Lý giải sức mạnh Taliban trên chính trường Afghanistan

Phan Tùng |

Từng bị xếp vào nhóm các tổ chức khủng bố, nhưng hiện giờ Taliban hiện giờ được coi như một lực lượng chính trị, đang cùng chính phủ Afganistan đàm phán hòa bình để tham gia vào chính phủ mới tại Afganistan.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Thực hư việc Taliban tuyên bố kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan

Trước thời điểm Mỹ và lực lượng quốc tế rút toàn bộ quân khỏi Afganistan, Taliban liên tục đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi như kiểm soát 85% lãnh thổ hay kiểm soát 90% biên giới.

Thực tế, tình hình an ninh tại Afghanistan đang xuống cấp nghiêm trọng trong gần 4 tháng qua trong bối cảnh các lực lượng quân đội nước ngoài bắt đầu giai đoạn rút quân cuối cùng khỏi nước này.

Taliban đã tranh thủ điều kiện này để mở rộng các cuộc tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ, đánh bật các lực lượng an ninh Chính phủ ra khỏi nhiều khu vực, tạo tâm lý hoảng sợ với dân chúng và chính quyền rằng sức mạnh của Taliban đang thực sự áp đảo và có thể tiến tới giành lấy đất nước trong một thời gian ngắn tới.

Đây có thể coi là thời điểm bước ngoặt với tương lai của đất nước Afghanistan.

Thế giới sẽ được chứng kiến quốc gia vốn từng chìm trong khủng bố, đổ máu liệu có quay trở lại với quá khứ đen tối hay không.

Hay người dân Afghanistan sẽ tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đang ở trước ngưỡng bùng nổ? Tuy nhiên, trước khi đưa ra nhận định nào, cần phải đánh giá thực tế chiến trường trong những tháng qua.

Theo số liệu mới công bố ngày 31/7 của Bộ Quốc phòng Afghanistan kể từ tháng 4, Taliban đã chiếm được quyền kiểm soát thủ phủ của 193 quận và 19 quận nằm tại vùng biên.

Trong khi đó, các Lực lượng Quốc phòng và An ninh nước này cũng giành lại thủ phủ của 9 quận. Dù vậy, hiện vẫn còn hơn 200 quận nằm ngoài quyền kiểm soát của Chính phủ.

Ngoài ra, Taliban cũng đã giành được 10 cửa khẩu biên giới giữa Afghanistan với các nước láng giềng tại các tỉnh Takhar, Kunduz, Badakhshan, Herat và Farah. Điều này dẫn tới việc ngừng trệ hoàn toàn việc đi lại và buôn bán hai bên biên giới tại các khu vực này.

Kể từ ngày 14/4, gần 4.000 binh lính Chính phủ đã thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương trong các cuộc giao tranh với Taliban. Còn bộ Các vấn đề Hòa bình của Afghanistan cho biết, Taliban đã tổ chức khoảng 22.000 cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các lực lượng Chính phủ trong 4 tháng qua. Bên phía phiến quân cũng thương vong khoảng 24.600 người.

Làn sóng bạo lực 4 tháng qua rơi vào thời điểm quân đội nước ngoài đang rút đi, trong khi các lực lượng an ninh Chính phủ đang bị xáo trộn về tâm lý và chiến lược nên bị động trong phản ứng, đánh mất nhiều vùng lãnh thổ vào tay phiến quân Taliban.

Do đó, các diễn biến cũng chưa phản ánh đúng cán cân trên chiến trường.

Taliban đã đẩy mạnh tấn công trong thời gian qua và sẽ còn hành động nữa. Tuy nhiên, những tuyên bố vừa qua của nhóm này cũng mang nặng màu sắc tuyên truyền khi muốn lấy thanh thế và hù dọa dân thường, và cộng đồng quốc tế nhằm giành lợi thế trên chiến trường, và đặc biệt là trên bàn đàm phán hòa bình với Chính phủ đang diễn ra ở Doha.

Nguồn gốc sức mạnh của Taliban

Taliban lâu nay được nhắc tới như là một lực lượng Hồi giáo cực đoan muốn thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan. Tuy nhiên trên thực tế, Taliban không hề đơn giản như vậy.

Taliban là một phong trào chính trị tôn giáo bắt nguồn từ sự hỗn loạn tại Afghanistan thời hậu Xô Viết. Phong trào này từng có lúc kiểm soát tới 90% lãnh thổ Afghanistan và từng được cả Mỹ hậu thuẫn vì các mục tiêu địa chính trị.

Taliban từng có 6 năm cầm quyền tại Afghanistan trước khi bị liên quân do Mỹ lãnh đạo lật đổ vào cuối năm 2001. Lý do cho cuộc trừng phạt này là do Taliban đã chứa chấp tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, thủ phạm gây nên vụ khủng bố ngày 11/9 tại nước Mỹ.

Cho dù bị đánh bật khỏi vị trí nắm quyền ở Afghanistan, Taliban vẫn tồn tại ở đất nước này và nhiều thời điểm gây khó dễ cho chính phủ và cả liên quân nước ngoài. Kể từ năm 2006, nhóm này đã tái tập hợp và huy động các tay súng để gây rối, tổ chức tấn công vào lực lượng nước ngoài.

Trong 20 năm qua kể từ thời điểm năm 2001, đã có hơn 40.000 dân thường thiệt mạng vì các cuộc giao tranh giữa Taliban và liên quân do Mỹ đứng đầu.

Ít nhất 64.000 binh lính quân đội và cảnh sát nước này đã bỏ mạng và hơn 3.500 binh lính nước ngoài tử nạn. Điều đó cho thấy nguồn lực rất lớn và khả năng tổ chức và duy trì sự tồn tại của Taliban bất chấp mọi hoàn cảnh.

Trong suốt 20 năm qua, Taliban thực ra vẫn duy trì một bộ máy nhà nước của riêng mình, tồn tại song song với chính quyền ở thủ đô Kabul. Nhà nước này có tên gọi là Vương quốc Hồi giáo Afghanistan với lá cờ riêng, và một chính phủ ngầm cai quản 34 tỉnh trong cả nước.

Thủ lĩnh Taliban đứng đầu một hội đồng giám sát khoảng một chục ủy ban phụ trách các vấn đề như tài chính, y tế và giáo dục, thậm chí điều hành các tòa án của riêng.

Theo một ủy ban của Liên Hợp Quốc, Taliban kiếm được gần 1,5 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này thu được từ việc hợp tác với các băng đảng địa phương để buôn bán ma túy trong khu vực.

Năm 2020, Taliban đã kiếm được hàng triệu USD từ khai thác và buôn bán khoáng sản, và thậm chí sản xuất methamphetamine - một dạng ma túy tổng hợp. Lực lượng này cũng có hệ thống thu thuế riêng và nhận tài trợ từ nước ngoài.

Về quân sự, người ta cho rằng, nước láng giềng Pakistan là nơi mà Taliban trú ẩn, huấn luyện lực lượng và tổ chức các cuộc tấn công trở lại Afghanistan.

Từ một nhóm khủng bố tới lực lượng chính trị được công nhận

Vị thế của Taliban đã thay đổi rất nhiều sau 20 năm kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh tại Afghanistan.

Từ chỗ là một lực lượng vũ trang cực đoan có nhiều mối liên hệ với khủng bố, Taliban giờ đây có thể đường hoàng đối thoại với Mỹ, với Chính phủ Afghanistan và các cường quốc khác như một lực lượng chính trị- quân sự độc lập.

Để có được vị thế như ngày nay, Taliban đã kiên nhẫn duy trì lực lượng, xây dựng vị thế tại Afghanistan và khu vực suốt 20 năm qua.

Bất chấp các cuộc tấn công, truy tìm của liên quân do phương Tây đứng đầu, bất chấp việc các thủ lĩnh của tổ chức này bị tiêu diệt, Taliban vẫn có thể tồn tại, thậm chí có những đòn đáp trả bất ngờ.

Taliban biết rằng quân đội nước ngoài sẽ không thể ở lại Afghanistan về lâu dài bởi không có đủ nguồn lực và thiếu một mục tiêu rõ ràng. Chỉ cần chờ tới thời điểm phù hợp, Taliban sẽ có thể trở lại cả trên mặt trận chính trị lẫn quân sự.

Thời điểm đó là vào nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông đặt ra mục tiêu rất cao là đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban để đưa quân đội Mỹ rời khỏi chiến trường ‘hao người tốn của’ này.

Quyết tâm của ông Trump bằng mọi giá phải chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan mang lại cho Taliban những đòn bẩy thuận lợi chưa từng có. Thậm chí, Chính phủ dân cử ở Kabul còn không được biết thỏa thuận này gồm những gì trước khi nó được ký kết.

Với thỏa thuận hòa bình với Mỹ, rõ ràng vị thế trên bàn đàm phán của Taliban đã nâng lên rõ rệt. Taliban còn có quyền lựa chọn thời điểm, và yêu sách trong các cơ chế đối thoại với Chính phủ và với cả các cường quốc.

Cũng cần phải nói tới việc Taliban đã xây dựng được một nền tảng sâu rộng tại nhiều vùng địa lý của Afghanistan để có thể thu hút các bộ lạc ngả về phía mình.

Có thông tin cho rằng 4 tháng qua, Taliban đã thuyết phục được một số thủ lĩnh bộ lạc và các học giả Hồi giáo để những lực lượng này đi theo mình. Từ đó, nhiều khu vực tại Afghanistan đã nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng này mà không cần đổ máu.

Một điểm quan trọng khác góp phần giúp Taliban giành thắng lợi trên mặt trận chính trị là việc các phe phái chính thống ở Afghanistan mất quá nhiều thời gian vào xung đột nội bộ, chỉ trích lẫn nhau. Trong khi chính quyền và các lực lượng an ninh lại hoạt động kém hiệu quả, tham nhũng dù nhận được rất nhiều viện trợ của nước ngoài.

Vị thế trên bàn đàm phán góp phần củng cố sự tự tin của Taliban trên chiến trường. Đó chính là nguồn cơn để đẩy Afghanistan vào một cuộc nội chiến trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại