Có một khái niệm thú vị gọi là "bệnh sóc", nghĩa là một người luôn tích trữ đủ thứ và không muốn vứt bỏ chúng. Giống như một con sóc, tích trữ thật nhiều thức ăn trước mùa đông.
Bạn đã bao giờ gặp một người như vậy trong cuộc sống chưa? Chuyển phát nhanh mang về nhà, sau khi mở hộp thì không muốn vứt bao bì. Quần áo lỗi thời, không phù hợp cũng không muốn bỏ đi. Những kỷ vật cũ cũng cất giữ cẩn thận trong chiếc hộp.
Hành vi tích trữ này phản ánh loại tâm lý nào ở một người?
Trên thực tế, từ quan điểm tâm lý học, những người như vậy có khiếm khuyết về nhân cách.
Hiệu ứng sở hữu là gì?
Có một khái niệm trong tâm lý học được gọi là "hiệu ứng sở hữu". Nói một cách đơn giản: Niềm vui khi đạt được một thứ gì đó ít hơn nhiều so với nỗi buồn khi mất nó.
Chẳng hạn như: Bạn đang đi trên đường và nhặt được 100 USD, bạn sẽ thấy hạnh phúc, may mắn. Nhưng khi đang định tiêu nó, bạn phát hiện mình bị mất một số tiền hay một đồ vật có giá trị tương đương, bỗng chốc hạnh phúc tan biến, bạn sẽ trở nên cáu kỉnh, bực bội.
Điều này đúng trong nhiều vấn đề, dù là công việc, cuộc sống hay tình yêu. Trong một mối quan hệ, bạn ở với một người mà bạn không thực sự thích chỉ bởi vì nghĩ rằng anh/cô ấy là một người bạn đời phù hợp. Không lâu sau khi ở bên nhau, bạn và người ấy chia tay. Điều này khiến bạn buồn, hụt hẫng trong một thời gian dài.
Loại dao động cảm xúc này là ảnh hưởng của hiệu ứng sở hữu. Bạn không yêu họ nhiều nhưng khi họ rời đi, bạn vẫn trống trải, khó chịu. Những người như vậy có khả năng chấp nhận cảm giác mất mát hơn là cảm giác đạt được được.
Một số tính cách ở người có khuynh hướng cảm xúc "hiệu ứng sở hữu"
1. Thiếu hụt khiến con người thèm khát sở hữu
Một người càng thiếu cái gì đó, họ càng khao khát sở hữu nó.
Chẳng hạn: Người thiếu thốn tình thương, từ nhỏ đã không được quan tâm thì khi lớn lên, cả đời họ sẽ đi tìm kiếm loại cảm xúc này.
Hay những người có tuổi thơ nghèo khó thì khi trưởng thành, mối quan tâm lớn nhất, thậm chí là nỗi ám ảnh của họ là tiền bạc. Điều này cho thấy sâu thẳm trong thâm tâm, họ thiếu cảm giác an toàn.
2. Là người không có chính kiến, thiếu quyết đoán
Với những người thích tích trữ đồ cũ, họ thường là người không có chính kiến. Dù làm việc gì, họ cũng thiếu quyết đoán, khó lựa chọn.
Chẳng hạn: Họ muốn thể hiện bản thân trước đám đông nhưng lại lo ngại người khác. Muốn tỏ tình với người mình thích nhưng lại sợ bị từ chối. Không thể chấp nhận được việc đi ăn uống hoặc mua sắm một mình.
Bất kể khi đưa ra quyết định gì, họ đều phải hỏi ý kiến những người xung quanh và khó đưa ra lựa chọn một mình. Chính vì khiếm khuyết nhân cách này khiến họ bị do dự, quẩn quanh trong cuộc sống cũng như trong công việc. Thật mệt mỏi khi thường xuyên phải sống trong sự vướng mắc, do dự, nội tâm bài xích.
Nếu bạn muốn cuộc sống của bạn trở nên đơn giản và ngăn chặn xích mích nội tâm, bạn cần học cách đoạn tuyệt. Điều này sẽ giúp bạn ổn định hơn về mặt cảm xúc.
Học cách suy nghĩ và hành động dứt khoát
- Lựa chọn những điều bạn thật sự muốn: Bạn cần biết điều gì quan trọng đối với bạn. Sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên của các mục tiêu và thực hiện bằng những giải pháp khả thi giúp bạn đạt được chúng. Nếu có thể toàn tâm toàn ý cam kết với những việc mình nên làm, chứ không nghĩ ngợi lung tung về những việc mình có thể làm thì bạn sẽ sống rất kiên định.
- Loại bỏ những thứ còn lại: Bạn phải duy trì tinh thần cảnh giác với vô số yếu tố kích thích, những nguyên nhân gây xao nhãng, cùng các hành vi sẽ khiến bạn chán nản và mất đi sự kiên định. Bất kể bạn làm việc chăm chỉ đến thế nào thì sự xao nhãng vẫn là một thực tế không thể chối cãi của cuộc sống hiện đại và của con người.
- Tập đưa ra những quyết định nhỏ nhanh hơn: Hãy dành ít thời gian hơn để đưa ra những quyết định nhỏ. Những quyết định này tương đối vụn vặt, chẳng hạn như gọi món gì cho bữa ăn hoặc ngồi ở đâu trong phòng họp, có nên vứt món đồ này đi không. Đưa ra nhiều quyết định nhanh chóng hơn sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm trước khi đưa ra lựa chọn vào lần tới.