó, ngày nào tôi cũng ráng dành thời gian chơi với con ít nhất là 2 đến 3 tiếng sau khi nó đi học về. Lúc con ngủ, con đi học tôi làm việc.

Trừ những ngày phải ra ngoài có công chuyện hoặc việc gấp phải xử lý ngay tôi mới cầm điện thoại, còn bình thường tôi cố gắng dành thời gian cho con hết mức có thể.

Tôi không cho con chơi điện thoại. Tôi nói với nó chơi điện thoại hư mắt nên nếu thấy tôi cầm điện thoại, nó nhắc ngay.

Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc gia đình anh luôn hạnh phúc!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại