Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19

Thu Hằng |

Cả hai phe phản đối và ủng hộ bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine phòng COVID-19 đều đưa ra những lý lẽ "thuyết phục". Tuy nhiên, cuộc tranh cãi vẫn ngày một tăng nhiệt khi khủng hoảng COVID-19 ở các nước nghèo đang trầm trọng hơn.

Người biểu tình tại Washington, DC, kêu gọi Mỹ chia sẻ công thức chế vaccine cho thế giới, ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP/Getty Images

Người biểu tình tại Washington, DC, kêu gọi Mỹ chia sẻ công thức chế vaccine cho thế giới, ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP/Getty Images

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thông báo sẽ phối hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để đàm phán một thỏa thuận ngừng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến các vaccine phòng COVID-19, một động thái bất ngờ đảo ngược so với quan điểm trước đây.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các ca tử vong do COVID-19 đang tăng mạnh ở Ấn Độ và nhiều nơi khác. Chương trình tiêm chủng ở Mỹ đạt nhiều tiến bộ, nhưng hầu khắp phần còn lại của thế giới vẫn đang chờ đợi vaccine. Thực trạng này khiến vai trò của các công ty vaccine và quyền sở hữu trí tuệ vaccine trở thành chủ đề tranh luận gay gắt.

Chỉ có sự nhất trí về một điều: Có rất nhiều việc cần phải làm để đẩy nhanh sản xuất vaccine COVID-19 và thực hiện tiêm chủng trên thế giới. Khi Đại hội đồng WTO nhóm họp trong tuần này, vấn đề bằng sáng chế vaccine đã đứng đầu chương trình nghị sự. Ấn Độ và Nam Phi đề nghị WTO bãi bỏ quyền SHTT liên quan đến vaccine để nhiều tổ chức hơn có thể sản xuất chúng.

Lý lẽ cho việc bãi bỏ rất đơn giản: Bãi bỏ quyền SHTT có thể cho phép thêm nhiều công ty tham gia vào sản xuất vaccine COVID, nới lỏng tình trạng thiếu hút và giúp đẩy nhanh mục tiêu chủng ngừa trên toàn thế giới.

Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị một mũi vaccine phòng COVID-19. Ảnh: BBC

Trong khi đó, phe phản đối cho rằng việc tước đi quyền sở hữu trí tuệ từ các nhà sản xuất vaccine cũng giống như trừng phạt họ và không khuyến khích những khoản đầu tư tương tự trong tương lai. Phe này cũng cho rằng, việc bãi bỏ SHTT không giúp giải quyết được nhiều trong vấn đề cung ứng vaccine, bởi tình trạng thiếu hụt phần lớn là do các yếu tố như thiếu nguyên liệu thô, sự phức tạp và yêu cầu chặt chẽ của quy trình sản xuất vaccine.

Các cuộc tranh luận đã nổ ra trong vài tuần qua, trong đó đáng chú ý là ý kiến của tỷ phú Bill Gates bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, và gần đây trở nên gay gắt hơn khi cuộc khủng hoảng COVID ở các nước nghèo trầm trọng hơn.

Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Một bãi hỏa táng thủ công nạn nhân COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Dưới đây là những giải đáp xung quanh vai trò của sở hữu trí tuệ trong sản xuất vaccine và cuộc tranh luận hiện nay về bãi bỏ nó.

Tính phức tạp của sở hữu trí tuệ với vaccine

Khi một công ty dược sản xuất một loại thuốc, họ sẽ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Bằng sáng chế bảo vệ tài sản trí tuệ của họ trong một khoảng thời gian cố định, thường là 20 năm. Sau đó, người khác có thể tạo ra những phiên bản “chia sẻ” (thuốc generic) thường rẻ hơn rất nhiều.

Điều đó thật đơn giản. Nhưng khi nói đến vaccine COVID-19, và nhiều sản phẩm dược hiện đại, thì tình hình phức tạp hơn thế nhiều.

Thứ nhất, một loại vaccine hiện đại thường nằm trong một mạng lưới các quyền SHTT khác nhau, với việc nhà sản xuất vaccine đã mua bản quyền đối với một số thành phần của vaccine đó, hoặc từ các công ty dược, hoặc từ các nhà nghiên cứu.

Ví dụ, lipid (vỏ chứa các phân tử mRNA) sử dụng cho vaccine công nghệ mRNA, được cấp phép cho Pfizer và Moderna, nhưng các công ty khác lại có quyền với chúng.

Các bằng sáng chế do các công ty vaccine nắm giữ thực sự chỉ chiếm một phần khá nhỏ so với những gì diễn ra trên mạng lưới sở hữu trí tuệ này. Ta nên đề cập rộng hơn về tất cả các tài sản trí tuệ có trong một loại vaccine: từ thỏa thuận cấp phép, bản quyền, kiểu sáng công nghiệp, đến các luật bảo hộ bí mật thương mại.

Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 - Ảnh 3.

Nhân viên tại công ty dược BioNTech của Đức làm việc trong một cơ sở sản xuất mRNA ở Marburg, Đức. Ảnh: EPA

Điều phức tạp khác là, mặc dù có những rào cản pháp lý đối với việc sao chép các loại vaccine hiện có, nhưng đó không phải là điều thực sự khiến các công ty khác không thể sản xuất chúng. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, nhìn chung, toàn bộ nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng của thế giới đã được tập trung cho sản xuất vaccine, và không có nhà máy nào nào còn đang “ngồi” chờ đợi được cấp phép để bắt đầu sản xuất chúng.

Hơn nữa, việc thay đổi quy trình để sản xuất một loại vaccine mới là một quá trình khó khăn, dễ xảy ra sai sót, ví dụ như khi một nhà máy chuyển đổi để sản xuất vacine Johnson&Johnson đã làm hỏng hàng triệu liều.

Moderna là một ví dụ điển hình ở đây. Vào mùa thu năm 2020, công ty này đã đưa ra một thông báo nổi tiếng rằng họ sẽ không thực thi bằng sáng chế vaccine COVID-19 của mình. Nhưng bất chấp động thái đó, vẫn không có một liều vaccine Moderna “generic” nào được sản xuất.

Tuy nhiên, về lâu dài, một thế giới, nơi mọi thứ mà các công ty Moderna, Pfizer, Novavax, AstraZeneca và Johnson & Johnson nắm giữ về sản xuất vaccine, đều được cung cấp miễn phí trên mạng sẽ giúp các nhà sản xuất khác sản xuất vaccine dễ dàng hơn. Nó cũng khiến giá vaccine rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn với các quốc gia đang khó khăn để tìm nguồn cung cấp.

Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 - Ảnh 4.

Tại cuộc họp trong tuần này, WTO đang xem xét các yêu cầu từ Ấn Độ và Nam Phi về bãi bỏ các bằng sáng chế trong thời kỳ khẩn cấp. Hầu hết các quốc gia đều có luật bằng sáng chế của riêng mình, nhưng các thỏa thuận quốc tế về cách họ thực thi bằng sáng chế của nhau thì có xu hướng được WTO làm trung gian.

Mặc dù thông báo của chính quyền Biden là một chiến thắng cho phe ủng hộ việc bãi bỏ sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19, nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất cần được thuyết phục để WTO đồng ý. EU, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ đã bày tỏ sự phản đối.

Lý lẽ của phe phản đối

Nhiều nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu, tỷ phú Bill Gates (và quỹ từ thiện của ông) đã phản đối kịch liệt việc bãi bỏ quyền SHTT với vaccine COVID-19, với hai lập luận chính:

Thứ nhất, họ cho rằng xã hội nên muốn các công ty dược phẩm phát minh ra các loại vaccine giống như họ đã làm với bệnh COVID-19 và việc bãi bỏ quyền SHTT sẽ khiến điều đó ít xảy ra trong tương lai hơn, bởi những dự án tương tự sẽ trở thành mục tiêu đầu tư ít hấp dẫn hơn (do có nguy cơ bị bãi bỏ quyền SHTT).

Thứ hai, họ cho rằng việc từ bỏ quyền SHTT sẽ đặt ra tiền lệ đó, mà không cần đẩy nhanh hoạt động sản xuất vaccine.

Geoffrey Porges, một nhà phân tích nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư SVB Leerink, nói với New York Times: “Đối với ngành [sản xuất vaccine], đây sẽ là một tiền lệ khủng khiếp. Điều đó sẽ phản tác dụng một cách cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì những gì nó sẽ nói với ngành công nghiệp là: 'Đừng đầu tư vào bất cứ điều gì mà chúng tôi thực sự quan tâm, bởi vì nếu bạn làm vậy, chúng tôi sẽ lấy mất nó khỏi bạn”.

Lý giải tranh cãi về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 - Ảnh 5.

Vaccine COVID của AstraZeneca COVID-19 được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: AP

Có lẽ nổi bật nhất trong số những người có quan điểm này là Bill Gates. Ông Gates nói trong một cuộc phỏng vấn gây tranh cãi trên Sky News: “Trong trường hợp này, thứ kìm hãm mọi thứ không phải là sở hữu trí tuệ. Nó không giống như có một nhà máy sản xuất vaccine nhàn rỗi nào đó với sự chấp thuận của cơ quan quản lý để sản xuất vaccine an toàn một cách kỳ diệu. Bạn phải thử nghiệm những thứ này và mọi quy trình sản xuất phải được xem xét một cách rất cẩn thận”.

Theo lập luận của Bill Gates, thay vì sở hữu trí tuệ, vấn đề là bí quyết kỹ thuật sâu – tức các chi tiết quan trọng của quy trình sản xuất vaccine. Đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với vaccine mRNA mà Pfizer và Moderna tạo ra vì chúng sử dụng một kỹ thuật mới.

Moderna và Pfizer không chỉ biết công thức chính xác của vaccine mà họ sản xuất, mà còn nắm vô số chi tiết về thủ tục để tạo ra chúng thành công, như: cải tiến thiết bị, cài đặt nhiệt độ, cách khắc phục các sự cố thông thường, các loại hỏng hóc khác nhau và những vấn đề mà chúng chỉ ra... Việc bãi bỏ các biện pháp bảo vệ SHTT sẽ không đồng nghĩa cung cấp thông tin này.

Một số người ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đã cho rằng cuộc tranh luận về cơ bản là một vấn đề của "chiến tranh giai cấp": Các công ty dược lớn chống lại người nghèo toàn cầu.

Tuy nhiên, có những người bảo vệ nhiệt thành lợi ích của người nghèo ở cả hai bên trong cuộc tranh luận này: Nhiều chuyên gia đã dành sự nghiệp của mình để đấu tranh cho người nghèo trên thế giới cũng coi việc từ bỏ quyền SHTT với vaccine là một bước phản tác dụng. Họ lo ngại liệu giải pháp này có làm tăng khả năng tiếp cận vaccine ở những nơi cần thiết hay không, và liệu nó có làm tổn hại đến sự chuẩn bị của chúng ta cho những đại dịch tiếp theo trong tương lai hay không.

Ngay cả khi các rào cản pháp lý được giải quyết, vô số rào cản thực tế vẫn còn với việc sản xuất vaccine và tiêm chủng trên thế giới. Nếu việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là bước đi đầu tiên, điều đó thật tuyệt. Nhưng có rất nhiều bước đi phải thực hiện nếu chúng ta muốn đánh bại COVID-19 ở mọi nơi trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại